| Hotline: 0983.970.780

Gặp gỡ ở Missouri

Thứ Hai 15/10/2012 , 11:08 (GMT+7)

Chương trình Hội thảo Công nghệ sinh học Cochrain Fellowship của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2012 được xem như cuộc “Gặp gỡ mùa thu Missouri”,...

Chương trình Hội thảo Công nghệ sinh học (CNSH) Cochrain Fellowship của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2012 được xem như cuộc “Gặp gỡ mùa thu Missouri”, khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ thường niên giữa nhà khoa học (Đại học Missouri) và nhà khoa học VN trong lĩnh vực CNSH.

Chủ đề năm nay về quá trình chọn tạo, khảo nghiệm, quản lý an toàn sinh học, đăng ký bản quyền và thương mại cây trồng biến đổi gen (GM)… đã gợi mở nhiều điều cho các nhà khoa học.

Từ nhà khoa học…

Gặp chúng tôi ở Đại học Missouri, ông Giám đốc Chương trình quốc tế của Sở Nông nghiệp Bang Mark Hill hào hứng: "Tôi vừa mua áo sơ mi của VN, rất đẹp. Còn các bạn lại nhập bông của chúng tôi mà là bông chuyển gen đấy”- ông nói.


Đoàn cán bộ khoa học VN trên cánh đồng đậu tương chuyển gen tại trang trại Weber Brother ở vùng Missouri

Bang Missouri đứng thứ 6 về SX nông nghiệp của Mỹ. Tỷ lệ cây trồng giống chuyển gen 88% ngô, 98% bông, 93% đậu tương...

"Nông dân tiếp nhận giống chuyển gen thế nào, thưa ông?", chúng tôi hỏi. "Cơ chế thị trường, người dân tự chọn giống có lợi hơn. Thực ra chỉ 5% dân Mỹ quan tâm đến giống có chuyển gen hay không. Hơn 10 năm trước, dân từng đốt giống bông GM, nay thì 16,7 triệu nông dân ở 29 nước trồng cây GM. Mỗi năm giảm gần 500.000 tấn thuốc BVTV", ông giám đốc đáp.

Hỏi tiếp: "Nói thế nghĩa là người dân không còn cơ hội quay về giống truyền thống?". "Không đâu. Bất cứ lúc nào họ cũng có cơ hội quay về nếu có đơn đặt hàng. Bang Missouri đang trồng đậu tương truyền thống theo đơn hàng châu Âu, một số trang trại trồng giống hữu cơ. Dĩ nhiên lợi nhuận thấp nên họ không mặn mà", ông đáp.

"Nhưng vì sao chúng ta không bắt đầu GM từ các cây nguyên liệu như cây lấy gỗ, cây cảnh, cây nguyên liệu sinh học, cây làm thức ăn gia súc đến cây thực phẩm, điều đó sẽ làm bớt đi các cuộc tranh cãi kéo dài?", lại hỏi.

TS Kristin, GĐ Trung tâm Nghiên cứu vùng của Bộ Nông nghiệp Mỹ bổ sung: "Anh định nói về yếu tố xã hội phải không? Nhưng thị trường nó quyết định. Nếu chỉ xét đến công nghệ thì cây cải cay làm dễ nhất, sau đó đến ngô và đậu tương. Chúng tôi đã từng tạo giống thông GM nhưng không có khách hàng mua".

TS David Sleper tiếp lời: "Tôi đã ở đây 40 năm, tôi thấy cây GM có ý nghĩa thế nào. Missouri là vùng đất xói mòn. Trồng đậu tương GM không cần làm đất, không dùng đến thuốc trừ sâu, đất không bị rửa trôi, năng suất cao… Nhưng quyết định vẫn là xu hướng tiêu dùng. Có công ty đã chi gần 1 tỷ USD tạo ra khoai tây GM nhưng khách hàng lớn như Coca cola không mua. Hoặc tạo ra giống cà chua GM có gen giữ cà chua tươi rất lâu mà không dùng đến chất bảo quản nhưng mùi vị khác cà chua truyền thống, dân không mua.

Bình quân tạo ra một giống GM mất 135 triệu USD. Nói chung cây trồng GM phải không gây tác động xấu đến môi trường, bảo đảm an toàn sinh học; thành phần dinh dưỡng, mùi vị như cây truyền thống mới được thị trường chấp nhận".

Cuộc thảo luận của chúng tôi xoay quanh những cuộc tranh luận dai dẳng từ Đông sang Tây về cây trồng biến đổi gen; về sự độc quyền lũng đoạn của các tập đoàn cung ứng giống…

Ông Dr. Nick (ĐH Missouri) nói rằng, mới hơn 10 năm thế giới từ con số không, nay đã có hơn 140 triệu ha cây GM. Nó cho thấy cây GM đã có vị trí trong đời sống toàn cầu. Các nước nhập khẩu bông, ngô, đậu tương được hưởng giá thấp hơn. Nói về độ an toàn, ông cho biết, nước Mỹ có đến 5.000 nghiên cứu, châu Âu cũng có 300 nghiên cứu và kết luận sản phẩm GM an toàn như cây truyền thống.

Những phản ứng chống lại cây trồng GM đôi khi nằm ngoài khoa học - ông Di.Nick nói - Ứng xử với khoa học phải trên tinh thần khoa học. Các anh lo ngại về sự lũng đoạn của các tập đoàn giống là chưa thấy hết đặc điểm thị trường. Thị trường cạnh tranh và người tiêu dùng hưởng lợi.

"Nhưng các tập đoàn bắt tay nhau khống chế thị trường thì sao?", tôi hỏi.

"Họ cứ thử xem. Chỉ cần có dấu hiệu lũng đoạn giá là anh phải đối mặt với Bộ Tư pháp. Và có thể nhận án tù. Tôi không tin họ lại hy sinh thương hiệu và đạo đức khoa học vì điều đó".

Chúng tôi trở lại những lo ngại khiến cây trồng GM mất tính kháng và ảnh hưởng đến vi sinh vật đất khi trồng cây GM.

Theo TS Bruce Hibbard, những thí nghiệm cũng chỉ ra rằng quần thể vi sinh vật trên đất trồng cây GM như trên đất trồng cây truyền thống. Thậm chí đất trồng bông kháng thuốc trừ cỏ thì thấy nấm Fusarium và vi khuẩn có ích tăng lên. Nhưng người ta vẫn khuyến cáo để an toàn nên luân canh và thay đổi giống. Ở Mỹ cứ 3- 5 năm các công ty lại kiểm tra giống, nếu không ổn là thay. Ông gợi ý chúng tôi xem trang trại trồng ngô luân canh đậu tương ở trong vùng Missouri.

TS Bruce Hibbard nói rằng, người ta trộn 5-10% ngô không chuyển gen với ngô GM khi gieo trồng. Làm vậy để sâu đục gốc ngô vẫn có thức ăn nhưng không đủ khả năng gây thành dịch và không tạo áp lực sinh ra loài mới nguy hại hơn. Đừng đẩy sâu hại đến bước đường cùng, nó sẽ chọn lọc tự nhiên để có khả năng tàn phá cao hơn nhiều. Điều đó đã được các nhà khoa học tiên liệu trước.

* * *

Xe chúng tôi xuyên qua cánh đồng ngô đang thu hoạch. Một chiếc máy liên hợp phăm phăm "nuốt gọn" những hàng ngô, tách lấy hạt, và phun ra thân lá ngô chảy vàng trên đất. Chủ trang trại Weber Brother là người cởi mở. Ông nói hơn 50 năm mới lại có hạn hán gây tổn hại mùa màng như năm nay. Trang trại của ông rộng hơn 500 ha được trồng ngô GM của Cty Monsanto, năng suất bình quân gần 9 tấn/ha nhưng năm nay khô hạn nên giảm còn một nửa. Đậu tương cũng trồng giống GM, năng suất thường đạt 4 tấn/ha, năm nay còn gần 3 tấn.

Tôi chia sẻ với ông nhưng ông cười nói mất mùa thì Chính phủ bù vì hằng năm đều mua bảo hiểm. Vả lại theo ông sắp tới ngô và đậu tương sẽ còn lên giá nên không có gì phải lo lắng. Ông đang trồng thử nghiệm 2 giống ngô và 5 giống đậu tương. Trang trại rộng thế nhưng chỉ có 4 người làm, 2 bố con ông, một ông anh trai và thuê thêm một người. Tất cả đều cơ giới hóa.

Khen nông dân VN, chị Jeanne F.Bailey nói về mối quan hệ thân tình giữa ông Đại sứ Mỹ với lão Chộp người quê tôi: “Ông ấy còn tặng cả trứng gà cho ông đại sứ nữa chứ” (chi tiết trong bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa về lão Chộp và ông đại sứ Peterson trên NNVN).

Cao hứng lên, tôi nói trình độ nông dân VN không thua gì nông dân Mỹ, tiếc là đất chúng tôi chật quá, công nghệ còn non quá, đầu tư chưa đủ, nếu không cũng chưa biết chừng… Phà đã treo biển ngừng phục vụ vì nước sông cạn, tôi đành lỡ chuyến về Illinois.

Ông dẫn chúng tôi về xưởng xem máy gieo hạt đa năng có thể gieo 16 hàng ngô hoặc điều chỉnh gieo 31 hàng đậu tương, chiếc máy có giá 100.000 USD. Còn chiếc máy thu hoạch liên hợp có giá 500.000 USD.

Đắt tiền thế nhưng công dụng tuyệt vời. Nó thu hoạch cả cánh đồng ngô mênh mông thế chỉ trong 2 tuần lễ. Ngô đã chín trên đồng độ ẩm đạt 11%, thu hoạch xong không cần phơi sấy, chỉ việc đưa vào xilo bảo quản. Chỉ vào chiếc Trăc-tơ đang chạy ầm ào hút ngô từ thùng xe tải phun lên xilo cao chừng 15m sức chứa ngàn tấn, ông bảo tuổi đời của nó đúng bằng ông. 50 năm vẫn chạy đều.

Vốc nắm ngô khô nỏ trên tay, tôi bần thần nghĩ về nỗi nhọc nhằn của nông dân quê mình. Chúng tôi đi ra bờ sông Missisipi, con sông dài 4.000 km, có tiếng là hung hãn, từng nhấn chìm bao thành phố mùa hè năm ngoái, giờ lững lờ trôi.

Phía bờ kia là bang Illinois cũng nổi tiếng về nông nghiệp. Chợt nhớ trước ngày đi, chị Jeanne F.Bailey, Tham tán nông nghiệp ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội bảo: "Sang đấy có dịp, anh về quê tôi- Illinois xem ngô, hay lắm". Chị khoe, ngày nhỏ thường theo cha ra đồng thu hoạch ngô, những ngày ấy còn nguyên trong ký ức. Rồi chị khen nông nghiệp VN xuất siêu vào Mỹ... (Còn nữa)

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm