| Hotline: 0983.970.780

Gạo thơm Việt "lấn" gạo thơm Thái

Thứ Ba 05/04/2011 , 09:56 (GMT+7)

Ở một số thị trường truyền thống của gạo thơm Thái Lan, gạo thơm Việt đang dần chiếm chỗ.

Trên bình diện chung của thị trường gạo thế giới, gạo thơm Thái Lan vẫn đứng ở vị trí số 1. Thế nhưng ở một số thị trường truyền thống của gạo thơm Thái Lan, gạo thơm Việt đang dần chiếm chỗ.

 Trước đây, thị trường Hồng Kông hầu như chỉ ăn gạo thơm của Thái Lan. Nhưng trong năm 2010, gạo thơm Việt Nam gần như đã chiếm hết chỗ của gạo Thái trên thị trường này. Theo ông Huỳnh Công Thành, GĐ Cty TNHH MTV Lương thực TP HCM, trong năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hồng Kông tới trên 10 ngàn tấn gạo thơm. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2010, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong và Trung Quốc đã bằng lượng gạo thơm của Thái Lan xuất khẩu sang Hong Kong trong cả năm trước đó.

Những tháng đầu năm nay, gạo thơm Việt Nam tiếp tục lấn chỗ gạo thơm Thái Lan trên thị trường Hong Kong và Trung Quốc (Trung Quốc cũng là thị trường truyền thống của gạo thơm Thái). Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang đưa ra lời cảnh báo rằng họ sẽ bị mất 2 thị trường gạo thơm này vào tay các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo nguồn tin từ các DN xuất khẩu gạo thơm Việt Nam, việc gạo thơm nước ta đang lấn được gạo Thái ở 2 thị trường nói trên, trước hết là nhờ giá cả. Năm ngoái, gạo thơm Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong có giá khoảng 800 USD/tấn, trong khi giá gạo thơm Thái Lan tới xấp xỉ 1.000 USD/tấn. Hiện nay, gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam có giá khoảng 600 USD/tấn, còn gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 810 USD/tấn và gạo thơm Pathumthani giá 690 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Thành, một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam hiện không thua kém là bao so với gạo thơm của Thái Lan. Và chính nhờ chất lượng tốt, cộng với giá rẻ hơn nhiều mà gạo thơm Việt Nam mới có thể thâm nhập được vào một thị trường khó tính như Hong Kong và đang đẩy lùi gạo thơm Thái Lan ra khỏi thị trường này.

Nhờ những yếu tố trên mà từ đầu năm đến nay, lượng gạo thơm xuất khẩu của nước ta đang tăng lên khá nhanh. Trong tháng 1, lượng gạo thơm xuất khẩu vào khoảng 6.500 tấn. Trong tháng 2, gạo thơm xuất khẩu đạt 26.296 tấn. Trong tháng 3, xuất khẩu gạo thơm đạt 27.116 tấn, chiếm 3,61% lượng gạo xuất khẩu.

Giá lúa thơm do thương lái thu mua tại ruộng cũng đang ở mức khá tốt. Ông Ba Đô, một thương lái ở Thoại Sơn (An Giang), cho biết, trong những ngày đầu tháng 4 này, ông đang mua lúa thơm Jasmine ngay tại ruộng của nông dân với giá 6.700-6.800 đ/kg, cao hơn tới gần 1.000 đ/kg so với các giống lúa chất lượng cao. Theo tính toán của Sở Tài chính 7 tỉnh có diện tích lúa thơm lớn ở ĐBSCL, trong vụ ĐX 2010-2011, giá thành sản xuất lúa thơm bình quân ở khu vực này từ 3.600-3.900 đ/kg. Như vậy, với giá mua như hiện nay, mỗi kg lúa thơm, nông dân có lãi từ 2.900-3.100 đ/kg. Theo Cục Trồng trọt, năng suất bình quân lúa Jasmine vụ Đông xuân này khoảng 6,6 tấn/ha. Như vậy, mỗi ha lúa Jasmine, nông dân thu lời xấp xỉ 20 triệu đ/ha.

Thị trường gạo thơm của Việt Nam tuy chưa nhiều, lượng xuất khẩu cũng chưa lớn, nhưng đang được tiếp tục mở rộng. Một thông tin đáng chú ý là Việt Nam đang có khả năng nối lại việc xuất khẩu gạo thơm sang Nhật Bản. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 2005-2008, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, chủ yếu là gạo thơm. Năm 2009, có tới trên 200 ngàn tấn gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang nước này.

Tuy nhiên, từ đầu 2009 đến nay, do Nhật Bản tăng cường kiểm soát gắt gao chất lượng, nhất là dư lượng thuốc BVTV, nên gạo Việt Nam đã bị cấm cửa vào Nhật Bản. Đầu năm nay, tín hiệu từ phía Nhật cho thấy nước này muốn nối lại việc nhập khẩu gạo Việt Nam, với khối lượng chừng 250 ngàn tấn. Hiện Hiệp hội Lương thực đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tìm những vùn sản xuất lúa thơm hàng hóa với số lượng lớn và đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của Nhật bản.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm