| Hotline: 0983.970.780

Ghi ở Tiên Lãng ngày 5 tháng 1

Thứ Ba 08/01/2013 , 10:08 (GMT+7)

7 giờ 30 đến "đầm Vươn", cứ tưởng giờ này chắc chưa có ai. Nào ngờ bà con đã đến khá đông rồi, dù trờ vừa mưa phùn vừa rét, đường xuống đầm trơn nhẫy.

7 giờ sáng ngày 5/1, dừng xe cạnh trụ sở UBND xã Vinh Quang, tôi gọi điện cho ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, rủ: “Xuống đầm Vươn”. Ông Luân bảo: “Bác cứ xuống trước đi, em thu xếp công việc một chút rồi ra ngay”.

7 giờ 30 đến nơi, cứ tưởng giờ này chắc chưa có ai. Nào ngờ bà con đã đến khá đông rồi, dù trờ vừa mưa phùn vừa rét, đường xuống đầm trơn nhẫy. Không chỉ bà con trong xã, trong huyện mà còn nhiều người ở địa phương khác, và cả một số sĩ quan, chiến sĩ ở đồn biên phòng 46, ở công an huyện Tiên Lãng. Nhắc đến anh em kĩ sư Đoàn Văn Vươn còn đang phải “đi xa” (bà con kiêng không dùng từ khác) ai cũng ngậm ngùi. Ông Lưu Văn Duyên ở nội thành Hải Phòng đưa cho tôi một tấm ảnh, và cứ day dứt mãi một câu hỏi:

- Sao lại thế này? Sao lại thế này hở ông?

Tôi cầm tấm ảnh lên. Đó là ảnh kĩ sư Đoàn Văn Vươn đang rắc thức ăn cho tôm. Ông Duyên bảo:

- Tôi là bạn của Vươn, và có mặt ở khu đầm này từ những ngày đầu Vươn quai đê lấn biển, đắp đầm nuôi thủy sản. Bức ảnh này tôi chụp từ năm 1999. Chụp cùng lúc đài phát thanh truyền hình về quay đầm tôm của Vươn. Và tối hôm ấy truyền hình Hải Phòng phát một phóng sự ca ngợi việc quai đê lấn biển, biến bãi biển hoang vu thành đầm nuôi thủy sản, làm giàu cho mình và cho quê hương của Đoàn Văn Vươn. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh và lời bình của cái phóng sự ấy. Đài truyền hình gọi công trình của Vươn là “Công trình chào mừng ngày thành lập Đảng”. Thế mà bây giờ...


Bà con nông dân ở khắp nơi đến chia sẻ với gia đình anh Vươn ngày 5/1/2013

Trong căn lều dựng trên nền của ngôi nhà bị phá, chủ nhân của đầm Vươn, hai chị em dâu Nguyễn Thị Thương (vợ kĩ sư Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ anh Đoàn Văn Quý) tíu tít chạy ra chạy vào đón khách. Họ vừa nhận được kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bản thân về tội “chống người thi hành công vụ”. Còn chồng của họ thì bị truy tố về tội “giết người”, nhưng cả hai đều rất vững vàng. Một năm đầy bão táp đã khiến họ cứng cáp lên rất nhiều. Chị Thương bảo:

- Chúng em sẽ đi đến cùng để đòi công lý, đòi sự công bằng cho mình và cho chồng mình.

Chưa bao giờ những kẻ bị kết tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” lại nhận được sự đồng cảm, sự chia sẻ của nhiều người đến thế. Chiều hôm trước đi qua nhà ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, chúng tôi thấy cửa đóng then cài im ỉm. Mấy người nhà cạnh đấy cho biết:

- Từ ngày ông ấy bị cách chức chủ tịch huyện, cửa thường đóng, chỉ thỉnh thoảng mới thấy mở, chẳng thấy ai đến. Còn từ hôm ông ấy bị công an khởi tố bị can về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đến nay, thì cửa đóng suốt ngày. Chả bù với ngày còn đương chức, người ra người vào cứ nườm nượp, nhiều ngày nửa đêm vẫn có khách tìm vào.

Việc ông Lê Văn Hiền bị cơ quan CSĐT công an TP Hải Phòng khởi tố bị can đang trở thành tâm điểm của dư luận. Riêng ở Tiên Lãng, dư luận càng “nóng” hơn. Hầu hết những người dân, khi được chúng tôi hỏi chuyện, đều cho rằng việc khởi tố đó là hoàn toàn đúng nhưng quá muộn, và chỉ khởi tố ông ta về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc hủy hoại tài sản của gia đình kĩ sư Đoàn Văn Vươn là đúng người nhưng lọt tội. Lẽ ra ông ta còn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bởi chính hành vi này của ông ta, trên cương vị Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, mới gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài những quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình kĩ sư Đoàn Văn Vươn “trái cả pháp luật lẫn đạo lý” (lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng) ra, hàng chục gia hộ nông dân có đầm nuôi trồng thủy sản khác trong huyện Tiên Lãng cũng bị mất hoặc đang đứng trước nguy cơ mất trắng mồ hôi, công sức của hàng chục năm trời, bởi những quyết định thu hồi đầm do ông ta ký. Giải thích về dư luận yêu ghét trái ngược nhau với các bị can xung quanh hai vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” và “Hủy hoại tài sản công dân” xảy ra cùng ngày tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng cách đây đúng một năm, một nông dân ở xã Vinh Quang bình luận:

- Làm quan, là phải có đạo lý của người làm quan. Như hai anh em ông Hiền đấy. Anh làm Chủ tịch UBND huyện, em làm Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (ông Lê Thanh Liêm, em ruột ông Hiền, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, bị khởi tố bị can về hành vi “hủy hoại tài sản công dân). Với một gia đình, còn vinh quang nào hơn? Nhưng chỉ vì không có đạo lý làm quan, mới nên nông nỗi. Âu cũng là hậu quả nhỡn tiền. Kể cả các ông ấy không bị khởi tố chăng nữa, thì qua vụ việc gia đình anh Vươn, cái tiếng xấu của các ông ấy cũng đã lưu lại đời đời, và cái mầm oán mà các ông ấy gieo trong lòng dân không bao giờ tan. Với mỗi người làm quan, các cụ đã đã có lời dạy rất chí lý rằng “Thương dân, dân lập đền thờ/Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”, thế mà sao chẳng mấy người chịu nhớ, chịu hiểu.


Ngôi nhà bị phá của kĩ sư Đoàn Văn Vươn sau 1 năm

Sao lại thế này? Sao lại thế này? Lang thang quanh đầm Vươn, trong tôi cứ day dứt mãi câu hỏi của ông Lưu Văn Duyên. Sát cạnh đầm Vươn là dự án quai đê lấn biển của Tổng đội TNXP Hải Phòng giờ điêu tàn, hoang vu, cỏ mọc ngập đầu, không một bóng người. Dấu tích duy nhất của cái dự án tiêu tốn ngót trăm tỉ ngân sách ấy là một ngôi nhà cấp 4 mà người dân gọi là “nhà vàng”, bởi màu ve vàng của nó. Nhìn con đê và những bờ bao quanh đầm mà kĩ sư Đoàn Văn Vươn cùng những người thân của mình đã đắp nên giữa bạt ngàn hoang vu, bằng số tiền gom góp của cả mấy thế hệ, cùng món nợ ngập đầu, tôi chợt ngộ ra lời đáp cho câu hỏi “Sao lại thế này?” của người nông dân kia: Khi người nông dân đã phải đổi cả bát mồ hôi lấy bát cơm ăn, rồi bỗng dưng bát cơm ấy bị giật mất để mang cho những kẻ không hề phải đổ một giọt mồ hôi nào thụ hưởng, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất