| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 28/06/2017 , 09:05 (GMT+7)

09:05 - 28/06/2017

'Gánh vàng đi đổ sông Ngô'

Người Việt Nam, ít ai không thuộc, không hiểu câu ca dao ấy. Câu đầy đủ là “Gánh vàng đi đổ sông Ngô/ Đêm đêm tơ tưởng đi mò sông Thương”. Còn nghĩa của nó?

Vàng là vàng của mình. Chắt chiu, bòn nhặt từng lai, từng chỉ. Nhưng đến khi được nhiều rồi, thì lại gánh đi đổ ở sông của nước khác (sông nước Ngô). Và thế là người dân nước khác (người nước Ngô) mò được, để làm giàu. Gánh vàng đi đổ sông Ngô rồi, nhưng đêm đêm vẫn mơ tưởng có thể mò lại được số vàng đó ở sông Thương (một con sông ở nước Việt). Và tất nhiên, là chỉ mò được những bùn cùng rác.

Ở ta, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp “gánh vàng đi đổ sông Ngô” như thế, và câu chuyện mới đây nhất, là một chuyện điển hình: Từ sự tố cáo của ông phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc, và đã phát hiện: Chỉ trong 2 năm, dự án đường sắt trên cao (ĐSTC) của Hà Nội (do nhà thầu nước ngoài thi công) đã đội giá tới 10.000 tỷ đồng.

Và, lại như rất nhiều dự án khác, dự án ĐSTC của Hà Nội cũng bị chậm tiến độ nhiều năm. Và thế là “bài ca đổ lỗi”, nào là lạm phát, nào là giá vật liệu tăng... lại được cất lên để đổ lỗi cho con số đội giá kinh khủng đó. Nhưng, dù cho lạm phát hay giá cả vật liệu có “phi mã” đến đâu, thì cũng chẳng thể nào mà chỉ trong 2 năm, đã đội giá tới 10.000 tỷ đồng được. Lời giải thích đó nghe thật khiên cưỡng, gượng gạo và thiếu thuyết phục, không ai có thể tin nổi.

Thực ra, việc đội giá này đã được quyết định ngay từ khi MRB được mang ra đấu thầu. Tại một gói thầu, nhà thầu đã đưa ra giá cao hơn dự toán. Chủ đầu tư cùng nhà thầu đàm phán nhiều lần, và cuối cùng đã phải chấp nhận giá do nhà thầu đưa ra, vượt dự toán tới vài chục triệu Euro. Tại một gói thầu khác, chủ đầu tư đã bỏ qua nhà thầu trong nước bỏ giá thấp để chọn nhà thầu ngoại bỏ giá cao hơn. Hành động này phải chăng còn những lý do khác, đang còn nằm trong bóng tối, mà chỉ cơ quan cảnh sát điều tra mới trả lời được?

Tiền để đầu tư làm dự án ĐSTC là vốn vay ODA, tức là món nợ phải trả trong tương lai bằng tiền thuế, bằng mồ hôi nước mắt của dân. Thế mà chẳng hiểu sao, những “gánh vàng” đó, người ta lại cứ điềm nhiên móc ruột mình ra, xếp sẵn, để cho nhà thầu nước ngoài kìn kìn quẩy về nước họ?

Một câu hỏi nữa được đặt ra, là: Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ, về việc đội giá đó? Dư luận rất mong Thanh tra Chính phủ “chỉ mặt đặt tên” họ ra, kể cả những người đã nghỉ hưu, để xử lý họ theo đúng quy định của pháp luật. Hàng chục ngàn tỷ đồng không phải là lá đa, không thể cứ “hạ cánh” là “an toàn” được.