| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/03/2018 , 06:31 (GMT+7)

06:31 - 19/03/2018

Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, có hết hẳn được án oan?

Các điều tra viên chỉ được tiến hành hỏi cung bị can khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh...

Sau rất nhiều tranh luận và chần chừ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng vừa ban hành thông tư liên tịch số 03/2018, có hiệu lực từ ngày 18/3/2018, hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh, việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Theo đó, các điều tra viên chỉ được tiến hành hỏi cung bị can khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Thông tư này có thể được coi là một bước tiến dài, một điểm sáng trong quá trình thực hiện chủ trương cải cách tư pháp. Trước nay, việc hỏi cung bị can được thực hiện trong vòng bí mật. Phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can đối mặt nhau, người ngoài không được bén mảng. Vì vậy, Điều tra viên có thể dùng nhục hình với bị can bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm. Rất nhiều bị cáo, khi ra tòa, đã tố cáo mình bị Điều tra viên dùng nhục hình để bức cung. Trước những lời tố cáo đó, Hội đồng Xét xử luôn luôn đòi bị cáo phải đưa bằng chứng để chứng minh. Nhưng “chỉ có những con muỗi làm chứng thôi (lời một bị cáo trong vụ án “chống người thi hành công vụ” ở Thái Bình)” . Và kết quả cuối cùng là những lời tố cáo đó bị tòa bác vì “không có bằng chứng”. Rất nhiều vụ án oan gây chấn động xã hội như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ Trần Văn Thêm (Bắc Ninh)...Khi được phát hiện ra, đều có một điểm chung, là bị dùng nhục hình để bức cung hoặc lừa cung (ghi lời khai của bị can như thế này, nhưng khi đọc lại lời khai cho bị can nghe lại thế khác).

Nay, với những cuộc hỏi cung bị can được ghi âm, ghi hình có âm thanh, mọi chuyện sẽ trở nên hoàn toàn minh bạch. Trước những lời tố cáo bị dùng nhục hình để bức cung của bị cáo, Tòa án dễ dàng làm rõ sự thật bằng cách mở lại băng ghi âm hoặc ghi hình. Các bị cáo sẽ hết đường chối tội, và sẽ “tâm phục, khẩu phục”.

Nhưng, trước câu hỏi rằng thông tư trên có khiến án oan được chấm dứt một cách triệt để hay không? Thì không ít luật sư và chuyên gia luật vẫn lắc đầu. Bởi những điều tra viên không trong sáng vẫn có cách đối phó, vẫn “lách” được. Để triệt để chấm dứt án oan, thì ngoài thông tư trên, còn một việc nữa nhất định phải làm, là tách các cơ sở tạm giam ra khỏi ngành công an, giao cho một cơ quan khác quản lý. Như vậy, các Điều tra viên không thể vào trại tạm giam gặp bị can bất cứ lúc nào, mà chỉ được làm việc với bị can lúc hỏi cung, có biên bản trích xuất, có phiếu khám sức khỏe bị can lúc trích xuất khỏi trại và lúc nhập trại do cơ quan quản lý lập. Có vậy, mới ngăn cản được những Điều tra viên có cách làm việc không trong sáng “giở trò”.