| Hotline: 0983.970.780

Gánh nước thốt nốt đổi bằng… thạc sĩ

Thứ Tư 05/05/2010 , 10:09 (GMT+7)

Ở một xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, đất cày lên cát trắng nhưng lại xuất hiện một nữ thạc sĩ trước sự thán phục của bao người. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Thanh.

Những gánh nước thốt nốt này của cha để đổi lấy tấm bằng thạc sĩ của Thanh hôm nay

Ở một xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, đất cày lên cát trắng nhưng lại xuất hiện một nữ thạc sĩ trước sự thán phục của bao người. Đó là Nguyễn Thị Kim Thanh (30 tuổi), con trưởng trong một gia đình nghèo nhất nhì ở ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang).

Gia đình nông dân nghèo... tiêu biểu

Năm 1980, Thanh - cô con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Dợt cất tiếng khóc chào đời trong cảnh gia đình nghèo xơ xác. Đôi bên đều nghèo nên vợ chồng ông Nhàn không có nổi cục đất chọi chim để làm của hồi môn. 31 năm trước, ông Nhàn dựng lều bán cháo lòng tại chợ Nhà Bàn. Thời gian này vợ chồng ông cất được căn nhà gọi là đủ che mưa che nắng.

Sau năm năm bán cháo, ông Nhàn mướn đất ruộng trồng lúa. Từ đó rủi ro không ngừng ập xuống gia đình, khi ruộng lúa càng làm càng thất bại. “Trong nhà để dành được chút ít tiền nên đi vào những nơi đất người ta mới khai hoang để mướn trồng lúa. Ai ngờ phèn còn nặng quá, lúa sạ xuống không bao lâu thì ngả vàng, chết gần như hết sạch. Lúc đó gia đình mướn được ba công đất, một mùa chỉ thu hoạch hơn chục giạ, lỗ đứt hơi”, ông Nhàn kể.

Cố bám lúa với hy vọng gỡ vốn nhưng càng làm thì lúng sâu vào thua lỗ. “Sau hơn chục năm mướn đất làm lúa, bao nhiêu vốn chắt chiu từ bán cháo lòng của vợ tôi đều tiêu hết, đến nổi phải kêu bán căn nhà nhưng chẳng ai mua. Người ta kêu đổi cái nhà bằng một con bò nghé, trị giá bốn triệu mốt. Do lâm nợ nên tôi bấm bụng đổi nhà lấy bò về nuôi. Tức mình nên vợ chồng tôi tiếp tục bàn nhau mướn đất… làm lúa tiếp. Thế là chỉ hai vụ sau đó thì con bò nghé cũng “bị nướng” mất luôn vì lỗ lã”, bà Dợt tâm sự.

Sau 13 năm lao động vất vả, kinh tế gia đình ông Nhàn trở về vạch xuất phát, với bốn bàn tay trắng. Gia đình dắt nhau về sâu trong sóc của xã Nhơn Hưng che lều, sống nhờ tạm trên đất người khác. Bà Dợt nhớ lại: “Lúc này con Thanh mới 12 tuổi, ba đứa em nó còn rất nhỏ. Hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng bi đát; không có cục đất, không vốn, không nghề. Căn chòi cất tạm bợ để có chỗ nương náu qua ngày, đi làm thuê mướn nuôi con. Rồi tôi trở lại với nghề bán cháo lòng. Cứ mỗi buổi sáng gánh cháo đi rảo qua mấy phum sóc để bán. Ngoài ra vợ chồng tôi nhận cắt lúa mướn, ai thuê gì làm nấy. Có những lúc cuộc sống như bế tắt nên chuyện học hành của các con gần như bỏ mặc”.

Những ngày nắng ở vùng biên giới như muốn cháy da người, vợ chồng ông Nhàn cặm cụi ngoài đồng làm thuê. Mỗi ngày các con ngày một khôn lớn thì sự khó khăn càng thêm chồng chất. Dù vắt gần như kiệt sức, vợ chồng ông Nhàn vẫn không sao có đủ tiền lo học phí cho con. Thế rồi ông Nhàn lại lao vào việc thuê cây thốt nốt trong xóm, trèo lấy nước về thắng đường bán kiếm đồng lời, trang trải. “Người ta trồng cây thốt nốt nhưng ngán trèo lấy nước, do ngại độ cao nguy hiểm và cực khổ vì nắng nóng. Thế nên họ cho tôi thuê mỗi cây 50 ngàn đồng/ mùa (tám tháng). Gia đình thuê được 30 chục gốc, mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để trèo lên cây thốt nốt lấy nước về cho vợ thắng đường đem ra chợ bán, kiếm chút lời. Cây thốt nốt thu hoạch vào mùa nắng nóng, nên trèo lấy nước vất vả lắm”, ông Nhàn kể.

Thạc sĩ suýt phải bỏ học

Nữ thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh

Gia đình túng bấn, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Kim Thanh cũng vất vả lao động sớm. “Mới 13 tuổi đầu mà Thanh nó một buổi đến trường, buổi còn lại theo gia đình đi cắt lúa mướn. Rồi nó tiếp mẹ gánh cháo lòng dọc theo các phum sóc để bán. Nhiều lúc nghĩ lại mà tôi rớt nước mắt. Con người ta đi học có tiền ăn sáng, còn con mình áo chưa đủ lành chứ nói chi đến có tiền mà lót dạ”, bà Dợt nhớ lại.

Theo thời gian, những thỏi đường thốt nốt làm ra không còn kham nổi chuyện học hành của các con. “Chỉ vài ngày nữa là thi tốt nghiệp lớp 12. Trường báo thông báo thu tiền học phí và tiền ôn tập. Gia đình đã hết cách, không còn tiền đâu để đóng. Tôi chạy đến ấp, xã để xin cuốn sổ hộ nghèo. Bởi có sổ thì trường miễn học phí, con Thanh mới được đi thi. Nhưng họ nói nhà tôi đi trèo thốt nốt, bán cháo lòng… nên chỉ được ngưỡng nghèo. Do vậy mà người ta không cấp sổ. Chúng tôi đành bấm bụng cho con Thanh và đứa em kế nó nghỉ học”, bà Dợt nói.

Gần đến ngày thi tốt nghiệp cấp ba mà không thấy cô học trò học giỏi Nguyễn Thị Kim Thanh đến ôn tập. “Lúc đó con Thanh theo tôi giữ máy bơm nước mướn cho người ta trên đồng, thì thầy Lâm Thanh Tùng (thủ quỹ Trường THPT Tịnh Biên) đến kêu Thanh đi ôn thi. Ông thầy hỏi chỉ còn mấy bữa nữa là đến ngày thi mà không thấy em đi ôn tập. Tôi bảo do thiếu tiền học phí nên cho nó nghỉ. Thầy Tùng liền kêu con nhỏ về thay đồ đi ôn thi cho kịp với bạn bè, chuyện tiền bạc để thầy lo giúp”, ông Nhàn rớt nước mắt kể.

Không phụ lòng cha mẹ và đặc biệt là sự giúp đỡ của thầy Tùng mà cô học trò nghèo đã thi đỗ tốt nghiệp PHTH và thẳng tiến vào đại học. “Em nhớ hoài lúc còn học ở cấp III, phải gánh cháo đi bán kiếm tiền phụ tiếp ba mẹ, thỉnh thoảng em nghĩ đời mình chắc không thể thoát được cái cảnh này. Thế rồi may mắn cũng mỉm cười với em, khi được thầy Tùng giúp đỡ vượt qua cuộc thi tốt nghiệp cấp III. Em học đại học tại trường đại học An Giang, cứ mỗi tuần đạp xe đạp về nhà xa khoảng 90 cây số lấy cá mà mẹ em kho sẵn, mang xuống trường ăn để học”, Thanh tâm sự.

Năm 2004, Thanh tốt nghiệp đại học và được phân công về giảng dạy ở Trường THPT Tịnh Biên (nơi Thanh học trước đó). Bằng khả năng vượt trội của mình, chỉ nửa năm sau Thanh được trường cử đi thi cao học. Đầu năm 2009 Thanh mang về tấm bằng thạc sĩ. “Nó là người đầu tiên và duy nhất ở xã này có bằng thạc sĩ đấy”, bà Dợt tự hào.

Nhìn căn nhà vẫn còn trống trước, thiếu sau, chúng tôi vô cùng cảm phục về tấm gương hiếu học của cô học trò nghèo ngày nào. Những thành công của Thanh hôm nay phải đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ cha và cái ân tình sâu nặng của thầy.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.