| Hotline: 0983.970.780

Gần lắm rồi, Cô Tô…

Thứ Ba 28/01/2014 , 14:59 (GMT+7)

Thời gian thành lập huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chưa dài, mới vỏn vẹn gần 20 năm. Nhưng, huyện đảo đã trưởng thành về mọi mặt...

Thời gian thành lập huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chưa dài, mới vỏn vẹn gần 20 năm. Nhưng, huyện đảo đã trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là nơi tiên phong, đầu sóng ngọn gió, tuyến biên cương tiền tiêu của Tổ quốc, Và, người dân nơi đây đang hiện thực hóa ước mơ Cô Tô thành “hòn ngọc giữa biển khơi”. 

I. Người ta nói “Ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô” để khái quát về những khó khăn, khắc nghiệt của huyện đảo này. Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, Cô Tô đối mặt với hạn hán, các hộ dân phải chắt từng giọt nước phục vụ sinh hoạt, chưa nói gì đến nước sản xuất. Lúc bấy giờ cả huyện chỉ có 2 cụm máy phát điện khu vực trung tâm huyện, mỗi ngày hoạt động khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ với giá điện khoảng 10.000 đồng/kWh.

Điện khan hiếm, các khu dân cư còn lại chung nhau mua máy, mua dầu diesel để tự phát điện mỗi ngày với giá thành điện từ 20.000 đến 30.000 đồng/kWh. Mỗi năm ngân sách huyện phải hỗ trợ kinh phí bù giá dầu phát điện cho nhân dân từ 7 đến 11 tỷ đồng.  


Huyện đảo với tiềm năng du lịch đang được đánh thức


Những công trình xây dựng trên huyện đảo

Là một trong những người đầu tiên sinh sống trên đảo Cô Tô, ông Nguyễn Văn Du, khu 3 thị trấn Cô Tô không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ lại những thời khắc nghèo khó khi xưa. Ông Du kể, năm 1979 gia đình ông là một trong 22 gia đình từ xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn được chuyển sang sinh sống và tiếp quản Cô Tô.

Thời điểm này, Cô Tô và Thanh Lân vẫn chỉ là hai xã đảo thuộc Móng Cái, tỉnh Hải Ninh cũ, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Suốt nhiều năm liền, người dân nơi đây không biết đến ánh sáng của đèn điện, ngoài ngọn đèn dầu và gió trời.

Từ năm 1994, sau khi thành lập huyện Cô Tô, những chiếc máy phát điện đầu tiên được sử dụng, nhưng chủ yếu là tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của huyện. Cả huyện đảo chỉ có một nhà khách của UBND huyện với hơn chục phòng, khách ra đảo công tác đều nghỉ tại đó. Buổi tối, các ngả đường trung tâm thị trấn vắng hoe, tăm tối, đặc biệt là những ngày cuối tuần, do phần lớn cán bộ, viên chức của huyện có gia đình ở Vân Đồn thường về nhà. 

II. Cô Tô chỉ là tên riêng của 2 hòn đảo (Cô Tô lớn và Cô Tô nhỏ). Trên thực tế, huyện đảo Cô Tô gồm hệ thống quần đảo Cô Tô - Thanh Lân với khoảng 50 hòn đảo, những hòn đảo đều đã được đặt tên: Đảo Trần, cồn Con Ngựa, cồn Gạc Hươu, cồn Tai Khỉ, hòn Bắc Đẩu, hòn Bầu Rượu, hòn Chòi Canh...

Hiện nay, tỉnh, huyện đang tích cực triển khai việc thành lập xã Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, nâng tổng số đơn vị hành chính của huyện lên 4 đơn vị (gồm: thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân và xã Đảo Trần). Để chuẩn bị đón những công dân mới cho đảo, huyện đang tập trung hoàn thành việc tu sửa 3 hồ chứa nước trên đảo Trần để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con...

Với những hộ tình nguyện ra sinh sống tại xã đảo Trần sẽ được tạo điều kiện để vay vốn tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi để trang sắm phương tiện, trang thiết bị đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi và một số hoạt động dịch vụ thiết yếu.

Theo kế hoạch, trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 này, tỉnh, huyện sẽ hoàn thành việc đưa dân ra xã đảo Trần sinh sống. Như vậy, không còn bao lâu nữa, Cô Tô sẽ đông đúc hơn; nhiều tiềm lực và cơ hội hơn để phát triển.

Nhưng, rõ ràng, khi điện lưới quốc gia chưa về, thì chưa thể tính toán được những kế hoạch lớn lao. Trong nhiều năm, các bộ ngành liên quan đã nghiên cứu những giải pháp công nghệ hợp lý để điện khí hóa huyện đảo trên cơ sở khai thác tài nguyên năng lượng thiên nhiên.

Ban đầu, đề tài định dùng năng lượng mặt trời làm nguồn cấp điện cho toàn huyện đảo nhưng giá thành tương đối cao. Nhiều lần thử nghiệm các phương án sản xuất điện từ gió, sóng biển, mặt trời... đều không thành công. Do vậy, người dân huyện đảo Cô Tô vẫn phải cứ quẩn quanh với chiếc máy phát điện.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, “tổng đạo diễn” dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, là người trăn trở hơn ai hết. Ông Chính bảo rằng, ngay từ khi về nhậm chức Bí thư, ông đã nghĩ ngay đến phương án xây dựng Nhà máy nhiệt điện trên đảo, sau khi các phương án điện gió, năng lượng mặt trời… không khả thi.

Thế rồi, phương án nối điện từ Vân Đồn ra đảo Cô Tô bằng cáp ngầm được duyệt. Đây được coi là một bước đột phá, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ông Chính bảo, trên 1,1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô bằng cáp ngầm trong thời điểm ngân sách đã cạn kiệt quả là điều vô cùng khó khăn.

Vì vậy, tỉnh đã mạnh dạn báo cáo, xin Chính phủ cho cơ chế được triển khai thực hiện dự án theo hình thức xã hội hoá. Với ý nghĩa quan trọng, dự án đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước.

“Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc” đã được đông đảo người dân đất Mỏ và đồng bào trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Các đợt ủng hộ liên tục diễn ra sau ngày dự án khởi công xây dựng, mỗi người một tâm niệm “góp viên gạch nhỏ xây công trình lớn”. Chỉ sau thời gian ngắn phát động, đã có hơn 270 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau ủng hộ cho công trình.

Cũng như gia đình ông Du, anh Bùi Đức Chinh ra đảo Cô Tô làm kinh tế mới từ năm 1979. Anh Chinh bảo, mấy chục năm nay, chưa có ngày nào toàn bộ người dân trên đảo lại hồ hởi, phấn khởi đến thế. Không phấn khởi sao được khi lần đầu tiên, nhà nhà đều được thắp sáng bởi ánh sáng của dòng điện lưới quốc gia, thay cho ánh đèn pin, đèn dầu và máy phát điện diesel leo lét.


Thị trấn Cô Tô đang đổi thay từng ngày…

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô Nguyễn Đức Thành hồ hởi cho biết, ngoài điện lưới quốc gia, Cô Tô đã không còn “khát” nước ngọt khi hồ Trường Xuân được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư 71 tỷ đồng. Thêm nữa, Cô Tô còn được chọn để đầu tư, xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành, Cô Tô sẽ trở thành một thương cảng giữa vịnh Bắc Bộ...

Hệ thống giao thông tuyến đảo cũng được đặc biệt quan tâm. Mặc dù là huyện đảo nằm xa đất liền, song thời gian qua huyện đã tích cực vận động các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trang sắm thêm tàu cao tốc. UBND huyện cũng vừa hạ thuỷ và đưa tàu công tác kết hợp chở khách trị giá hơn 30 tỷ đồng vào hoạt động, rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo chỉ còn 60 phút, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách.

Cô Tô đã gần lắm rồi…

III. “Hòn ngọc giữa biển khơi” đang trên đà phát triển. Hàng loạt các công trình khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ cho du lịch đang được gấp rút xây dựng. “Ngay trong quý I năm 2014, chúng tôi phấn đấu hoàn thành tất cả các quy hoạch chiến lược của huyện; tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư để từng bước thực hiện ước mơ xây dựng Cô Tô trở thành đô thị sinh thái biển của tỉnh Quảng Ninh”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Ở trung tâm huyện đảo tiền tiêu này, cảm nhận dễ nhất là thị trấn trên đảo nay rộng và thoáng đãng hơn trước, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, vững chắc. Đảo đã có xe ô tô, có đường rải nhựa ngang dọc. Những chuyến tàu chở hàng, tàu chở khách du lịch ra đảo ngày càng dày.

Đặc biệt, huyện đảo còn được biết đến với ba thứ nhất. Ấy là huyện đầu tiên có 100% hộ dân dùng đầu thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số; huyện đầu tiên phủ sóng internet wifi miễn phí; huyện đầu tiên có 100% trẻ em mẫu giáo, nhóm trẻ đến trường được hỗ trợ tiền ăn trưa...

Cô Tô sẽ còn thêm nhiều cái nhất…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.