| Hotline: 0983.970.780

Giá điều rớt thảm

Thứ Tư 15/02/2012 , 09:49 (GMT+7)

Ngay khi bước vào đầu vụ điều mới 2012, nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã bị dội gáo nước lạnh khi giá bán điều xô giảm 30-40% so với đầu niên vụ trước.

* Cần 29.500 tỉ đồng cho vụ mới

Giá điều giảm mạnh, thua thiệt nhất vẫn là nông dân!

Ngay khi bước vào đầu vụ điều mới 2012, nông dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã bị dội gáo nước lạnh khi giá bán điều xô giảm 30-40% so với đầu niên vụ trước. Ngành nông nghiệp nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách để đảm bảo sự sống còn của loại cây này.

RƠI CÙNG GIÁ ĐIỀU

Chưa bao giờ người trồng điều lại thất vọng như đầu vụ 2012 khi giá bán chỉ còn 18-21 triệu đồng/tấn, trong khi đầu vụ 2011 giá lên tới 35-36 triệu đồng/tấn. Giá rớt mạnh nhất là tại khu vực trồng điều thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Tại hộ của anh Đặng Đình Chính (ấp Đức Mỹ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) trồng 1 ha điều, vụ trước thu được trên 1 tấn hạt bán với giá 35 triệu đồng/tấn, nhưng vụ này không những năng suất giảm còn dưới 1 tấn mà giá bán cũng lao dốc vì thương lái tại xã rêu rao chỉ mua 18-19 triệu đồng/tấn. Khi được hỏi lời lỗ thế nào, vợ anh Chính buồn rầu nói: “Mấy tuần nữa tôi mới thu hoạch, đợi giá tăng lên chút đỉnh mới bán. Cả năm làm lụng quần quật hy vọng giá tốt như năm 2011 để kiếm chút tiền lời và tái đầu tư, không ngờ nó lại mất giá thế này”.

Còn tại “vương quốc” điều Bình Phước, giá bán điều đầu vụ có cao hơn nhưng so với cùng kỳ năm trước cũng giảm trên 30%. Ông Nguyễn Văn Thỏa – Chủ tịch Hiệp hội điều Bình Phước cho biết, năm 2011 giá bán điều đầu vụ có thời điểm lên tới gần 40 triệu đồng/tấn, trung bình cũng trên dưới 30 triệu đồng/tấn, thì nay thương lái chỉ thu mua với giá 20-21 triệu đồng/tấn. Mức giá này đã kéo dài mấy tháng qua khiến nông dân không mặn mà đầu tư chăm sóc.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến bất thường, mưa và sương muối xuất hiện không thích hợp cho ra hoa, kết trái, cộng với sâu bệnh hoành hành càng khiến năng suất và sản lượng điều sụt giảm. Tại các huyện như Bù Đăng, Bù Gia Mập có hàng trăm ha điều bị nhiễm bệnh khô ngọn, khô cành và sâu róm đỏ. Bệnh nặng nhất ở các xã Phú Nghĩa với hơn 250 ha, xã Đắk Ơ 150 ha, xã Bù Gia Mập 100 ha. Đặc biệt, bệnh khô ngọn, khô cành dù mới xuất hiện nhưng phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng và độ lây lan rất nhanh.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Tới – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, do giá thu mua điều thô từ trước tết đã xuống thấp khiến người trồng điều không đầu tư thâm canh, vì thế năng suất cao nhất từ 1,1 tấn/ha giảm xuống còn gần 1 tấn/ha. Hiện tổng diện tích điều của tỉnh khoảng 157.000 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn, giảm khoảng 15% so với niên vụ 2011.

 Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cây điều hiện chỉ còn 372.000 ha, so với một năm trước đây đã có trên 20.000 ha điều bị người dân chặt bỏ để tiếp tục chuyển sang cây trồng khác như cao su, khoai mì… Đặc biệt, có tới 50.000 ha điều hiện có biểu hiện già cỗi, ảnh hưởng lớn đến năng suất khi chỉ đạt 8,5 tạ/ha, trung bình giảm 0,1 tạ/ha.

NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA

Cùng với nông dân, hoạt động kinh doanh XK của các DN ngành điều cũng buồn không kém khi giá giao dịch trên thị trường giảm sâu, cộng với nguồn tài chính eo hẹp do ngân hàng ra sức siết chặt tín dụng ngay từ đầu vụ mới. Điều đáng nói, một số DN đã trót “ôm” một lượng hàng điều thô giá cao tới 35 – 40 triệu đồng/tấn (tương đương giá thành nhân điều sau thành phẩm gần 8.000 USD/tấn) từ niên vụ 2011, vì thế khi giá XK liên tục rớt mạnh đã khiến một số DN rơi cảnh thua lỗ.

Trao đổi với PV, ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Vinacas cho biết, giá nhân điều XK (FOB) loại tiêu chuẩn W320 hiện chỉ còn 7.800 USD/tấn, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 1.000 USD/tấn và so với thời đỉnh cao (quý III/2011) giảm tới… 2.100 USD/tấn!

Theo tính toán, niên vụ mới 2012, toàn ngành điều cần tới 29.500 tỉ đồng để thu mua khoảng 350.000 tấn điều thô trong nước và NK khoảng 450.000 tấn điều thô chủ yếu từ Châu Phi. Kế hoạch này đang gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh giá điều XK sụt giảm, các ngân hàng cũng “lo sốt vó” về chuyện thanh khoản và vay mới của DN ngành điều nên đã đưa ra điều kiện vay hết sức khó khăn, thậm chí siết chặt hoặc đóng băng nguồn tín dụng.

Trước tình hình này, Vinacas đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách tạo thuận lợi hơn cho ngành điều vay vốn, đặc biệt là nâng thời hạn các khoản vay từ 6 tháng như hiện nay lên 12 tháng. Nếu được chấp thuận, DN ngành điều sẽ hạn chế bị đối tác ép giá do bên mua biết DN phải bán ra để lo trả nợ ngân hàng, đặc biệt là trong mùa vụ mới 2012 được dự báo đầy rẫy khó khăn này.

Được biết, năm 2011 ngành điều XK được 150.000 tấn điều nhân, thu về 1,3 tỉ USD. Trong kế hoạch XK năm 2012, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu ngành điều sẽ XK gần 200.000 tấn điều nhân, thu về 1,75 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, trước những khó khăn chồng chất ngay từ đầu niên vụ mới này, các DN ngành điều chỉ đặt mục tiêu XK tối đa 170.000 tấn điều nhân với kim ngạch XK khoảng 1,5 tỉ USD.

Ông Nguyễn Văn Thỏa – Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước: SAO KHÔNG THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM CÂY ĐIỀU?

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành, nhưng ở Bình Phước thì chưa thấy. Trong khi đó, cây điều có diện tích, sản lượng và kim ngạch XK rất lớn, liên quan đến đời sống của hàng vạn hộ nông dân, đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa nên cũng cần phải được quan tâm thực hiện chính sách bảo hiểm. Nếu làm được điều này, bà con sẽ yên tâm chăm sóc và đầu tư phát triển cây điều, giúp DN giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK, mạnh dạn đầu tư cho dây chuyền SX, chế biến và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Tới – Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước: AI DÁM BẢO HIỂM CÂY ĐIỀU?

Việc thực hiện bảo hiểm cho cây điều là mong muốn của chúng tôi từ lâu, nhưng cái khó là DN nào dám đứng ra thực hiện chính sách bảo hiểm cho cây điều? Họ cho rằng cây điều bấp bênh quá, rủi ro quá nên không dám làm. Vì thế, muốn thực hiện được thì Chính phủ phải hỗ trợ về chính sách, tài chính thì mới giúp cây điều phát triển mạnh được. Việc cần làm trước mắt là đầu tư đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trồng ca cao xen vườn điều nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo niềm tin cho nông dân và cả DN khi muốn thí điểm thực hiện bảo hiểm cho cây điều.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất