| Hotline: 0983.970.780

Gặp “anh hùng không số” giữa đời thường

Thứ Hai 04/02/2013 , 10:09 (GMT+7)

“Anh hùng không số” đó là ông Phạm Duy Thiệu sinh năm 1944, hiện đang ở số nhà 80A, tổ 4, cụm 1, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

“Anh hùng không số” đó là ông Phạm Duy Thiệu sinh năm 1944, hiện đang ở số nhà 80A, tổ 4, cụm 1, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Ông Thiệu kể rằng, sau khi cưới vợ được 3 ngày, ông mang tấm bạt che làm rạp cưới đến cơ quan là Cục Đường sông –Hà Nội để trả thì nhận được quyết định lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ngày ông lên đường nhập ngũ, người vợ khóc không còn nước mắt. Sau 3 tháng huấn luyện ở Phú Thọ, tối 26/7/1965, đơn vị của ông lúc đó có tên là tiểu đoàn 19/5 bắt đầu hành quân vào Nam.

Trận đánh rạng sáng ngày 6/11/1967 là trận nhớ đời nhất đối với ông. Địch bắn phá ác liệt hòng tiêu diệt đơn vị phòng không nên tiểu đoàn phải rút toàn bộ, chỉ để lại 1 trung đội. Ông Thiệu ở trung đội 3, là trung đội thép nên được lệnh ở lại cao điểm 69 Bàn Thùng, thuộc thôn Ba, xã Sơn Năm, huyện Quê Sơn, tỉnh Quảng Nam.

6h sáng, vừa lắp xong súng thì địch cho pháo bắn. Trong vòng 20 phút cả quả đồi không còn cành cây ngọn cỏ, tất cả biến thành đất đá đỏ. Rồi sau đó máy bay địch đổ quân. Ông Thiệu tính, phải để cho nó đổ quân rồi mới bắn máy bay vì nếu bắn trước thì địch sẽ chĩa pháo xuống là chết.

Sau khi bắn hết một loạt đạn vào đám lính bộ binh, ông mới quay sang bắn máy bay. Bắn đến lúc súng đỏ nòng phải thay nòng mới. Nhiều tốp máy bay bốc cháy. Rồi ông cũng bị thương và ngất lịm. Hình ảnh cuối cùng trong trí nhớ của ông lúc đó là bố mẹ và người vợ mới cưới. Ông được đồng đội ở trung đoàn 31 bộ binh cứu. Ở trong hang 3 ngày thì được đưa sang Bệnh viện CK17 bên kia sông Thu Bồn, lúc đó ông mới biết là mình còn sống.


Ông Phạm Duy Thiệu bên bức tượng đồng chân dung của mình

Sau 2 tháng, ông được đưa ra Viện 108. Điều trị 6 tháng thì ông Thiệu được ra viện nhưng sức khoẻ bị thương tổn tới 71%. Ông được đơn vị cho phép ra quân và cử đi học ở Trường Đại học Giao thông vận tải. Do sức khỏe quá yếu, ông Thiệu đã không thể theo học hết khóa nên đã xin về quê sống cùng bố mẹ và người vợ của mình.

Cuộc sống của người lính thương binh trong những năm tháng đó hết sức khó khăn. Cùng với vợ, ông Thiệu đã trải qua các nghề cắt tóc, chữa xe đạp, làm đậu phụ, đóng gạch… để có tiền đong gạo nuôi bố mẹ và các con. Cuộc sống với đồng lương ít ỏi trong điều kiện muôn vàn khó khăn ấy nhưng ý chí của người lính không bị quật ngã với đói nghèo.

Một hôm ông cùng các con chèo thuyền trên sông Hồng ra bãi bồi chỉ để dạo chơi. Thế nhưng trong phút chốc, ông cúi xuống xốc lên một nắm đất mà hét lên rằng: “Vàng đây các con ơi”. Đứa con gái lớn chạy đến bên bố và hỏi rằng: “Vàng là gì hả bố?”, ông nói: “Là cơm no đó con”.

Các con ông vẫn không hiểu, ông không giải thích gì thêm. Đêm đó, ông đã qua nhà mấy người bạn trong xóm vận động họ cùng ra bãi phát quang cỏ dại để trồng ngô, trồng khoai. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, 3 mẫu đất bãi đã phủ màu xanh của khoai lang và ngô.

Ông Thiệu bàn với vợ bán hết những vật dụng trong nhà để dành dụm tiền mua bò, mua lợn. Sau hai năm, vợ chồng ông Thiệu và những người bạn đã thoát đói nghèo. Nay thì gia đình đã trở nên giàu có.

Ông Thiệu bộc bạch chỉ vì nghèo đói nên phải nghĩ cách. Lúc đầu là trồng ngô, bẫy chuột, nuôi lợn rồi thả cá, nuôi bò, sau thì trồng cây thuốc... Với những thành tích đó, ngày 27/7/1992, ông được đi báo cáo toàn quốc về thương binh làm kinh tế giỏi. Năm 1996, ông lại được mời dự Hội nghị điển hình giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc. Năm 1993, sau khi ở bãi 5 năm, ông quyết định cho người khác đất để làm, còn mình về đi học, đến năm 1997 thì có bằng Đại học Luật.

Ý chí và nghị lực của người bố đã tiếp thêm niềm tin sức mạnh cho 5 người con nỗ lực học hành. Các con của ông đều thành đạt, trong đó có 4 người tốt nghiệp đại học.

Với thành tích bắn rơi 10 máy bay Mỹ, ông Phạm Duy Thiệu đã được tặng nhiều huân, huy chương nhưng có một điều sâu kín nhất trong lòng khiến ông buồn, đó là vì những nhận xét không đúng sự thật của địa phương mà ông đã lỡ mất danh hiệu anh hùng.

Năm 1995, căn cứ vào Chỉ thị 35/CT-TW của Ban Bí thư và Thông tư số 465/QP-TT của Bộ Quốc phòng về việc xét khen thưởng thành tích trong chống Mỹ, Quân khu 5 đã gửi 2 công văn đề nghị phong Anh hùng các LLVT cho 2 người là ông Phạm Duy Thiệu và ông Vũ Xuân Đài.

Mọi hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất, đã xác định 22/12/1995 là nhận được quyết định. Đến 20/12, ông Đài gọi điện báo nhận được quyết định phong anh hùng rồi, còn ông thì không. Từ đó tới nay, ông được người dân gọi vui là "Anh hùng không số".

Chiến tranh lùi xa và đói nghèo không còn bủa vây, ông Thiệu nghĩ rằng rồi đây mình sẽ an nhàn với cuộc sống bình yên nơi quê hương, đất nước. Vậy nhưng trước những tha hóa biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên cốt cán trong xã đang làm cho niềm tin trong dân suy giảm, ông đã đứng lên đấu tranh. Lá đơn được viết lên bằng những vần thơ mộc mạc đầy đủ các bằng chứng xác đáng đã đến được tay của người có trách nhiệm.

Sau 3 tháng đoàn kiểm tra cấp trên về làm việc thì 9 tháng sau có kết luận và kết quả Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an xã, Chủ nhiệm HTX đều bị khai trừ ra khỏi Đảng vì vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai.

Cứ tưởng rồi đây lớp cán bộ sau coi đó là bài học ai ngờ đến năm 1995, lại một nhóm cán bộ nữa bị khai trừ khỏi Đảng và phải ra hầu toà. Và mới đây nhất ngày 26/12/2012, vì những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai mà Chủ tịch UBND phường Tứ Liên đã bị cấp trên kỷ luật với hình thức cách chức.

Trước lúc chia tay, ông Thiệu tâm sự: “Vợ tôi vừa nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Bản thân tôi tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc, một lòng phụng sự nhân dân và luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Thương binh tàn nhưng không phế”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất