| Hotline: 0983.970.780

Ghi nhận ở Thụy Hương

Thứ Hai 28/01/2013 , 10:20 (GMT+7)

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước.

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của cả nước. Trước khi được chọn, xã Thụy Hương chỉ đạt 1 tiêu chí trong số 19 tiêu chí. Sau 3 năm triển khai, Thụy Hương đã đạt 18 tiêu chí về NTM.

Theo ông Nguyễn Duy Miên, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Thụy Hương, thì để đạt được kết quả đó, điều đáng biểu dương nhất là sự nỗ lực của nhân dân. Vì đã có nhiều chủ trương đầu tư cho nông dân, nông thôn nhưng có lẽ đây là chương trình đến được với nhân dân bằng chính những đáp số cụ thể. Ở đó sản phẩm làm ra do chính người dân tạo nên bằng sự định hướng của Nhà nước. Hay nói cách khác là chủ thể làm NTM ở đây đã được xác định rất rõ.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì điểm nhấn ở Thụy Hương chính là sự chuyển biến trong nhận thức của người dân vùng nông thôn. Sự thay đổi đó thể hiện ở những nét đặc trưng là nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng. Đặc biệt là hình thành nên tác phong lao động mang dấu ấn công nghiệp. Bằng chứng là đã có sự thay đổi trong cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Chính vì thế, hiệu quả SX đối với người lao động ở Thụy Hương đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn nơi đây.

Ông Miên kể với chúng tôi về tinh thần đoàn kết trong nhân dân và cán bộ. Đó là điểm căn bản làm nên diện mạo của làng quê này. Nhân dân trong xã sau khi thấu suốt mọi chủ trương xây dựng NTM, mọi người đều đồng tình, ủng hộ ra sức đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương. Ông nói: “Nếu không có sự đóng góp của nhân dân thì khó mà có được những con đường bê tông nối từ ruộng vào đến làng như ngày hôm nay. Anh em chúng tôi nói với nhau rằng, đi trên con đường do nhân dân giám sát lúc thi công có khác, chất lượng hơn hẳn”.


Trồng hoa Lan Hồ Điệp trong nhà lưới, hướng đầu tư lớn của người dân 
xã Thụy Hương

Để có tiền đóng góp, người dân xác định là phải nâng cao được giá trị SX trên cánh đồng. Chính vì thế, các vùng chuyên thâm canh trồng lúa, trồng màu, trồng hoa xuất khẩu đã được địa phương quy hoạch một cách bài bản và được nhân dân hăng hái tham gia. Xã đã quy hoạch các vùng SX trọng điểm như: vùng trồng hoa 11 ha; trồng lúa chất lượng cao 200 ha; trồng rau an toàn 79,5 ha.

Nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa nên từ năm 2009 lại nay, SX lúa đã được nhân dân thực hiện phương pháp gieo lúa thẳng hàng bằng giàn kéo tay với diện tích thực hiện 180 ha. Chính vì thế thu nhập của người dân đã tăng gấp 1,3 đến 1,5 lần so với phương pháp SX đại trà, truyền thống.

Dự án trồng hoa 11 ha, với 31 hộ tham gia đã mang lại giá trị kinh tế cao đang là hướng đi đúng của Thụy Hương. Chính vì đi đúng hướng nên được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã góp thêm tiền để xây dựng khu nhà lưới, hệ thống điện, hạ tầng với kinh phí lên đến 10 tỉ đồng. Năm 2010 các hộ dân đã tổ chức SX được 4,5 ha hoa Lan Hồ Điệp, hoa Ly, hoa Cúc, hoa Loa Kèn cho thu nhập đạt 1,8 tỉ đồng. “Với thu nhập đó người dân đã có cuộc sống khấm khá hơn hẳn. Tôi nói là khấm khá vì so với trồng lúa, trồng hoa nó lãi gấp 5 lần", Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Miên vui vẻ khoe.

Nhưng để có được cái lãi đó, giọt sương trên cánh hoa lại chính là mồ hôi của người trồng hoa. Qua câu chuyện của những người trông hoa ở đây, chúng tôi biết được điều đó. Bởi khi chưa xây dựng được nhà lưới thì hoa Lan Hồ Điệp đều phải mang lên Sa Pa (Lào Cai) gửi từ tháng 6 đến tháng 8. Vì khoảng thời gian này, thời tiết ở Hà Nội rất nóng. Kinh phí cho vận chuyển đi lại, gửi và chăm sóc cũng mất 3 - 4 trăm triệu đồng. Từ kết quả trên, cho thấy, người dân Thụy Hương đã mạnh dạn trong việc đầu tư làm ăn lớn. Đúng như lời ông Miên nói, cái chuyển biến lớn nhất chính là tư duy trong SX của người dân đã thay đổi hơn hẳn.

Theo đề án, Thụy Hương xây dựng 4,58 km đường trục xã nhưng nay đã làm mới được 5,8 km. Hơn 10 km đường thôn, ngõ xóm và 10,4 km đường nội đồng đều đa được cứng hóa một cách kiên cố. Nhiều tuyến đường ngõ xóm, nhân dân còn đóng góp để hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước có nắp đậy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Cũng trong khoảng thời gian ngắn, xã Thụy Hương đã xây mới công trình trạm y tế và phòng học đa năng cho trường tiểu học và THCS một cách khang trang.

Ngoài trồng các loại hoa, hiện nay Thụy Hương đang thực hiện dự án trồng rau an toàn diện tích 79,5 ha. HTX chuyên SX rau có 90 hộ tham gia đã phối hợp với Cty TônKin tổ chức SX rau sạch với trên 20 chủng loại rau cho sản lượng trên 160 tấn. Ông Miên cho rằng: “Nhân dân làm được gạo ngon để ăn, nay trồng được rau sạch để dùng nữa thì còn gì bằng. Không chỉ đủ ăn mà sản phẩm làm ra còn cung ứng một lượng rất lớn cho thị trường nên thu nhập của hộ gia đình tăng lên đáng kể”.

Cái tăng lên đó có cơ sở khi mà thu nhập của người dân đã đạt 23 triệu đồng/năm. Xã không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,9% năm 2009 nay chỉ còn 3,7%. Có những hộ thu nhập tiền tỉ mỗi năm, đóng góp hàng chục triệu đồng cho thôn làm NTM mà không cần ghi tên. Đó là câu chuyện của nhiều gia đình làm nghề mộc ở thôn Phúc Cầu, một làng nghề truyền thống đã có trăm năm tuổi. Ông Nguyễn Văn Thắng, người của thôn, cho hay: “27 cơ sở làm nghề mộc đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 400 lao động là con em trong làng. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã có nhiều mặt hàng được xuất bán ra nước ngoài. Chính vì thế, thôn Phúc Cầu có số hộ giàu và khá giả nhiều nhất xã”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất