| Hotline: 0983.970.780

Gạo Việt Nam ngày càng lợi thế

Thứ Hai 14/07/2014 , 09:15 (GMT+7)

Sáu tháng đầu năm nay tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Dù vậy, sự lo lắng lệ thuộc thị trường Trung Quốc nhanh chóng tiêu tan khi nhiều quốc gia khác cũng đang cần nhập khẩu gạo từ Việt Nam với số lượng lớn...

Philippines đột ngột tăng mạnh nhập khẩu gạo

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008, Philippines quyết tâm xây dựng một kế hoạch chấn hưng nền nông nghiệp, với mục tiêu tự túc lương thực vào năm 2013. Sau nhiều năm cố gắng, lượng gạo nhập khẩu chính thức của Philippines giảm mạnh.

Tuy nhiên siêu bão Haiyan cuối năm 2013 đã làm sụp đổ chương trình lương thực bất khả thi của Philippines. Nó đã quét sạch nhiều kho tích trữ lương thực, bồi lấp nhiều cánh đồng trồng lúa màu mỡ ở miền Trung và Nam Philippines, làm sụp đổ hoàn toàn giấc mơ tự túc lương thực của đất nước này.

Sự thiếu hụt gạo do cố gắng kiềm chế nhập khẩu trong khi sản lượng không tăng tương ứng cùng sự tàn phá của siêu bão Haiyan đã làm cho giá gạo ở Philippines tăng phi mã trong những tháng đầu năm 2014.

Trong tháng 6/2014, giá gạo tại Philippines thường xuyên ở mức 40peso/kg (909USD/tấn), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp những giải thích của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA), những ngày gần đây, giá gạo tại Philippines vẫn rất cao.

Trước tình thế trên, cuối năm 2013 NFA buộc phải nhập khẩn cấp 500.000 tấn gạo từ Việt Nam. Khi những lô hàng cuối cùng của hợp đồng này đến Philippines vào tháng 3/2014, NFA lại đấu thầu nhập khẩu tiếp 800.000 tấn gạo.

Gạo không còn nhiều!

Với các hợp đồng xuất khẩu khủng hơn 1,4 triệu tấn gạo sang Philippines, cùng lúc với 200.000 tấn đi Malaysia vừa được ký kết và khả năng 500.000 - 800.000 tấn xuất sang Indonesia và Bangladesh theo các hợp đồng G2G. Cộng thêm vào đó là hơn 1 triệu tấn gạo đã chảy sang Trung Quốc cả tiểu ngạch và chính ngạch từ đầu năm đến nay đang làm cho gạo trong kho của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không còn nhiều.

Và mới đây nhất, trong khi hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn gạo của Việt Nam mới đi được nửa chặng đường, Chính phủ Philippines quyết định nhập khẩu tiếp 200.000 tấn gạo của Việt Nam. Tổng số gạo thực nhập của Philippines từ Việt Nam trong năm nay lên mức 1,4 triệu tấn.

Thái Lan dừng xuất khẩu gạo từ kho dự trữ

Cuối tháng 6/2014, trước những cáo buộc và nghi ngờ mất 2,9 triệu tấn gạo từ các kho dự trữ theo chương trình cầm cố lúa gạo của chính phủ cũ,

Chính quyền Quân sự Thái Lan (CNPO) đã ra lệnh tạm dừng xuất gạo ra khỏi các kho dự trữ để kiểm kê nhằm đánh giá chính xác số lượng và chất lượng gạo còn lại trong kho. Nguồn cung gạo từ Thái Lan đột ngột bị cắt đứt, các công ty XK gạo của Thái Lan buộc phải ngừng chào giá các hợp đồng mới.

Hậu quả, giá gạo của Thái Lan tăng vọt. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần qua đang lên mức 405 - 415USD/tấn, tăng khoảng 13,6% so với mức giá thấp nhất 375USD/tấn hồi đầu tháng 5/2014. Trước tình hình này, các nước ồ ạt chuyển sang mua gạo Việt Nam, nơi có nguồn cung cấp giá thấp và khả thi nhất lúc này.

Ngay cả Malaysia, nước đang có hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn từ Thái Lan cũng không dám mạo hiểm chờ đợi mà phải chuyển qua Việt Nam để mua ngay 200.000 tấn, giao hàng vào tháng 7-8/2014.

El Nino đe dọa giảm sản lượng gạo của khu vực

Tin tức về El Nino liên tục được đăng tải, kèm theo đó là các phân tích, nhận định, dự đoán những tác hại của nó đối với cây trồng đặc biệt là lúa gạo.

Theo thống kê, tính đến 1/7/2014 lượng gạo dự trữ của Ấn Độ đã giảm xuống còn khoảng 25,41 triệu tấn, giảm 19% so với mức 31,51 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái và chính phủ nước này vừa quyết định xuất ra 5 triệu tấn từ kho dự trữ để bình ổn giá cả trong nước.

Giá gạo trong nước cao đang làm cho gạo Ấn Độ trở nên kém cạnh tranh so với các đối thủ Thái Lan và Việt Nam. Gạo Ấn Độ loại 5% tấm hiện ở mức 430 - 440USD/tấn, đắt hơn khoảng 20-25USD/tấn so với Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó những dấu hiệu đầu tiên về El Nino đối với sản xuất nông nghiệp của nước này bắt đầu xuất hiện.

Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tính đến ngày 4/7/2014, vụ lúa chính của Ấn Độ (vụ Kharif) mới xuống giống được 4,5 triệu ha, giảm 35% so với 6,9 triệu ha cùng kỳ năm trước. Năm 2013, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 10,5 triệu tấn. Việc xuất khẩu quá mức đang làm cho kho gạo dự trữ của nước này được tích lũy từ đợt El Nino trước vào năm 2010 nhanh chóng giảm xuống.

Nay chính phủ lại phải xuất ra 5 triệu tấn để bình ổn thị trường nội địa làm cho kho gạo này càng giảm nhanh. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo của Ấn Độ chỉ đạt 4,34 triệu tấn, giảm khoảng 20,7% so với cùng kỳ 2013. Và đúng lúc tồn kho xuống mức thấp nhất từ vài năm nay thì El Nino lại ập đến, đe dọa đưa Ấn Độ ra khỏi thị trường xuất khẩu gạo như đã từng xảy ra vào năm 2010. Mới đây, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ có đủ gạo dự trữ, nhưng quan tâm hàng đầu của họ là ưu tiên đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo tuy chưa được Chính phủ chấp nhận, nhưng họ cũng không bác bỏ. Lần gần đây nhất, El Nino tác động đến sản xuất lúa gạo của Ấn Độ là năm 2009 với kết quả làm giảm mạnh sản lượng lương thực, buộc Ấn Độ phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non - basmati. Còn trong năm nay, theo Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa gạo Ấn Độ, El Nino có thể làm giảm sản lượng gạo xuống dưới 100 triệu tấn từ mức 106 triệu tấn của năm 2013.

Nhiều nước hối hả nhập khẩu gạo

Trước những đe dọa của El Nino và kết quả nghèo nàn của chương trình phấn đấu tự túc lương thực, Indonesia, đất nước gần 200 triệu dân không thể chủ quan. Mới đây họ đang lập kế hoạch để đàm phán nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Việt Nam. Bangladesh cũng trong một tình hình tương tự. Các nước châu Phi trước viễn cảnh nguồn cung đang dần thắt lại, trong khi El Nino đã đến, chắc chắn không thể mãi đứng ngoài thị trường để ép giá các nước xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc: Lượng giảm, giá tăng

Trong khoảng 3 tuần gần đây, gạo theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc giảm mạnh.

Lý do, nước này tăng cường kiểm tra tại vùng biên giới, do vấn đề an ninh nội bộ của Trung Quốc. Lượng gạo vận chuyển từ các tỉnh ĐBSCL ra Hải Phòng để đi sang Trung Quốc giảm rất mạnh.

Bằng chứng có thể thấy rõ ràng nhất, từ ngày 20/6 đến nay, giá vận chuyển bằng tàu biển đã giảm rất mạnh. Cước tàu biển từ cảng Mỹ Thới ra Hải Phòng hiện chỉ ở mức 320.000đ/tấn, giảm 20% so với mức 400.000đ/tấn hồi cuối tháng 3/2014.

Hiện, tàu nằm chờ xếp hàng tại cảng Mỹ Thới la liệt. Nếu như vào lúc cao điểm mỗi tàu trọng tải 3.000 tấn thường chỉ xếp trong 3 ngày, nay phải chờ đợi 10 ngày trở lên mới đủ lượng. Nguyên nhân chính là không có đủ hàng.

Lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch giảm mạnh còn thể hiện rất rõ qua việc giá cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng lên Lào Cai những ngày này cũng giảm rất mạnh, hiện chỉ còn khoảng 800.000 - 900.000đ/tấn so với lúc cao điểm là 1,1 triệu đ/tấn. 

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất