| Hotline: 0983.970.780

Ghi nhận bình đẳng giới ở Nghệ An

Thứ Hai 27/10/2014 , 10:13 (GMT+7)

Khác với phương Tây, Việt Nam nằm trong số các nước châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề của tâm lý “trọng nam, khinh nữ”. 

Thời phong kiến, dù không biết chữ, nhưng ai cũng nhớ vanh vách câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có một con trai mới được coi là đã có con, cho dù có mười con gái vẫn là chưa có con).

NHỮNG HỆ LỤY

Tâm lý này gần như đã thấm vào máu thịt của đại bộ phận nhân dân, nhất là vùng nông thôn, làm cho cuộc vận động về dân số, kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn, mà nó còn là nguyên nhân đẩy người phụ nữ vào góc bếp và bị “cách ly” khỏi các công việc xã hội khiến bất bình đẳng giới ở nông thôn càng trở nên nghiêm trọng.

Sự bất bình đẳng giới trong gia đình là rõ nét nhất. Ai cũng biết lâu nay trong gia đình nông thôn, người phụ nữ đều là lao động chính, họ suốt ngày phải đầu tắt, mặt tối để gánh vác các công việc nặng nhọc.

Ngoài việc tham gia đồng áng, họ còn là người phải gánh vác các công việc nội trợ, chăm sóc, nuôi dạy con cái... Chính những công việc không tên ấy đã khiến họ bị đóng khung trong căn bếp không có điều kiện hoạt động xã hội...

Thêm vào đó là tâm lý coi thường phụ nữ khiến tiếng nói của họ ngay cả trong gia đình cũng bị chìm xuống và ít sức nặng khi quyết định mọi vấn đề. Từ đó nhiều thế hệ phụ nữ đã phải phụ thuộc vào chồng, con và cam chịu sự thiệt thòi cả vật chất lẫn tinh thần.

Cho đến nay, tâm lý đó vẫn còn ngự trị trong không ít gia đình ở nông thôn. Bởi thế đã là phận con gái thì chỉ cần học cho biết chữ rồi ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng cho đến khi được gả chồng.

Đó là lý do giải thích vì sao trình độ văn hóa của phụ nữ có gia đình ở nông thôn phổ biến là thấp, thậm chí không ít người còn mù chữ.

Sự thất học hay học vấn thấp của phụ nữ nông thôn đã trở thành một nguy cơ lớn cản trở sự phát triển của xã hội. Đến nay, phân nửa số lao động nông thôn do không đủ trình độ để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) vào SX. Do đó làm giảm đáng kể năng suất và thu nhập của toàn xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục, dạy dỗ, chăm sóc con cái ở từng gia đình, nhiều khi cũng phó mặc cho nhà trường. Chính cách nuôi dạy con theo bản năng người mẹ đã khiến công tác kế hoạch hóa gia đình và chiến lược nhằm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở nông thôn gặp không ít khó khăn.

Ở góc độ xã hội, sự bất bình đẳng giới đã làm cho đa số chị em phụ nữ nông thôn bị tước mất quyền tự chủ về chính trị và kinh tế khiến họ khó thay đổi được vai trò của mình cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Đó là lý do giải thích vì sao phụ nữ nông thôn thường có tâm lý tự ti, trong nhà thì lệ thuộc vào chồng, ra ngoài xã hội thiếu tự tin, không chủ động trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến giới mình.

Tự ti đã cản trở chị em trong việc phát huy sự sáng tạo của họ nên chất lượng cuộc sống càng khó được cải thiện.

Sự bất bình đẳng giới được chứng minh qua khảo sát của một số tổ chức xã hội thì hiện có gần 90% số chị em phụ nữ nông thôn đã không được trực tiếp tham dự các đợt tập huấn về các TBKT trong nông lâm ngư nghiệp, phòng chống thiên tai bão lụt, biến đổi khí hậu…

Điều này khiến họ mất cơ hội tiếp cận các TBKT mới khi sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, thú y, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chất lượng ATVSTP cũng như việc phòng chống thiên tai, bão lụt, bảo vệ tài sản, nhà cửa, mùa màng...

NỖ LỰC BÌNH ĐẲNG GIỚI

Nhận thức rõ những hạn chế và thách thức từ sự bất bình đẳng giới gây ra, từ năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương bình đẳng nam nữ.

Quyền bình đẳng giới được ghi rõ trong Hiến pháp và còn được thể hiện rõ và nhất quán trong các Bộ luật Dân sự, Hình sự, Lao động và Luật Hôn nhân và Gia đình và nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định của Đảng và Chính phủ.

Ở Nghệ An, trong những năm qua công tác bình đẳng giới và "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm; đặc biệt từ khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Trong đó, việc nâng cao kiến thức và nhận thức về giới cho chị em được xem là yếu tố quan trọng nhất để chị em chủ động trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Song, một yếu tố khác còn quan trọng hơn chính là phải làm sao để nam giới chủ động thực hiện chủ trương bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ngay trong gia đình mình, nhằm mở đường cho phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng của mình ở trong nhà và ngoài xã hội.

Công việc này không phải một sớm, một chiều là có thể làm được mà đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và của các tổ chức chính trị, xã hội, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và cả cộng đồng.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, riêng 3 năm (từ 2011 - 2013), việc thực hiện bình đẳng giới thể hiện rõ nhất chính là sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý xã hội. Tính đến tháng 6/2014, đội ngũ lãnh đạo nữ ở cấp tỉnh có 428 người, trong đó có 1 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 6 Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh...

Đội ngũ cán bộ huyện cũng có 161 nữ. Trong đó 3 Phó Bí thư Huyện ủy, 26 Ủy viên Ban Thường vụ và 122 ủy viên BCH Đảng bộ huyện và 10 Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện. Cấp xã có 12 nữ Chủ tịch UBND; 47 Phó Chủ tịch; 87 Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; 172 Uỷ viên Ban Thường vụ; 1.377 Uỷ viên BCH Đảng bộ xã...

Trong các hoạt động kinh tế, lao động, việc làm, công tác bình đẳng giới ở Nghệ An cũng được quan tâm đúng mức. Ba năm qua, trong số 104.500 lao động được giải quyết việc làm, lao động nữ có 47.559 người. Không ít chị em phụ nữ đã trở thành những doanh nhân giỏi, những người chủ của các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, SX, chăn nuôi, dệt may....

Cũng trong ba năm qua, đã có gần 69.000 lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề. Thông qua các cấp hội phụ nữ, hàng vạn chị em phụ nữ nghèo nông thôn và vùng dân tộc thiểu số đã được vay vốn ưu đãi từ các chương trình giải quyết việc làm, nhờ đó đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo ở địa bàn nông thôn và vùng dân tộc thiểu số...

Trong gia đình, nhờ công tác tuyên truyền, giáo dục nên đại bộ phận nam giới đã từng bước thay đổi nhận thức, tự giác sự chia sẻ công việc gia đình. Điều đáng mừng là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên phụ nữ ở nông thôn được bàn bạc, quyết định các công việc trong gia đình ngày càng cao; số chị em phụ nữ tham gia các công việc xã hội ngày càng nhiều...

Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng: "So với trước đây, việc thực hiện bình đẳng giới tại Nghệ An trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, nhất là ở vùng nông thôn thì từng địa phương phải quan tâm đến ba vấn đề sau đây:

Một là phải làm sao đưa được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan đơn vị quan tâm, có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, thì nơi đó các mục tiêu bình đẳng giới sẽ được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Hai là, phải đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" trên các kênh thông tin đại chúng; Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" các cấp để họ nhập cuộc một cách tích cực.

Ba là, tăng cường hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, chủ động lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực; đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chị em phụ nữ phụ nữ tích cực tham gia vào kế hoạch phát triển ngành, phát triển KT-XH của địa phương. Làm được như vậy thì công tác bình đẳng giới mới thực sự đi sâu vào cuộc sống.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.