| Hotline: 0983.970.780

Giá điện có thể tăng gần 20%

Thứ Ba 15/02/2011 , 10:12 (GMT+7)

Tuy chưa được tiết lộ song mức tăng giá điện có thể từ 15-20% so với hiện hành.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đang xem xét để phê duyệt chính thức mức điều chỉnh giá điện, bắt đầu từ 1/3 tới đây. Tuy chưa được tiết lộ song mức tăng có thể từ 15-20% so với hiện hành.

Thực ra, việc tăng giá điện nằm trong lộ trình của Chính phủ từ nhiều năm nay. Ngay từ giữa năm 2010, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện đến 7-8 cent/kWh, tương đương với 1.500 đồng, thay vì mức 5,3 cent như trước đây, cộng với việc xóa bỏ giá điện bậc thang. Tuy nhiên, đề án này đã không được chấp thuận.

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Đặng Hoàng An, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc tăng giá điện năm 2011 là bất khả kháng, bởi lẽ hầu hết các nhà máy điện của Tập đoàn này đều đang bị thua lỗ. Tính đến hết 31/12/2010, lỗ lũy kế của EVN đã lên đến con số hơn 8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm nay, giá than, chi phí phát điện, tỷ giá… cũng đã và đang rục rịch tăng giá. Nếu không tăng giá điện thì ngành này khó có thể thu hút đầu tư xây dựng công trình điện, ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp điện các năm tiếp theo và làm chậm tiến độ của các dự án điện trong tổng sơ đồ 6 và 7 của Chính phủ.

Theo đó, EVN đề xuất mức tăng cao nhất là 40,8%, mức thấp nhất 18,3% và mức còn lại khoảng 24,69%. Về phía Bộ Công thương - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án chính thức để lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan này cũng đề xuất 3 phương án tính giá điện năm 2011, với mức tăng 30,3%; 26,3 % và thấp nhất là 18,03%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), việc tăng ở mức bao nhiêu, cách tính giá điện thế nào, vẫn đang được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bàn bạc một cách khẩn trương, để tìm ra phương án hợp lý nhất, vừa đảm bảo không tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô, làm tăng giá các mặt hàng khác, vừa hợp với lòng dân. “Như vậy, có nhiều khả năng, Chính phủ sẽ phê duyệt một mức tăng giá điện chỉ trong khoảng 15 – 20%. Đây là mức hợp lý nhất”, vị lãnh đạo này cho biết.

Các chuyên gia tính toán, với mức tăng từ 15-20%, các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50kWh/tháng trở xuống thì mỗi tháng, số tiền phải trả tăng thêm khoảng 5.000 đồng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100kWh/tháng sẽ trả thêm trên 21.000 đồng. Các hộ có thu nhập trung bình hoặc khá có mức tiêu thụ đến 200kWh/tháng sẽ trả tiền tăng thêm trên 55.000 đồng. Các hộ có thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ khoảng 100.000 – 140.000 đồng.

Trao đổi với PV chiều qua xung quanh việc tăng giá điện bao nhiêu là hợp lý, ông Đặng Hoàng An cho biết, nếu Chính phủ phê duyệt mức tăng từ 15-20% so với hiện hành, thì EVN vẫn sẽ tiếp tục lỗ. Tuy nhiên, ông An cũng khẳng định, EVN sẽ cố gắng tìm ra các giải pháp tốt nhất để đảm bảo hạn chế tối đa sản lượng điện thiếu hụt trong thời gian sắp tới bằng việc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện. “Nếu giá điện được phép tăng dưới 20%, thì cần có cơ chế nào đó để giảm bớt khó khăn cho ngành điện, ví dụ như không tăng giá bán than cho ngành điện, chưa thu phí môi trường  đối với các nhà máy thủy điện, chấp thuận hòa vốn đối với các dự án sản xuất điện đã và sắp đi vào hoạt động…”, ông An đề xuất.

Tuy nhiên, khác với ý kiến của EVN, chuyên gia kinh tế độc lập, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, giá điện nếu tăng đến 20% là quá cao so với mức thu nhập và khả năng chịu đựng của người dân. Ông Doanh tính toán, nếu giá điện tăng 20%, tổng số tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng gần 20.000 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,54 – 0,72%. “Từ khi triển khai việc tăng giá điện theo lộ trình, mức tăng chưa khi nào vượt quá 10%. Nếu giá điện năm nay được điều chỉnh đến 20% thì quả là áp lực cho nền kinh tế, ảnh hưởng không tốt đến thị trường giá cả và khi đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ sẽ rất khó thực hiện”, ông Doanh nói.

Các hồ cạn kiệt, cung điện thiếu hụt

Do khô hạn tiếp tục kéo dài, nhiều hệ thống sông mất mùa lũ khiến lượng nước về các hồ thủy điện sụt giảm mạnh. Mực nước nhiều hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh... thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2010. Cụ thể, hồ Hòa Bình chỉ tích lên được 100,89m/117 m (hụt 16,11 m), hồ Tuyên Quang chỉ đạt 108,72/120 (hụt 11,28 m), hồ Thác Bà chỉ đạt 50,79m/58 m (hụt 7,21 m), hồ A Vương chỉ đạt 363,42 m/380 m (hụt 16,58 m), Ialy đạt 493,04/515 (hụt 21,96 m), Trị An 54,02m/62 m (7,98 m).

Tổng lượng nước thiếu hụt so với mực nước đầy hồ khoảng 12,9 tỷ m3 (tương đương 3 tỷ kWh điện). Đây là lượng thiếu hụt kỷ lục do quá trình tích nước cuối năm các hồ thủy điện để chuẩn bị cho các tháng mùa khô 2011 gặp khó khăn, sau khi xả 2 đợt nước phục vụ vụ xuân  từ các hồ thủy điện phía Bắc. Đến ngày 20/2/2011, mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn hơn 85m, cách mực nước chết 6m; hồ Tuyên Quang chỉ còn 97,79m cách mực nước chết 7,9m và hồ Thác Bà còn 49,17m, cách mực nước chết 3,17m.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.