| Hotline: 0983.970.780

Gặp lại người phát động "tiếng kẻng học bài"

Thứ Sáu 04/03/2011 , 09:45 (GMT+7)

Khởi nguồn của phong trào này được bắt đầu từ một thầy giáo già ở làng quê cổ xã Lam Cốt (Tân Yên).

Cho đến bây giờ, một số xã trong huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn duy trì phong trào "Tiếng loa học bài". Khởi nguồn của phong trào này được bắt đầu từ "Tiếng kẻng học bài" của một thầy giáo già ở làng quê cổ xã Lam Cốt (Tân Yên).

Thật tình cờ khi chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Kỳ ở làng Trung xã Lam Cốt để tìm hiểu về tiếng kẻng học bài năm xưa thì đúng lúc cán bộ Đoàn xã Lam Cốt, Tổng phụ trách đội Trường THCS xã Lam Cốt cũng có mặt để tìm hiểu về vấn đề này.

Ở tuổi 79 nhưng cụ Nguyễn Kỳ vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Sau khi nghỉ hưu năm 1982 cụ Kỳ về làng, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cụ được bầu làm Bí thư chi bộ làng Trung, giờ chia làm 3 thôn nhỏ. Làm Bí thư Chi bộ cụ Nguyễn Kỳ động viên các gia đình phát triển kinh tế, chịu khó họp hành, tiếp thu tiến bộ KHKT và đồng lòng xây dựng NTM. Thôn Trung là 1 trong 5 thôn đầu tiên của huyện Tân Yên được công nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp huyện năm 1993 và đến năm 1994 trở thành Làng văn hóa cấp tỉnh.

 Tuy đã đạt được những kết quả đáng mừng nhưng cụ Nguyễn Kỳ rất trăn trở với việc học của con em quê nhà. Điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình thiếu quan tâm động viên nên con cháu học hành chểnh mảng. Làng cổ nhưng nghèo, dân trí thấp và chưa có ai đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Cụ Nguyễn Kỳ bàn với Chi bộ phát động phong trào “Tiếng kẻng học bài”.

Cụ Kỳ nhớ lại: Khi đó đảng viên trong Chi bộ thì thống nhất cao. Họp dân triển khai có người bàn ra tính vào nhưng rồi đâu vào đó. Kẻng là vỏ quả bom nhỏ treo trên chùa Trung, giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.  Vậy là từ những năm đầu thập kỷ 90 (TK XX), tại làng Trung khi “hiệu lệnh” vang lên là nhà nhà đôn đốc con em vào góc học tập, các thành viên trong gia đình tự giác giữ im lặng để con em học tập và việc học tập tại nhà đi vào nề nếp.

Nhiều hộ xưa vốn tham công tiếc việc nay cứ nghe tiếng kẻng là giục con em vào làm bài, ôn bài vở. Cũng từ khi có "Tiếng kẻng học bài", người dân thôn Trung thay đổi dần nếp nghĩ và sự quan tâm đến học tập của con em ở các gia đình. Người dân đã tự giác mua sắm bàn ghế, thu dọn chỗ ở để dành một nơi học tập cho con em. Chính vì vậy mà chất lượng học tập của thôn Trung khá hơn rất nhiều so với trước. Từ đó đến nay trong làng đã có trên 50 em đỗ đại học, cao đẳng. Riêng với gia đình cụ Nguyễn Kỳ có 4 cháu đỗ đại học, 1 cao đẳng và 1 trung cấp.

"Năm nay xã có hẳn một chương trình dành cho Đoàn thanh niên về "Tiếng loa học bài". Đảng ủy, UBND xã đang đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh xã và khi hoàn thành từ trung tâm thông báo đồng loạt tới tất cả các thôn. Để việc thực hiện nghiêm túc và thực sự phát huy hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã cũng đã họp triển khai tới cán bộ thôn phối hợp cùng đoàn thanh niên đi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất kịp thời nhắc nhở các gia đình khi con cháu chưa học bài", ông Ngô Hồng Tiến, Chủ tịch UBND xã Lam Cốt cho biết.

Từ thôn Trung sau đó tiếng kẻng học bài lan ra các thôn làng khác và không chỉ có vậy, từ phong trào này đã giúp cho Lam Cốt thay đổi tư duy về sự học. Cũng từ đây an ninh thôn xóm tốt hơn, những cảnh tụ tập rượu chè, cờ bài giảm hẳn. Sau nhiều năm duy trì, phong trào tiếng kẻng học bài tại Lam Cốt đi xuống. Cái kẻng bằng vỏ bom cũng bị ai đó lấy đi. Tưởng như "Tiếng kẻng học bài" đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại trong ký ức nhưng từ năm 2010 ở 3 cụm dân cư: Kép Vàng, Kép Thượng và Vân Trung, người dân lại được thông báo: "Bây giờ là 7 giờ tối, đề nghị các bậc phụ huynh vặn nhỏ ti vi và nhắc nhở con em mình làm bài, ôn bài, chuẩn bị bài cho ngày mới".

Bí thư Đoàn xã Nguyễn Trọng Tiền cho biết: Phong trào "Tiếng kẻng học bài" có ý nghĩa thiết thực, do đó BCH Đoàn xã quyết định khôi phục và duy trì phong trào nhưng không gõ kẻng mà thay bằng "Tiếng loa học bài". Tận dụng loa của thôn, năm 2010 BCH Đoàn xã thực hiện ở 3 cụm mỗi cụm 3 - 4 thôn. Qua kiểm tra hiệu quả rất tốt và năm 2011 phát triển ra toàn xã gồm 23 thôn làng.

Từ "Tiếng kẻng học bài" đến "Tiếng loa học bài” đối riêng với thầy giáo già Nguyễn Kỳ là niềm động viên và ghi nhận. Được biết năm 1951, cụ Nguyễn Kỳ đã học sơ cấp sư phạm tại Khu học xá Trung ương khi đó đặt nhờ tại Quảng Tây (Trung Quốc). Cuối năm 1954, cụ về làm giáo viên cấp 1 tại huyện Yên Thế, sau là Tân Yên. Sau này cụ làm Hiệu phó trường cấp 3 Tân Yên số 2.

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Nguyễn Kỳ vẫn miệt mài với sách báo và là Chủ nhiệm CLB văn thơ người cao tuổi Lam Cốt từ năm 1993 đến nay. Sự học với cụ Nguyễn Kỳ là không bao giờ đủ và điều đó thật đáng trân trọng.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất