| Hotline: 0983.970.780

Ở cuối sông Hồng

Gặp “rái cá” sông Hồng

Thứ Tư 14/05/2014 , 10:06 (GMT+7)

Ở làng, ông Quý được mệnh danh là “rái cá”, bởi lẽ đôi chân tật nguyền khiến ông đi lại khó khăn trên cạn. Thế nhưng xuống nước ông lại mặc sức vẫy vùng.

Nhìn đôi chân què quặt không còn sức lực, nhiều lúc, ông ứa nước mắt nghĩ rằng đời mình thế là hết nhưng dòng sông Mẹ nuôi sống và chữa lành vết thương tinh thần của ông bằng những con cá, con tôm ăm ắp thuyền sau mỗi chuyến đi sông.

Viên đạn lạc

Ở làng, ông được mệnh danh là “rái cá” bởi nhìn ông nhọc nhằn di chuyển trên đất liền thì chẳng khác nào một con cá mắc cạn. Ấy thế nhưng, mỗi khi chèo thuyền tung chài bắt cá hay ngâm mình dưới nước, ông thoả sức vẫy vùng, phô ra khả năng tuyệt vời mà một ngư phủ sức vóc cũng phải ngả mũ thán phục.

Ông là Đặng Văn Quý, 49 tuổi, ngụ tại xóm 11, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định). Bố mẹ sinh ra ông với thân hình lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng cái ngày định mệnh đã làm thay đổi cuộc đời ông.

Đó là một buổi chiều đông tháng 11/1972, ruộng đồng đã thu xong lúa, nước ngập gốc rạ trắng như mặt hồ. Chim, cò kéo đàn kéo đống từ những tán rừng ngập mặn cửa sông Ba Lạt bủa vây bói cá. Quý ra thửa vườn rau của gia đình đuổi gà.

Đúng lúc đó, ông xã đội trưởng Doan đi qua, thấy có nhiều chim quý đậu bỗng nổi hứng thợ săn. Sau tiếng súng nổ inh tai, chẳng có con chim nào chết cả. Viên đạn đập vào vật cứng chuyển hướng, nhằm thẳng vào giữa cổ cậu bé Quý xuyên phá.

12-10-41_ong-quy-chi-ty-vo-vet-seo-do-dn-sung-xuyen-thung-co
Ông Quý chỉ tay vào vết sẹo viên đạn xuyên thủng cổ

"Lúc ấy, tôi không hề đau đớn, chỉ thấy ù tai, mắt tối sầm và đổ ngửa xuống đất ngất lịm. Thỉnh thoảng tỉnh lại vẫn không có cảm giác đau, chỉ thấy ruồi nhặng bu kín vết thương, máu chảy đầm đìa, không thể cất tiếng kêu cứu”, ông Quý nhớ lại.

Bản thân người bóp cò cũng không biết mình đã vô tình bắn trúng người nên bỏ về trụ sở HTX  làm việc. Quý nằm đó lúc tỉnh lúc mê gần 3 tiếng đồng hồ mới có người phát hiện. Bà Thục vừa cõng con gào khóc chạy đến nhà thầy lang Tạo trong xóm cầm máu rồi chuyển lên Bệnh viện tỉnh Nam Định.

Vừa nhìn thân thể tím bầm, bụng chướng như cái trống của Quý, cộng thêm vết đạn xuyên từ sát hõm cổ phía trước qua sống lưng thủng da, ai cũng nghĩ Quý đã bị chảy máu trong và sống sót là điều không thể. May thay nạn nhân chỉ bị chướng bụng do bí đái, không chảy máu trong nhưng đốt sống cổ số 3 chấn thương nặng.

Quý hôn mê trong 3 ngày mới tỉnh, nhưng hai chân không còn cử động được, cầm búa cao su, mũi kim băng hết nện lại đâm vào đùi, vào đầu gối vẫn không có cảm giác. Nhìn đôi mắt ứa lệ trong nỗi tuyệt vọng của đứa con, ông Định (bố của Quý) không cam lòng. Ông kiếm một tấm gỗ tròn như cái nong rồi đục rỗng lòng, lắp thêm 4 chân gắn bánh xe để con tập đi.

Từng ví mình như cục thịt

Qua mấy mùa hoa tàn, hoa nở, chân của Quý đã có cảm giác biết đau, nhưng chống nạng đi được vài bước là ngã bổ nhào như cây vải, xoan bị cưa đứt gốc. Càng lớn, hai bàn chân Quý càng bành ra hai bên; đầu gối co gập lại chẳng khác nào nhái nước. “Nhiều lúc, thấy mình như một cục thịt, vô dụng và bất lực, chỉ muốn đập đầu vào tường chết quách cho xong”, ông Quý chia sẻ.

Thỉnh thoảng, bà Thục vẫn cõng con ra bờ đê sông Hồng hóng gió. Nhìn đám trẻ nhỏ đứng trên bờ nhún chân lấy đà lộn vòng trên không trung rồi rơi tõm xuống nước bơi, Quý nhớ hồi chưa bị liệt chân, mình cũng đã từng vẫy vùng trong sóng nước sông Hồng, bạn bè chẳng ai theo kịp. Và một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu cậu: “Tại sao mình không thử bơi nhỉ? Chỉ cần đôi tay là có thể quẫy nước rồi”.

12-10-41_4-gio-sng-chi-ninh-dt-xe-dp-cho-chong-r-ben-thuyen-bt-du-mot-ngy-lm-viec
4 giờ sáng, bà Ninh dắt xe đạp chở chồng ra bến thuyền để bắt đầu một ngày làm việc

Một lần, chờ bố mẹ đi vắng, Quý tự mình bò ra khúc sông Cồn 4 (một nhánh của sông Hồng). Tới bến, cậu thả mình theo dòng nước. Lạ thay, đôi tay Quý vừa vẫy nhẹ đã nổi lềnh phềnh trên mặt nước như phao xốp.

Lúc muốn lặn, chỉ cần xoè ngửa hai bàn tay ra phía trước ngực, đẩy nước từ dưới lên trên là có thể lặn tới đáy. “Biết mình vẫn bơi được, tôi thấy mình như sống lại lần thứ hai”, lão ngư liệt chân chia sẻ.

Xây nhà lầu, tậu xe tay ga

Những năm 1977-1979, gần như cả xã đều đói ăn. Ông Định là công chức Nhà nước vẫn phải bán cái xe đạp đổi gạo cứu đói cho vợ con. Nhà có cái cồng cồng (thuyền con) không sử dụng đến, Quý táo tợn kéo thuyền ra sông để đánh lưới cá. Chẳng hiểu khôn may ra sao mà mẻ lưới nào cũng toàn cá, kéo lên đã mỏi tay nhưng gỡ cá còn mỏi hơn.

12-10-41_doi-ty-cu-ong-quy-phi-lm-thy-phn-viec-cu-chn-nen-no-ngy-cng-phinh-r-nhu-mi-cheo
Đôi tay của ông Quý phải làm thay mọi việc cho đôi chân

Tiền của ông Quý không thiếu. Năm 2011, ông xây ngôi nhà khang trang hơn nửa tỷ đồng, sắm xe tay ga cho con trai. Dựng cả cơ ngơi khang trang, nhưng ông bảo: “Chủ yếu để vợ con được hưởng sung sướng, chứ tấm thân tàn tật này chỉ thích ngồi cả ngày trên chiếc thuyền nan thong dong đánh cá".
Hơn 20 năm lênh đênh sông nước, mái thuyền đã xọp xẹp, già nua và nhiều khiếm khuyết như chính người chèo lái, nhưng trước sóng lớn, gió to chẳng bao giờ chìm.

Nhìn thấy chiếc thuyền đầy ăm ắp toàn chép, nheo, chày, ba ba giãy đành đạch…, ông Định sửng sốt tột độ, mặt nóng phừng phừng: “Gan bay giờ to bằng trời rồi phỏng? Ngã xuống nước chết đuối ai cứu. Chân chẳng đi nổi thì làm lụng nỗi gì”.

Quý nước mắt lưng tròng than thở: “Cứ để con ngồi một chỗ chai cả hai chân như thế này thì khác gì ông tượng. Con chưa phải là đứa vô dụng”. Ông Định đành để con làm theo sở nguyện.

Càng ngày Quý càng đánh được nhiều cá, và khúc sông Cồn 4 với chiếc cồng cồng bé tẹo dường như quá nhỏ để chàng trai “rái cá” vẫy vùng. Quý muốn ra sông Hồng để săn cá lớn. Cặm cụi tích cóp bao năm, Quý cũng tậu được cái thuyền nan đủ để chinh phục dòng sông Mẹ.

Mỗi ngày ra sông, Quý chở về hàng tạ cá. Nhờ cái tiếng “sát cá” ấy mà con gái mê Quý như bỏ bùa. Chị Đỗ Thị Ninh, một cô gái xã bên cũng tìm mọi cách vượt qua sự cấm cản của gia đình để lấy anh chàng liệt chân làm chồng.

 Họ đẻ sòn sòn 4 người con, thế mà chẳng đứa nào phải chịu một ngày đói ăn. Những bữa ăn giàu chất đạm khiến chúng lớn nhanh như thổi, cao to lều nghều khác hẳn với tấm thân lùn ngủn của bố.

Bao năm lênh đênh sông nước, ông Quý hiểu tập tính của các loài cá, tôm còn hơn tính nết bốn đứa con của mình. Giêng, hai vác lều bát quái đánh tôm, nhệch, cua. Từ tháng tư, khi lúa đã đỏ đòng quăng chài bắt cá. Chỉ cần thấy tăm bọt trên mặt nước, lão biết chắc chắn ở đó có cá gì.

12-10-41_phi-chong-nng-bu-ty-vo-thnh-cu-ong-quy-moi-dung-vung-duoc
Phải chống nạng và bấu vào thành cửa ông Quý mới đứng được

Năm 2000, ông tự mua dây cước đan một tấm lưới úp kỳ quái gồm 3 lớp. Lớp ngoài cùng mắt to như cái miệng cối giã gạo, lớp thứ hai to như cái bát loa và lớp thứ ba nhỏ như miệng chén hoa hồng. Nó rộng hàng ngàn mét vuông, nếu trải lên mặt đất kín 3 sào ruộng.

Có lần, ông trưởng xóm Phạm Hồng Thịnh đi qua thấy tấm lưới khổng lồ hỏi: “Mày đan cái lưới to thế để làm gì?”, ông Quý bảo: “Em đan lưới để ra đại dương đánh cá biển. Bác làm thủ tục cho em vay 1 tỷ đồng đóng thuyền lớn”. Thế mà ông trưởng xóm cũng tin sái cổ. Ở làng, bao nhiêu người lành lặn vẫn nghèo đói, còn 1 kg cua biển, ba ba, cá nhệch, chép… của lão ngư tàn tật đã đổi được vài yến thóc.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm