| Hotline: 0983.970.780

Gần gũi một đỉnh trời

Thứ Hai 07/01/2013 , 09:34 (GMT+7)

Nói đến Cán Tỷ là nói đến địa danh có cổng trời, nơi xưa kia Vua Mèo cho dựng cổng thành kiểm soát cả một vùng đá Đồng Văn, Mèo Vạc, cát cứ một thời.

Hồ treo Sủa Cán Tỷ thôn Đầu Cầu nhìn từ cổng trời Cán Tỷ

Là một trong số các xã khó khăn và đói nghèo nhất của huyện nghèo Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), Cán Tỷ - có 8 thôn với trên 810 hộ và 4.300 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông, đang bền bỉ thực hiện chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm đạt thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 20%.

Vời vợi nơi “cổng trời”

Nói đến Cán Tỷ là nói đến địa danh có cổng trời, nơi xưa kia Vua Mèo cho dựng cổng thành kiểm soát cả một vùng đá Đồng Văn, Mèo Vạc, cát cứ một thời.

Cán Tỷ hôm nay vẫn là xã khó khăn vì thiếu đất canh tác, đặc biệt nước sản xuất và sinh hoạt vẫn thiếu trầm trọng. Toàn xã mới có hơn 50% số hộ dân có nước sinh hoạt. Ông Phan Thông Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mục tiêu phấn đấu để 100% số hộ đều có nước sinh hoạt rất khó đạt. Các năm qua, Chương trình 134 của Chính phủ đã hỗ trợ cho các hộ làm gần 500 bể nước ăn và đặc biệt là hoàn thành được hồ treo thôn Sủa Cán Tỷ cấp nước cho hơn 130 hộ vùng cao. Nhờ vậy mà kinh tế khá hơn nhiều.

Hồ treo Cán Tỷ hiện là chiếc hồ treo đẹp nhất tại cao nguyên đá Hà Giang, có dung tích trên 7 nghìn m3, vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, đảm bảo quanh năm cung cấp nước cho 2 thôn vùng cao là Sủa Cán Tỷ và Sảng Cán Tỷ.

Trưởng thôn Sủa Cán Tỷ là ông Vàng Chứ Lềnh, 50 tuổi, vẫn hỉ hả khi nói về chiếc hồ treo kì diệu này, ngày trước cứ phải dậy từ 3 giờ sáng, chở can 20 lít leo 4km đường dốc đá xuống sông Tráng Kìm lấy nước, nhanh thì cũng phải 8 giờ mới về đến nhà để đi nương. Ngày nào cũng như ngày nào, vất lắm. Đầu năm 2009, thấy cán bộ về khảo sát bảo làm hồ nước cho dân, thấy khó tin lắm vì dân muốn xây cái bể bé tí chứa nước mưa để dùng mà cũng không có nước để trộn xi măng. Xây cái hồ to sức đâu mà làm!

Dân bản được gọi đi lao động làm hồ vẫn cứ nửa tin nửa ngờ, Chính phủ làm thế nào mang được hồ nước lên tận đỉnh trời?! Thế mà làm được thật, mới đầu năm nổ mìn phá đá tạo lòng hồ, cuối năm đã có hồ nước đầy, ai nhìn thấy cũng tưởng đang mơ.

Thấm được nỗi vất vả của sự thiếu nước nên đồng bào quý nước lắm, bầu hẳn tổ quản lý hồ, chỉ mở cửa cho lấy nước theo giờ quy định buổi sáng, buổi chiều và mỗi hộ cũng chỉ được lấy nước đủ dùng.

Lù Mí Chứ được bà con tin tưởng bầu làm tổ trưởng, mỗi năm được nhận 2 tạ ngô hạt từ số ngô mỗi hộ đóng góp 3kg/năm. Hàng ngày Chứ mở cửa cho bà con lấy nước, xong rồi xem xét nhặt những lá cây, rác bẩn quanh khu vực hồ.

Không còn phải lo lắng nước ăn uống hàng ngày, lại sẵn cả nước cho bò, dê nên các hộ dồn sức phát triển sản xuất và chăn nuôi. Hiện nhà nào cũng có bò, dê hoặc lợn. Cả thôn chỉ còn 2-3/80 hộ còn đói giáp hạt, nghèo và cận nghèo còn 50 hộ.

Ở vùng cao cũng có cái may, nhờ gần mặt trời hơn nên cây gì cũng trồng muộn hơn vùng thấp mà vẫn được thu cùng. Cây ngô thôn dưới lên xanh cả tháng rồi thôn trên mới bắt đầu tra hạt, thế mà vẫn thu cùng ngày, cũng nhiều hạt như nhau.

Việc ma chay, cưới xin cũng giản tiện, mỗi đám gói gọn trong khoảng 10 triệu đồng, vẫn thách 1 bộ quần áo theo phong tục, còn về thịt, rượu, bạc trắng thì ít đám còn thách. Tiền mừng cưới cũng chỉ 50-100 nghìn đồng. Đồng bào thực hiện đúng theo hương ước, quy ước về xây dựng đời sống mới.

Trẻ con từ 3 tuổi đều được đến trường. Cả thôn có lớp mẫu giáo gần 30 cháu, hôm nào bố mẹ không đưa đến lớp được thì cô giáo đến tận nhà đón ra lớp. Dân được dùng điện lưới quốc gia không khác gì vùng thấp.

Làm theo cái mới để hết nghèo

Bí thư Đảng ủy xã Cán Tỷ, ông Phạm Ngọc Pha cho biết, xã vùng cao cũng còn nhiều khó khăn, nhất là tập tục, tập quán canh tác. Đảng uỷ và Ủy ban nhân dân xã đã tập trung chỉ đạo bà con nhân dân chủ động làm tốt công tác chuẩn bị vật tư, giống, vốn ngay từ đầu các mùa vụ; khắc phục khó khăn, tranh thủ các điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi, triển khai kịp thời kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo kịp thời đáp ứng được các quy trình kỹ thuật, mùa vụ.

Xã tích cực kết hợp với các chương trình, dự án đầu tư tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng ngô lai, đậu tương giống mới, trồng cỏ gắn với chăn nuôi, nhờ đó đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của bà con nhân dân trong chuyển đổi từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Mấy năm vừa qua bà con đã chuyển được 60ha nương thành ruộng, chuyển nương đất dốc, đất xấu, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc được gần 300ha. Tổng diện tích gieo trồng trên 1.170 ha, tổng sản lượng lương thực trên 2.000 tấn, bình quân gần 500kg/người/năm.

Nghe những lời tâm sự đầy kỳ vọng của Bí thư Phạm Ngọc Pha, từ vời vợi cổng trời Cán Tỷ, chúng tôi nhìn xuống những nếp nhà thôn Đầu Cầu 1, Đầu Cầu 2 đang soi bóng trên dòng sông Tráng Kìm mềm mại và thấy sức sống mới của vùng đá đang trỗi dậy.

Đặc biệt ngoài diện tích cây ngô và lúa, xã đã quan tâm chỉ đạo phát triển diện tích cây đậu tương lên trên 300ha, năng suất bình quân 10 tạ/ha, dự kiến sẽ trở thành vùng đậu tương hàng hoá của huyện trong vài năm tới đây với tổng sản lượng 720 tấn. Các loại rau màu như cà chua, bắp cải, đậu Hà Lan, sắn, dong riềng, khoai tây, khoai lang… cũng được trồng gần 100 ha, tổng sản lượng khoảng 150 tấn, tạo thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con xã vùng cao núi đá.

Bí thư Phạm Ngọc Pha vui vẻ nói, trước mắt, xã sẽ xóa xong nhà tạm cho các hộ nghèo, kết hợp xây dựng các công trình vệ sinh như bể nước, nhà tắm và di dãn dân ở vùng kinh tế khó khăn đi vùng kinh tế mới theo chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động ủng hộ về giống gia súc, phản nằm, màn cho hộ nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%. Trong vòng 3 năm tới, sẽ có 87,5% thôn bản đạt làng văn hóa, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp Một và phổ cập trung học phổ thông.

Riêng về di tích cổng thành Cán Tỷ, xã sẽ phối hợp với huyện quy hoạch đưa vào tua tuyến du lịch của cao nguyên đá Đồng Văn, khuyến khích tạo điều kiện cho người dân mở rộng ngành nghề truyền thống của địa phương như làm lanh, dệt thổ cẩm, làm khèn, sáo, tạo nguồn thu cho nhân dân.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất