| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại bà nông dân viết đơn xin làm... Chủ tịch huyện

Thứ Ba 11/06/2013 , 09:30 (GMT+7)

Chồng đã mất, bà Tùng vừa giúp con dâu trông cháu, trông hàng vừa kiếm thêm bằng quầy bán dưa muối, cà muối. Nói đến chuyện chống tham nhũng, thấy bà vẫn hăng hái như xưa.

Chồng đã mất, bà Tùng vừa giúp con dâu trông cháu, trông hàng vừa kiếm thêm bằng quầy bán dưa muối, cà muối. Nói đến chuyện chống tham nhũng, thấy bà vẫn hăng hái như xưa.

Trưa 15/8/2001, một bạn đọc ở thị trấn Quốc Oai (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) điện cho tôi:

- Ông vào tôi ngay. Có chuyện hay lắm.

Bỏ dở bữa cơm, tôi phóng vào Quốc Oai. Ông bạn đón tôi ở một quán trà cạnh UBND huyện.

- Sáng nay, một bà nông dân mang đơn đến nộp cho bộ phận tiếp dân của huyện, xin làm... Chủ tịch huyện 2 tháng.

- Đơn đâu?

- Tất nhiên là huyện giữ. Nhưng trong “phiếu nhận đơn” của bà ấy còn ghi rõ nội dung đơn đây.

Tờ “phiếu nhận đơn” mang số 01BN/KNTC ghi rõ: "Tôi là Nguyễn Quý Đảo, Chánh thanh tra huyện Quốc Oai, phụ trách tổ tiếp công dân của UBND huyện ngày 15/8/2001. Tôi có nhận của bà Phùng Thị Tùng ở thôn Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai, một lá đơn viết tay. Nội dung đơn: Bà Tùng xin mượn ghế Chủ tịch huyện 2 tháng, để giải quyết hết khiếu nại, tố cáo của dân. Không cần trả lương cho bà. Sau 2 tháng giải quyết xong, bà lại trả lại ghế Chủ tịch huyện”.

Bên dưới là chữ ký của ông Chánh thanh tra, có đóng dấu đỏ lòe.


Bà Phùng Thị Tùng bên quầy hàng bán dưa muối, cà muối của mình

Tôi kéo ông bạn đến nhà bà Tùng. Bà trạc 50 tuổi, dáng vẻ lam lũ nhưng gương mặt rất cương nghị. Bà chuyên làm ruộng, ông chồng, ngoài làm ruộng còn kiếm thêm bằng nghề thợ xây. Trước câu hỏi vì sao lại viết lá đơn ấy của tôi, bà đáp đầy tự tin:

- Hằng ngày có hàng trăm người dân đội đơn đến huyện. Người nào cũng oan ức ngập đầu. Nào bị cướp ruộng, nào bị chiếm nhà, nào bị bắt giam oan..., đa số là đơn tố cáo cán bộ xã, cán bộ huyện tham ô, làm trái pháp luật, ức hiếp dân lành. Nhiều vụ tôi biết từ đầu đến cuối, sai phạm đã rõ rành rành, chỉ cần một buổi, thậm chí vài giờ là giải quyết xong. Thế mà cả chục năm nay, dân kêu khản cổ vẫn không ai giải quyết, thế nên tôi viết đơn.

- Quốc Oai đang là điểm nóng về khiếu kiện của Hà Tây. Mấy năm nay, cả chục tổ công tác của tỉnh, của Chính phủ đã được cử về đây để giải quyết, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Bà có tài gì mà dám khẳng định sau 2 tháng sẽ giải quyết xong?

- Tôi chả có tài gì cả. Nhà nước đã ban hành đủ các loại Luật. Điều Luật nào cũng sáng rõ như ánh mặt trời. Chỉ vì bụng dạ của những người có chức có quyền nó cong queo, nên mọi chuyện mới rối như canh hẹ. Khi dân chất vấn bà Bí thư Đảng uỷ thị trấn về việc lãnh đạo thị trấn làm thất thoát hàng trăm triệu công quỹ, bán trái pháp luật hàng vạn m2 đất, bà ấy trả lời tỉnh queo: "Tỉnh, huyện chết thì tôi mới chết”.

Thế tức là trên dưới loằng ngoằng, dây rợ với nhau. Tham nhũng hàng triệu, hàng tỷ nhưng xã không được ăn cả mà phải cống nạp lên trên. Cấp trên trị cấp dưới là trị chính mình. Thế nên khi dân tố cáo thì trên chỉ tìm cách bênh che, bảo vệ cho dưới, cũng chính là bảo vệ họ. Họ chỉ đối phó với dân chứ không giải quyết. Nay tôi không tham nhũng, chẳng dây rợ, bè cánh với ai, cứ pháp luật mà làm, lại được dân ủng hộ, tại sao tôi lại không làm được?

Về đến toà soạn đã 4 giờ chiều, tôi viết ngay bài báo “Có một bà nông dân viết đơn xin làm... Chủ tịch huyện”, ký bút danh Trần Ninh Thuỵ. Bài báo được đăng ngay hôm sau.

Mấy hôm sau nữa, hàng chục tờ báo khác cùng lao vào khai thác “sự kiện” này, khiến nó trở thành một “cơn địa chấn” trong dư luận. Báo NNVN nhận được rất nhiều phản hồi, tất cả đều hoan hô bà Tùng. Nhà văn Tạ Duy Anh tình nguyện... cắp cặp cho bà Tùng nếu bà làm Chủ tịch huyện. Không chỉ thế, các nghệ sỹ còn viết chuyện bà Tùng thành kịch, thành chèo.

Thoáng chốc đã 12 năm. Lần này qua thị trấn Quốc Oai ghé thăm bà, tôi mới hay bà không còn ở nhà cũ nữa mà đã mua đất gần chợ Phủ, đối diện cổng UBND thị trấn. Bà vẫn nhớ tôi. Nhìn ngôi nhà 5 tầng xây trên mảnh đất ở vào một vị thế khá đắc địa, tôi đùa:

- Nhà, đất đẹp quá. Chắc chị... kiếm chác được sau 2 tháng làm Chủ tịch huyện chứ gì?

- Con tôi nó mua đấy, chứ tôi làm gì có tiền.

Bùi Văn Tuyên, con trai bà Tùng, ít tuổi nhưng rất giỏi giang. Tuyên làm chủ một cơ sở sản xuất gạch, nung bằng lò tuynen, thường xuyên thuê 20 công nhân, trả lương mỗi người 1 tháng 4,5 triệu và ăn 3 bữa. Giữa thời buổi bất động sản đóng băng, ngành xây dựng đìu hiu mà gạch của Tuyên làm ra đến đâu vẫn bán hết đến đấy.

Tuyên quản lò gạch, vợ làm đại lý cung cấp các loại túi ni lông cho các cửa hàng bán lẻ. Chồng đã mất, bà Tùng vừa giúp con dâu trông cháu, trông hàng vừa kiếm thêm bằng quầy bán dưa muối cà muối. Nói đến chuyện chống tham nhũng, thấy bà vẫn hăng hái như xưa:

- Nếu bây giờ phát hiện ra những vụ tham nhũng hay làm trái pháp luật, chị có làm đơn tố cáo và có đi đòi hỏi cấp trên phải giải quyết, xử lý không?

- Tại sao lại không? Chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân cơ mà. Những năm qua, ở Quốc Oai có hàng chục vụ tham nhũng, làm trái pháp luật bị phanh phui, hàng chục cán bộ từ xã đến huyện bị xử lý vì những hành vi đó. Tất cả đều do dân phát hiện, chứ chẳng thấy Thanh tra hay Công an phát hiện ra vụ nào, người nào cả.

- Mỗi lần đưa được một vụ tham nhũng, làm trái pháp luật ra ánh sáng, chị có thấy vui không?

- Chẳng có gì vui cả. Thậm chí còn thấy đau lòng. Vì những người đó đều là do dân chúng tôi cầm lá phiếu bầu họ lên. Chúng tôi bầu họ vì tin họ, mong họ thay mặt mình gánh vác công việc xã hội, mong họ sống trong sạch và tiến bộ mãi.

"Mong Nhà nước chọn một ngày làm NGÀY CHỐNG THAM NHŨNG. Chúng ta đã có ngày thầy thuốc, ngày phụ nữ, ngày nhà báo, ngày thương binh liệt sỹ và rất nhiều ngày khác, thì sao lại không thể có NGÀY CHỐNG THAM NHŨNG, để vinh danh những người chống tham nhũng? Bởi tham nhũng cũng là giặc, như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói." - Bà Phùng Thị Tùng

Nhưng họ đã phụ bạc lá phiếu của dân, làm ngược lại những điều dân mong muốn, nên vạn bất đắc dĩ dân mới phải tố cáo, đưa những hành vi sai trái của họ ra trước công lý. Chứ chẳng ai thích suốt ngày suốt tháng phải đi chống tham nhũng cả. Bởi vì làm cái việc ấy, nó thiệt thòi nhiều lắm. Nào tốn kém thời gian, tốn kém công sức, tiền bạc, nhiều người còn sứt mẻ cả tình cảm gia đình...

- Đúng là những bà con tham gia chống tham nhũng đều bị thiệt thòi nhiều thật. Nhiều người còn bị vùi dập, trả thù, thậm chí bị hành hung. Nhưng cũng nhờ thế mà xã hội trong sạch đi rất nhiều.

- Những kẻ tham nhũng, làm trái pháp luật... ngoài tội làm hao tổn tài sản của xã hội, của Nhà nước, còn làm mất lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ. Mà đấy mới là tội lớn, dẫn đến nguy cơ mất chế độ. Tôi mong Quốc hội bổ sung cái tội ấy vào Bộ luật Hình sự.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất