| Hotline: 0983.970.780

Giá giống chổng trời!

Thứ Sáu 29/10/2010 , 14:15 (GMT+7)

Lâu nay giá giống bắp lai như một ẩn số, đối với nông dân họ lại không quan tâm, khi nghĩ rằng chỉ cần giống đạt năng suất cao là được. Thế nhưng, giá giống cao liệu có tương xứng với chất lượng hay không? Câu hỏi này từ trước đến nay vẫn còn treo lơ lửng.

Lâu nay giá giống bắp lai như một ẩn số, đối với nông dân họ lại không quan tâm, khi nghĩ rằng chỉ cần giống đạt năng suất cao là được. Thế nhưng, giá giống cao liệu có tương xứng với chất lượng hay không? Câu hỏi này từ trước đến nay vẫn còn treo lơ lửng.

Chúng tôi tìm về huyện Xuân Lộc - Đồng Nai, nơi có diện tích SX bắp lai vụ ĐX hàng năm vào khoảng 2.600 ha. Theo bà Nguyễn Thị Ninh (Phòng NN- PTNT huyện), vụ ĐX sắp tới (bắt đầu tháng 11-12) do trồng trên đất ruộng lúa nên tất cả giống bắp lai đều cơ cấu ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 90-95 ngày.

ĐẮT CÓ XẮT RA MIẾNG?

Trước đây, vụ ĐX nông dân thường dùng các giống bắp như LVN10, DK888, tuy đạt năng suất cao nhưng do dài ngày chi phí lớn, rủi ro cao nên người dân đã bỏ chuyển sang các loại giống bắp ngắn ngày, lập tức giống loại này tăng giá vùn vụt theo năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2007 bình quân 1 kg bắp giống ngắn ngày chỉ có 43.000 đồng, năm 2008 là 53.000 đồng, thậm chí có giống như NK67 (Syngenta) lúc sốt giống giá nhảy lên mức kỷ lục 130.000 đ/kg tại khu vực Đồng Nai, Đăk Lăk.  

Giống bắp ngắn ngày NK 6326 giá “khủng” 78.000 đồng tại đại lý cấp 1, còn đưa xuống nông dân phải trên 80.000 đồng/kg

Nhưng ông Trần Văn Tuấn, xã Phước Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nhớ lại chuyện cũ đã nói trong hậm hực: “Năm trước, nghe cán bộ kỹ thuật Cty quảng cáo giống NK67 trồng được trên đất ruộng, tôi mua về với giá khá đắt. Nhưng cuối cùng bắp mọc trái nách, thưa hạt, tôi kêu kỹ thuật xuống tận ruộng để kiểm tra, họ bảo tôi trồng không đúng kỹ thuật. Cuối cùng chỉ bồi thường lại mấy chục kí-lô giống!”.

Cùng với NK67 là NK 54 cũng “ăn theo” giá cơn sốt, nhưng không ngờ về sau gặp sự cố bắp không hạt ở xã Thanh Sơn (Tân Phú, Đồng Nai), nông dân kiện tụng ì xèo, cuối cùng nhà phân phối (Cty CP BVTV An Giang) đồng ý ngồi lại thương lượng “hỗ trợ” 1-4 triệu/ha cho nông dân, rồi sau đó giống NK 54 cũng từ từ mất dần thị trường.

Tương tự, tại huyện An Phú, tỉnh An Giang đang có một số giống bắp lai bị nhiễm bệnh sọc lá kéo dài nhiều năm, làm giảm năng suất 15-20%. Ngay vụ ĐX năm 2008, giống C414 (của Cty Monsanto) “trở bệnh” nặng làm nhiều hộ nông dân trồng bắp thua lỗ, nên họ đã khiếu nại buộc Cty này phải đền bù 10 kg giống/ha. Vừa qua, trong một buổi hội thảo đầu bờ, biết chúng tôi là nhà báo, ông Võ Văn Thử ở xã Khánh An dẫn ra thăm khu ruộng bắp giống C414 trồng 4 công đất, sau khi nhổ lên một số cây, ông chỉ vào phiến lá rồi nói: “Cây bắp này trồng được hơn một tháng rưỡi bị bệnh sọc lá nên sẽ không có trái, mà nếu có cũng không hạt, tui đau đầu lắm, phản ảnh lên cán bộ kỹ thuật công ty thì họ trả lời chung chung”.

Đã đắt thì xắt ra miếng, trong khi giá giống cao mà chất lượng có khi không đảm bảo, thì nhà SX phải chịu trách nhiệm như thế nào, chịu trách nhiệm tới đâu? Thực ra, vấn đề này hiện vẫn chưa rõ ràng do diện tích trồng bắp lai chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ nên người nông dân mua bán giống theo kiểu trao tay “thuận mua vừa bán”, không có gì ràng buộc pháp lý.

ĐỦ VÕ TĂNG GIÁ

Từ năm 2008, được đà “sốt giống” nên năm 2009 giá giống bắp lai nhảy lên 60.000-70.000 đồng/kg và giữ giá cao như thế cho đến nay, riêng Syngenta có nhiều "hàng độc" tăng giá mỗi giống lên 2.000-3.000đ/kg. Điều đáng nói là, những loại giống “dòng” NK theo đánh giá của một số nhà cung cấp, hễ giống khẳng định thương hiệu, được nông dân ưa chuộng thì bị nâng giá vô tội vạ. 

Nông dân tuốt hạt bắp ngay tại ruộng sau khi thu hoạch

Chẳng hạn năm nay có NK62, 66, 67, 70 giá bán cao trên 70.000 đồng, tiếp theo là “dòng C” (tức của Cargill trước đây, sau bán bản quyền cho Monsanto) như C919, 414, 9901. Hiện giống C 9901 đang đẩy lên đến 74.000 đ/kg. Thậm chí có giống như NK 6326 vừa tung ra năm ngoái, do đặc điểm giống mới “ra lò” nên trong vụ ĐX này đã kê giá “khủng” tới 78.000 đồng! Đến nỗi bà Ninh, người theo dõi cây bắp lai DK888 đầu tiên vào Đồng Nai đã phải thốt lên: “Họ bán giống cứ như giá chổng trời, đắt kinh khủng”.

Bà Lê Thị S. (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) - một nhà phân phối bắp giống cấp 1 cho biết, không chỉ một vài DN nước ngoài đã có tên tuổi nhập khẩu bắp giống bán giá cao, còn có nhiều DN trong nước kể cả nước ngoài tuy SX từ tỉnh Tây Ninh như Cty B, Cty C, Cty D, Cty M... chưa có thương hiệu, nhưng cũng “kê” giá cao kiểu như giống của ta đây cũng “oách” vậy. “Tuy nhiên, những giống này muốn đến được tay nông dân thì họ phải tăng tiền hoa hồng lên cho những đại lý cấp 2, 3 rất cao, để các đại lý “ca” thật giỏi đưa xuống bán cho các vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ hiểu biết của nông dân còn hạn chế và thông thường những giống này hầu hết đều lôm côm cả” - bà S., nói.

“Tôi ở dưới miền Tây lên đây mướn 2,5 ha đất với giá 5 triệu đồng/ha/năm để trồng bắp lai. Vụ ĐX 2009-2010, tôi đầu tư hơn 50 kg giống NK 66 mua giá 66.000 đ/kg vì nghe đại lý quảng cáo là giống chịu hạn tốt, cùng mấy chục bao phân các lọai. Thế nhưng, lỡ gặp nắng hạn không có nước tưới nên bắp “chịu hạn” cũng chết khô hết. Năm đó coi như là mất trắng, tiền giống gần 3,5 triệu cũng tiêu luôn! Vụ ĐX 2010-2011 này, tôi quyết định thuê phân nửa diện tích, vì nếu lỡ thiệt hại nữa thì chi phí đỡ tốn hơn” - (bà Giáp Thị Xuân, ấp 2, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

“Trồng bắp lai, nên nhớ giống là tiền đề, mật độ là cơ sở, phân bón mới quyết định năng suất, bởi cây bắp mẫn cảm với phân bón hơn so cây lúa. Thế nên, không hẳn giá giống bắp cao mới cho năng suất tốt mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đầu tư phân bón. Các DN quảng cáo giống bắp ngắn ngày tốt, nhiều khi chỉ đúng 60-70%, ở mức độ tương đối thôi. Theo tôi, giống ngắn ngày là phải cho năng suất thấp hơn giống dài ngày, cũng như giống bắp có phẩm chất tốt thì cho năng suất thấp, hay nhiễm bệnh. Chẳng hạn, giống bắp nếp HQ 2000 của Viện Ngô, đây là giống có hàm lượng đạm cao, phẩm chất ngon nhưng năng suất lại thấp” - ông La Đức Vực (chuyên gia về cây bắp - Trung tâm NCNN Thực nghiệm Hưng Lộc, Đồng Nai).

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.