| Hotline: 0983.970.780

Gắn nông dân vào chuỗi tích tụ đất đai ở các tỉnh phía Bắc

Thứ Hai 17/10/2016 , 14:30 (GMT+7)

Ở phía Bắc, không nên gạt nông dân ra khỏi quá trình tích tụ. Tích tụ phải có DN đủ tầm, có định hướng SX và thị trường rõ ràng để trả lời cho được câu hỏi: tích tụ để làm gì? Bà Trần Kim Liên, Tổng GĐ Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã có những tâm tư, quan điểm cởi mở, thẳng thắn về tích tụ đất đai ở các tỉnh phía Bắc...

Không chỉ đã triển khai thành công liên kết với nông dân ĐBSCL để SX gạo XK với diện tích lên tới trên 3.000ha, Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) đang xúc tiến nhiều kế hoạch tích tụ đất tại các tỉnh phía Bắc để SX lớn, nhất là mục tiêu SX nông nghiệp công nghệ cao. NSC đang nhắm đến chiến lược tới năm 2020, sẽ trở thành một tập đoàn nông nghiệp lớn.

Bà Trần Kim Liên, Tổng GĐ Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã có những tâm tư, quan điểm cởi mở, thẳng thắn về tích tụ đất đai ở các tỉnh phía Bắc từ những thực tiễn mà NSC đã và đang triển khai. Bà Liên cho rằng, tích tụ đất đai không hẳn là việc cá nhân, DN phải có tiền mua đất để có diện tích lớn thuộc về mình, mà phải gắn được nông dân vào các vùng SX hàng hóa lớn.

23-40-32_img_0643
Bà Trần Kim Liên cho rằng, tích tụ ở phía Bắc phải gắn với SX cây trồng giá trị cao
 

10ha thôi cũng quý!

Nếu như SX lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn có diện tích tập trung mỗi vùng hàng nghìn hecta khá dễ dàng thì ở phía Bắc, để tích tụ được 10ha thôi cũng đã là vấn đề. Tư duy SX hàng hóa ở phía Nam cũng khác xa với phía Bắc.

Khó khăn lớn nhất khi tích tụ ở phía Bắc là quy mô đất đai/hộ quá nhỏ, nhất là các tỉnh vùng ĐBSH. Do ruộng đất ít nên nông dân quý như máu thịt, tính tư hữu còn rất nặng nề. Tuy nhiên, nông dân phía Bắc lại có sự năng động trong SX, trình độ, kỹ năng SX cao.

Do diện tích nhỏ nên họ rất chăm chút cho mảnh đất của mình. Ít có nơi nào, đất đai được luân canh liên tục, thâm canh với trình độ cao và đẻ ra giá trị/diện tích cao như các tỉnh ĐBSH. Ví như ở Hưng Yên, một số vùng nông dân trồng cây ăn quả, khó nơi nào kỹ thuật tốt như thế, lợi nhuận 200 - 300 triệu đồng/ha, một số nơi ngoài 2 vụ lúa còn làm vụ đông, chỉ một vụ đông có khi thu nhập hàng trăm triệu đồng, trong khi người trồng lúa ở ĐBSCL chỉ có lời 30 triệu đồng/ha/vụ.

Do giá trị SX/diện tích cao, nên giá cho thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp ở ĐBSH cũng đắt đỏ. Nhiều nơi, nông dân chỉ chấp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá hàng trăm triệu đồng/sào. Thực tế ở phía Bắc, để tích tụ được vài chục hecta đất trong thời hạn 20 năm, DN đã phải đổ ra hàng chục tỉ đồng chỉ riêng mỗi tiền thuê đất.

23-40-32_img_0654
Bà Trần Kim Liên cho rằng, tích tụ ở phía Bắc phải gắn với SX cây trồng giá trị cao
 

Với giá thuê đất như vậy, DN muốn tích tụ được, trước hết sẽ phải trả lời được câu hỏi SX gì, và SX thế nào để có thể tạo ra giá trị cao hơn, ít nhất là so với nông dân SX trước đây? Đáp ứng được đòi hỏi ấy, quan điểm tích tụ ở phía Bắc phải ở quy mô nhỏ, 10ha thôi cũng đã quý, chứ không thể đòi hỏi hàng nghìn hecta như ĐBSCL. Tích tụ đất đai ở ĐBSH nếu chỉ để trồng lúa, trồng rau thông thường, khó có thể giúp DN có lãi.

Thực tiễn ở phía Bắc thời gian qua, nhiều cá nhân, DN đã đứng ra thuê đất với diện tích hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta, tuy nhiên sau một thời gian đi vào hoạt động, những mô hình này gặp rất nhiều khó khăn bế tắc.

Nguyên nhân chính vẫn là DN khi thực hiện tích tụ chưa xác định được chiến lược SX, kinh doanh rõ ràng, thiếu tiềm lực kinh tế, thiếu khoa học công nghệ, thiếu định hướng thị trường… nên chưa xác định được phải SX sản phẩm gì, SX thế nào và bán đi đâu để có thể thu được lợi nhuận.
 

Giải bài toán việc làm cho dân sau tích tụ

Với đặc thù đất chật người đông, giải quyết việc làm tại chỗ ra sao cho lao động nông thôn sau khi tích tụ ruộng đất ở phía Bắc đang là bài toán mà các DN tham gia tích tụ hiện nay chưa nơi nào làm được.

Đặc biệt, hầu hết lao động còn lại ở nông thôn hiện nay là người già, đa số là phụ nữ, sức khỏe, trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật rất khó khăn.


Bà Trần Kim Liên cho rằng, tích tụ ở phía Bắc phải gắn với SX cây trồng giá trị cao
 

Một số DN thời gian qua thực hiện tích tụ, nói là sẽ lấy lại lao động tại địa phương quay lại làm công nhân, nhưng thực ra có việc gì đâu để làm? Bởi sau khi tích tụ, DN cũng chỉ quay lại trồng rau muống, trồng bí xanh bí đỏ y chang trước đây. Vậy những nông dân đã cho DN thuê đất dài hạn, bây giờ họ sẽ làm gì?

Để giải quyết được bài toán này, DN tham gia tích tụ sẽ phải tính toán căn cơ, bài bản và linh hoạt cho việc sử dụng lao động. Chẳng hạn đối với các mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao, trước khi triển khai tích tụ, DN sẽ phải có bước lựa chọn lực lượng lao động còn có khả năng để đào tạo, đảm bảo cho họ có thể có việc làm và thu nhập ổn định ngay tại mảnh đất trước đây của mình.

Bên cạnh đó, cùng với các mô hình công nghệ cao, DN cũng phải lựa chọn được các mặt hàng phù hợp ở nhóm thị trường nhất định để tổ chức liên kết với nông dân, đưa nông dân vào các chuỗi SX lớn, gắn với tổ hợp tác, HTX, trong đó DN đóng vai trò nòng cốt trong tiêu thụ tìm kiếm thị trường.

Với hình thức công nghệ cao, đầu tư mỗi ha hàng chục tỉ đồng, rõ ràng nông dân không thể làm nổi, nhưng DN có thể chọn phân khúc sản phẩm bình dân hơn để XK sang các thị trường phù hợp mà vẫn đảm bảo có lãi, nông dân có việc làm và chỉ phải đầu tư 20 - 30 triệu đồng/ha, hoàn toàn liên kết được với DN để SX hàng hóa.

Dĩ nhiên, để giải quyết được triệt để vấn đề lao động nhằm tạo cú hích cho tích tụ, sẽ không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được, mà phải có quá trình.

Không thể chỉ để trồng rau muống!

Với giá thuê đất cao như vùng ĐBSH, phải làm được nông nghiệp công nghệ cao, giá trị SX từ 3 - 4 tỉ đồng/ha/năm, lợi nhuận 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm thì DN mới có thể dám đứng ra tích tụ và trụ được bền vững. Để làm được như vậy, DN tích tụ ngoài việc mạnh về tiềm lực kinh tế, phải có bước đi rõ ràng.

Hiện tại, NSC đang xúc tiến thuê đất, xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao hướng tới XK. Để chuẩn bị cho kế hoạch ấy, Cty đã phải tiến hành nghiên cứu thị trường khắp thế giới, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, xác định sẽ SX loại sản phẩm gì, bán ở đâu, phẩm cấp chủng loại nào, đào tạo lao động, tìm kiếm công nghệ ra sao… trong suốt 3 năm qua, thế những hiện tại vẫn phải có bước đi thận trọng. 

Tóm lại ở phía Bắc hiện nay, dù khó nhưng không phải không tích tụ được. Tuy nhiên, để tích tụ thành công và bền vững, vấn đề chính vẫn nằm ở bản thân các DN tham gia tích tụ phải có định hướng SX rõ ràng, nhất là định hướng thị trường.

23-40-32_ms-lien
Bà Trần Kim Liên
 

Quan điểm của tôi, tích tụ không có nghĩa là cá nhân, DN phải có tiền để mua đất, không nhất thiết cứ phải cộp dấu vào hợp đồng thuê hay chuyển nhượng đất với nông dân 20 hay 50 năm.

Trong bối cảnh chúng ta chưa thể sửa đổi Luật Đất đai, vẫn có thể tìm ra được phương án để tích tụ mà vẫn đảm bảo được yêu cầu để SX hàng hóa giá trị cao.

Thực tiễn cho thấy, dù luật pháp về đất đai chưa có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và sử dụng đất, chưa cho phép nới rộng quyền sở hữu đất, thì nhiều hình thức tích tụ có hiệu quả cũng đang diễn ra như thuê đất, liên kết SX, hợp tác hóa SX…

Vấn đề mấu chốt để tích tụ bền vững và hiệu quả vẫn nằm ở chỗ DN, bởi muốn tích tụ phải gắn với SX sản phẩm, với thị trường, mà bản chất của thị trường thì phải có DN.

Việc từng bước tách rời giữa quyền sử dụng đất để tiến lên sở hữu đất là quy luật tất yếu, tuy nhiên sẽ phải có quá trình.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu nóng vội chuyện tích tụ, không cẩn trọng có thể dẫn tới chuyện xung đột quyền lợi, thậm chí đẩy nông dân vào bần cùng hóa.

Quá trình tích tụ không nên theo ý chí chủ quan nào, mà chính quyền chỉ nên thúc đẩy và hỗ trợ bằng các quy luật kinh tế.

Nông dân nào vẫn đang có nhu cầu sử dụng đất, cứ để cho họ làm. Đất đai vẫn phải là tư liệu SX của nông dân.

Chỉ đến một lúc nào đó, khi lực lượng SX, đời sống nông dân được đảm bảo; khi trình độ SX của xã hội nâng lên, cơ giới hóa được đưa vào SX, năng suất lao động tăng cao; quá trình phân công và chuyển dịch lao động giữa các lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, giữa nông thôn và thành thị đủ chín muồi ở mức độ nhất định để có thể rút dần lực lượng lao động ở nông thôn, nông nghiệp, giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn, nông nghiệp sang bộ phận khác.

Lúc ấy, nhận thức của nông dân sẽ tự nhiên được tách bạch giữa quyền sử dụng để tiến lên sở hữu, và họ sẽ tự nguyện đứng ra ngoài nông nghiệp, để lại ruộng đất cho những ai có nhu cầu và làm ra giá trị, lợi nhuận cao hơn.

(Bà Trần Kim Liên)

 

(Ghi theo ý kiến bà Trần Kim Liên, TGĐ Cty CP GCT Trung ương)

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất