| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 21/12/2011 , 11:17 (GMT+7)

11:17 - 21/12/2011

Giá điện và khủng hoảng niềm tin

Thế là điều lo lắng nhất của người tiêu dùng đã trở lên hiện hữu khi từ hôm qua, giá điện đã chính thức tăng thêm 5%. Đây là lần thứ 2 trong năm nay, mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế này tăng giá.

Thực ra, giá điện tăng thêm chỉ có 5% chưa phải là quá lớn so với chi phí tăng thêm của hầu hết các gia đình, bởi lẽ mỗi “số” điện tăng có 62 đồng. Nhưng không chỉ có vậy, giá điện tăng sẽ kéo theo hầu hết các mặt hàng tăng theo, bởi theo các nhà sản xuất, làm ra sản phẩm gì chả cần dùng đến điện. Mà điện đã tăng giá, thì đương nhiên các sản phẩm khác cũng phải tăng.

Theo lý giải của “ông nhà đèn”, việc tăng giá điện lần này đã nhận được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, tức là Bộ Công thương. Việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan, bù đắp thua lỗ nhằm duy trì hoạt động của ngành điện. Bên cạnh đó, tăng giá điện sẽ tạo ra sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, nhằm đảm bảo nhu cầu lâu dài. Ngoài ra việc tăng giá điện cũng sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả hơn (?!).

Tuy nhiên, thời điểm lựa chọn tăng giá điện lần này lại đang làm nhiều người lo ngại. Nhiều người dân đã tin tưởng rằng từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ không có chuyện tăng giá xăng, giá điện như lời của một vị Bộ trưởng, thì nay đúng lúc năm hết Tết đến giá điện lại bất ngờ tăng.

Thực tế, sau nhiều sự kiện đánh động, việc tăng giá điện đã được nhiều người dự báo sẽ đến nhưng không ngờ nó lại đến sớm thế. Và nhất là tăng vào thời điểm tăng giá cuối năm. Mặc dù về kỹ thuật, tác động tăng giá sẽ được tính vào năm 2012 nhưng hậu quả cuối cùng là DN và người dân vẫn phải gánh chịu, chi phí sẽ đắt đỏ hơn, đời sống người dân và kinh tế sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá điện tăng 5% sẽ chỉ tác động làm CPI tăng trực tiếp về mặt lý thuyết ở mức thấp, song nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì tỷ lệ tăng chung lên CPI cao hơn. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 18% mà Chính phủ hứa trước Quốc hội khó mà thực hiện được.

Ngoài ra, đây là dịp gần Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều sản phẩm luôn tiềm ẩn khả năng tăng giá lớn, nay giá điện tăng sẽ là cơ hội để những người kinh doanh trục lợi đẩy giá lên kiếm lời và gây tác động tiêu cực tới thị trường.

Đồng thời với việc “sốc” trước thông tin tăng giá điện, dư luận còn “sốc” hơn khi Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả kiểm toán của “ông nhà đèn”. Theo đó, thu nhập bình quân của quan chức trong ngành này là hơn 30 triệu đồng/tháng. Còn tẹp nhẹp như cán bộ văn phòng, viên chức bình thường cũng cỡ gần… 14 triệu/tháng.

Nhưng, bất công hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của “anh cả đỏ” này thì luôn lỗ chỏng vó. Chỉ tính riêng năm nay, số lỗ của EVN đã lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là một trong những lý do khiến EVN tìm mọi cách tăng giá điện, bất chấp nỗ lực kiềm chế giá của Chính phủ và người dân.

Tăng giá trong điều kiện như thế đã làm cho niềm tin của người tiêu dùng ngày càng bị xói mòn!