| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng nhà chồng

Thứ Ba 10/09/2013 , 10:38 (GMT+7)

Cháu không trách anh nhưng cháu đang trách mình, bố mẹ cháu ngày trước đã cảnh cáo, người trong này không biết lo xa, không có tích lũy, rồi cháu sẽ thấy không chấp nhận được họ.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 28 tuổi, có một đứa con trai 4 tuổi. Cháu là cô gái miền Bắc vào Nam học đại học và ở đây cháu gặp chồng cháu bây giờ. Như vậy có phải là tình bắc duyên nam không cô?

Chồng cháu hơn cháu 2 tuổi, là con trai đầu của một gia đình có ba người con gốc gác nông dân. Như bao người đổ xô lên thành phố học hành và kiếm sống, chúng cháu biết đi làm thêm từ lúc mới yêu nhau, thử việc, xin việc, tự mình hết. Hiện nay vẫn ở nhà thuê, khi con còn nhỏ thì nhờ mẹ cháu vào trông giúp, giờ cháu đã đi mẫu giáo, không mấy khi nhờ tới nhà nội.

Nhà chồng không đặt nặng chuyện làm dâu và là dâu trưởng nhưng chồng cháu là người có hiếu. Hầu như tháng nào anh cũng phóng xe máy về thăm ba má. Hai đứa em của anh thì một đứa đã có việc làm ở thị trấn, em gái út thì mới nhận việc ở văn phòng ủy ban xã. Đất vườn nhà anh không rộng bằng những người trong xóm nhưng đất ruộng cũng được 2 ha cho mướn. Ba chồng cháu giải thích làm lúa trực tiếp không có lãi, cho mướn nhàn hơn mà cũng đủ gạo ăn. Thế những người đi mướn đất ruộng để làm thì làm sao cô?

Vườn ít, ruộng không phải canh tác, cháu thấy ba anh suốt ngày đi giỗ, đi cưới, đi nhậu còn má anh thì không biết nói sao nữa. Hồi anh đưa cháu về ra mắt, cháu rất thích cuộc sống ở quê anh, mọi người chân thật, tình cảm, lành mạnh. Nhưng mấy năm gần đây cháu thấy họ đổi khác quá. Một bên hàng xóm nhà anh phụ nữ đánh bài thâu đêm, má chồng cháu cũng có mặt ở đó, ban đầu nói ngồi xem nhưng cháu thấy bây giờ không còn như vậy. Một số lần cháu chứng kiến ba má cãi nhau, người này nói người kia thậm tệ. Những lúc như vậy chồng cháu rất buồn, rất giận và rất khổ tâm.

Gần đây cháu ít chịu về cùng anh. Cháu không còn thích về quê chồng nữa. Em trai chồng cháu sắp cưới vợ, tiền bạc ba má không có, phải cầu viện chồng cháu. Anh ấy giấu cháu lo cho gia đình nhưng không vì vậy mà anh vui tươi thoải mái như hồi chúng cháu mới yêu. Cháu cảm nhận không khí u ám trong chính cuộc sống của mình. Cháu không trách anh nhưng cháu đang trách mình, bố mẹ cháu ngày trước đã cảnh cáo, người trong này không biết lo xa, không có tích lũy, rồi cháu sẽ thấy không chấp nhận được họ.

Cháu làm thế nào để có hạnh phúc thực sự đây cô?

Giữ kín email giúp cháu cô nhé.

Cháu thân mến!

Có rất nhiều bài báo gần đây nói về hiện tượng lô đề bài bạc len về nông thôn phá nát văn hóa thanh bình hàng trăm năm của thôn quê. Một góc độ khác cũng cho thấy đời sống nhà nông bây giờ quá bấp bênh: Làm lúa không có lãi, nuôi cá cũng lỗ, trồng cây gì cũng bị sâu bệnh hoành hành. Không mấy ai thích đồng hành cùng nhà nông cả.

Chúng ta nhất trí rằng văn hóa ở nông thôn đã bị tấn công từ gốc. Có một sự khác biệt rất rõ giữa đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ. Là gì? Là ở trong này dù sao đất cũng rộng hơn và ở Bắc thì ngược lại. Điều đó nói lên sự khác nhau thâm căn điểm nào? Ở điểm người trong này ít lo xa hơn (vì dễ sống, đất đai mênh mông) và người miền ngoài thì cần cù, căn cơ, ăn chắc mặc bền (do hoàn cảnh đất đai và thời tiết khắc nghiệt). Bố mẹ cháu lo là lo sự khác biệt về tính cách, phần nào có khác biệt văn hóa.

Nhưng cô cũng thấy mấy năm gần đây nông thôn miền Bắc cũng bị tấn công dữ dội, người còn sức cũng bỏ đất đi ra thành hoặc đi chân trời góc biển, nông thôn cũng không ít nạn hút hít, trộm đạo, lô đề. Không nên so sánh từ bề nổi mà từ chuyện nhà bên anh bên em rồi dẫn tới chuyện quê anh quê anh, miền của anh và miền của em, rối bời ra. Chả lẽ nói quê em sao trộm chó và có cả hành hình người trộm chó như thời trung cổ? Chẳng lẽ nói con gái quê anh sao cứ thích lấy chồng Đài Loan lấy chồng Hàn Quốc? Nói như vậy có thể nói cả ngày, càng nói càng mếch lòng.

Căn bản là các cháu còn yêu nhau nhiều như xưa không? Cô thấy chỉ từ việc bà má chồng bắt đầu tham gia chiếu bạc mà cháu coi thường và có dấu hiệu xa lánh nhà chồng. Hãy xem đó là sự lạc hậu mà mình có trách nhiệm phải làm cho nó nhẹ đi, xử lý và gánh vác. Nên bàn với chồng để chồng làm cho ba má cậu ấy hiểu thuê ruộng là thu tô, trong lúc sức chưa tàn thì nên làm ruộng để cho cuộc sống trở lại với sự chân chính, lành mạnh. Phải chung tay mỗi người một chút làm cho tiêu cực bị đẩy lùi, an lành trở lại. Còn cô em chồng làm ở xã nữa, vai trò của nó đâu?

Trước mắt, hãy chung tay tổ chức đám cưới cho em trai của chồng, đời người chỉ có một lần, đừng làm nó tủi, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm