| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng gia đình nghèo

Thứ Sáu 07/08/2015 , 06:12 (GMT+7)

Để hồi phục sức khỏe cho ông Lưỡng, ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, uống thuốc thường xuyên, chăm sóc tốt sức khỏe thì điều quan trọng là phải lo khoản chi phí 60 triệu đồng để mổ lắp hộp sọ. 

Vào một ngày cuối tháng 7/2015, được sự hướng dẫn của ông Huỳnh Kim Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đếm thăm gia đình ông Nguyễn Văn Lưỡng (tên thường gọi Bảy Lưỡng), ngụ ở ấp Tân Ninh, xã Tân Phú. Căn nhà ông nằm trong một con hẻm sâu, ngoằn nghèo đầy bùn đất giữa những hàng rào bằng bê tông cao hơn đầu người, đối diện chợ Rạch Vách đang tấp nập người buôn kẻ bán.

Thấy có khách ghé thăm, bà chủ nhà Võ Thị Mươi vội lau những giọt nước mắt, tất tưởi đi xuống bếp pha trà mời khách.

Trên chiếc giường ọp ẹp, ông Bảy Lưỡng mở thao láo đôi mắt vô hồn nhìn khách và buông những câu nói ngô nghê như đứa trẻ lên ba. Nhìn cái đầu trọc lốc, thân hình gầy gò tiều tụy của ông không ai hình dung ra được khoảng nửa tháng trước, ông Lưỡng là một người đàn ông lực lưỡng, là trụ cột trong gia đình có 4 miệng ăn.

Ông Huỳnh Kim Trọng cho biết, trước đây gia đình ông Bảy Lưỡng thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ chí thú làm ăn, các con đã biết đỡ đần bố mẹ nên cuộc sống cũng tạm ổn định, địa phương đã xét thoát nghèo để hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn.

Chuyện đau lòng xảy ra khi một buổi tối giữa tháng 7, trên đường đi phụ hồ về, do mưa đường trơn trượt và trời tối, ông Lưỡng bị ngã chấn thương sọ não.

Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang điều trị, nhưng do thương tích quá nặng nên phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ chẩn đoán bị máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, phải mổ gấp mới cứu được tính mạng. Nhà vốn đã khó khăn lại bị tai nạn bất ngờ, bà Võ Thị Mươi vay mượn người thân được 60 triệu đồng để mổ cứu mạng chồng.

Tuy nhiên, do bệnh tình của ông Bảy quá nặng, bệnh viện buộc phải nuôi sọ não, tiến hành khâu kín chờ theo dõi đến thời điểm thích hợp mổ lần 2 để lắp hộp sọ.

Nhà nghèo, bà Mươi thường xuyên đau ốm phải uống thuốc nam cầm cự qua ngày, 2 người con trai của ông bà không có trình độ và nghề nghiệp phải lên TP.HCM làm thuê để có tiền chạy chữa cho cha, nên gia đình đã xin cho ông xuất viện về nhà chăm sóc. Căn nhà trống trước hụt sau, không có một tài sản nào có giá trị, nay thêm một người bệnh càng trở nên ngột ngạt, ảm đạm.

Bà Võ Thị Mươi cho biết: “Từ ngày ông nhà bị tai nạn đến giờ, đôi mắt ổng lúc nào cũng mở trừng trừng không ngủ, khổ nhất là những lúc bị cơn đau hoành hành la lối om sòm, rên la đau đớn nhìn rất đau lòng. Từ ngày bị tai nạn đến nay thằng út phải nghỉ làm về phụ tôi chăm sóc cho cha nó, cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó. Trước đây khi ồng còn khỏe đi làm phụ hồ, tôi cũng rảnh tay nhận thêm công việc đan lục bình, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 20 nghìn đồng, nay thì…”.

Bác sĩ cho biết, để hồi phục sức khỏe cho ông Lưỡng, ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị, uống thuốc thường xuyên, chăm sóc tốt sức khỏe thì điều quan trọng là phải lo khoản chi phí 60 triệu đồng để mổ lắp hộp sọ. Đây thực sự là số tiền quá lớn đối với gia đình ông Lưỡng, rất mong các nhà hảo tâm, quan tâm hỗ trợ giúp đỡ để gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Mọi sự giúp đỡ vui lòng liên hệ số điện thoại 07667181893. Hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm