| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 27/11/2017

Ghi tên các thành viên trong sổ đỏ, 'vẽ rết thêm chân'!

Nhiều ngày qua, dư luận xã hội tỏ ra rất bức xúc. Bởi lẽ trong khi Bộ Công an chưa kịp thực thi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bỏ sổ hộ khẩu, thì Bộ TN-MT đã kịp sinh ra một loại “sổ hộ khẩu” mới.

Đó là thông tư số 33/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), quy định chi tiết Nghị định số 01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tư này có hiệu lực từ 5/12/2017, trong đó quy định trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ), phải ghi đầy đủ tên và mọi thông tin cá nhân của tất cả các thành viên trong gia đình.

Mọi thông tin cá nhân, nghĩa là tên, chỗ ở, số chứng minh nhân dân hay số căn cước công dân. Một cuốn sổ đỏ mà phải liệt kê tất cả các thành viên trong gia đình với những thông tin trên, thì đích thị là một loại sổ hộ khẩu rồi còn gì?

Cứ theo quy định trên, thì hai vợ chồng già ở quê ra thành phố ở với con, nhập hộ khẩu vào với con. Khi vợ chồng người con mua đất, thì cuốn sổ đỏ đó phải ghi tên của bố mẹ anh ta, vợ chồng anh ta và tất cả các con, dù các con còn nhỏ. Trong khi người làm ra tiền, bỏ tiền ra mua thửa đất đó chỉ là vợ chồng anh ta. Nghĩa là quý Bộ bắt buộc người có tài sản phải "san sẻ" một phần tài sản cho bố mẹ và các con anh ta, là những người không có đóng góp gì trong sự hình thành nên tài sản đó, nhưng nay lại đương nhiên có một phần quyền sử dụng tài sản đó. Đó thật sự là một sự bất bình đẳng, nếu không nói là bất công.

Rồi khi bố hoặc mẹ anh ta mất, mà anh ta muốn bán thửa đất đó, thì lại phát sinh ra chuyện phần đất của người đã mất còn liên quan đến quyền thừa kế, tức là tất cả những người con của ông cụ hay bà cụ đều có phần thừa kế như nhau, nếu người mất không để lại di chúc. Rồi các con lớn lên, đi làm ăn xa, nhiều người thậm chí còn ra cả nước ngoài sinh sống, lúc đó bố mẹ họ muốn bán thửa đất, thì lại phải gọi tất cả các con về, để họ ký giấy đồng ý bán. Trong số các con, chỉ cần một người không đồng ý, là giao dịch bất thành. Thế rồi khi bán được đất, lại phát sinh ra chuyện chia chác tiền nong. Bởi mỗi người có tên trong cuốn sổ đỏ đó đều có quyền hưởng phần của mình trong đó. Sẽ không ít gia đình trở nên mâu thuẫn do việc chia chác tiền nong.

Trong khi Chính phủ đang ra sức đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính, để giảm bớt công sức, thời gian và tiền bạc cho nhân dân, thì thông tư số 33/2017 của Bộ TN-MT lại có xu hướng đi ngược lại, là phức tạp hóa vấn đề.

Trước sự bức xúc của dư luận, dù nhiều người có trách nhiệm của Bộ TN-MT có lên tiếng thanh minh thế nào chăng nữa, thì vẫn không che lấp được việc “vẽ rết thêm chân” của thông tư này.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm