| Hotline: 0983.970.780

Giá heo sôi sùng sục

Thứ Ba 09/11/2010 , 09:59 (GMT+7)

Sau một thời gian dài bị ế ẩm do ảnh hưởng dịch tai xanh, hiện giá heo ở Bình Định đang nhảy tưng tưng.

Sau khi đàn heo tại nhiều địa phương bị dịch tai xanh tiêu diệt thì đàn heo không dính dịch ở Bình Định đã trở thành “của hiếm”. Sau một thời gian dài bị ế ẩm do ảnh hưởng dịch tai xanh, hiện giá heo ở Bình Định đang nhảy tưng tưng.

Cách đây vài ba tháng, khi người nuôi heo tại nhiều địa phương trong cả nước méo mặt vì đàn heo của mình lần lượt ngã xuống trước sự càn quét của dịch bệnh thì ở Bình Định, mặc dù bệnh tai xanh chưa tấn công đàn heo nhưng người nuôi heo ở đây cũng rầu lòng không kém, vì giá heo cứ hạ tuốt tuột, thậm chí muốn bán cũng không có người mua vì thị trường quay lưng với thịt heo.

Anh Nguyễn Minh Toàn, chuyên nấu rượu lấy bã hèm nuôi heo số lượng lớn ở Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn) nhớ lại: “Trong thời gian dịch tai xanh đang rộ lên ở khắp nơi thì đàn heo mạnh khỏe của chúng tôi cũng bị vạ lây. Nhiều tỉnh, thành đang bị dịch hoành hành trong cả nước “nội bất xuất, ngoại bất nhập” mặt hàng heo, người đi chợ thấy hàng thịt heo là né mặt. Bởi vậy, dù heo đã đến tuổi bán nhưng kêu mấy cũng chẳng ai thèm mua”.

Tình hình là vậy nên suốt nhiều tháng qua, các đại lý chuyên thu mua heo thịt cung ứng cho thị trường miền Nam lẫn miền Bắc ở Bình Định đành ngồi chơi xơi nước. Các lò mổ heo cũng hoạt động cầm chừng. Lực lượng lái heo rong cũng “gác rọ”, suốt ngày ngồi quán nhậu lai rai cho qua ngày đoạn tháng.

Anh Đặng An ở xã Hoài Tân (Hoài Nhơn-Bình Định), 1 người có thâm niên 15 năm trong nghề lái heo tâm sự: “Thời gian trước, cả ngày nắng lẫn ngày mưa, ngày nào tôi cũng dong chiếc xe 67 đi mua heo về sang lại cho các đại lý. Những lúc heo khan hiếm, phải đi xa đến hàng trăm cây số mới mua được heo. Mấy tháng gần đây heo nhiều ê chề mà không dám mua vì chẳng ai thu. Bỗng dưng khoảng nửa tháng nay heo ăn mạnh trở lại, giá cả cũng tăng cao nên chuyện mua bán cũng hồi sinh".

Sau khi “bão" tai xanh càn quét qua, đàn heo nhiều địa phương giảm mạnh. Trong khi đó, Bình Định là nhờ ngăn chặn được dịch nên đàn heo còn nguyên vẹn. Ông Phan Trọng Hổ - GĐ Sở NN-PTNT Bình Định phấn khởi nói: “Thời gian dịch tai xanh hoành hành ở các tỉnh láng giềng, chúng tôi lo sốt vó, một mặt tập trung ngăn chặn heo bệnh len vào gây lây lan, một mặt tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động phòng chống nên mới giữ được đàn heo".

Theo ông Hổ cũng có địa phương bị tổn thất bởi dịch tả nhưng so với tổng đàn thì không đáng kể, bởi năm nay đàn heo của tỉnh lại tăng đến gần 720.000 con so năm trước. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt gần 60.000 tấn. Khi chuyện lưu thông mặt hàng heo phục hồi thì người nuôi heo ở Bình Định sẽ đỡ khổ. Bây giờ, tình hình dịch bệnh yên ắng, các địa phương không còn bế quan tỏa cảng. Người tiêu dùng cũng đã quay lại với món thực phẩm hàng ngày này, giá heo ở Bình Định theo đó đã tăng vun vút, kể cả heo thịt lẫn heo giống.

Anh Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Bình Định (An Nhơn), người chuyên cung ứng heo giống cho các tỉnh miền Nam cho biết: “Bây giờ đến Tết Nguyên Đán còn đúng 3 tháng, vừa tròn chu kỳ 1 lứa heo, lại xuất bán đúng thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những ngày lễ, Tết nên hiện nay bà con đang ào ạt mua heo giống thả nuôi để kịp bán Tết. Giá heo giống vì vậy đã tăng không ngừng".

Anh Võ Văn Công, lái heo chuyên nghiệp ở thị trấn Bình Định cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, sợ dịch bệnh lây lan, nhiều chuồng gọi bán heo với giá chỉ 10.000đ-15.000đ/kg heo hơi nhưng chúng tôi cũng không dám mua vì mua rồi không biết bán cho ai. Thị trường thu mua heo ở miền Nam lẫn miền Bắc đều tắt. Bây giờ, ngoài lượng heo ào ạt chở ra các tỉnh miền Bắc mỗi ngày, các thương lái ở các tỉnh miền Nam còn đánh xe ra tận Bình Định mua heo. Hiện heo thịt 70-80kg/con có giá 38.000đ/kg hơi. Heo từ 100kg/con trở lên giá còn cao trên 30.000đ/kg”.

Bên cạnh đó giá heo giống cũng tăng mạnh. Bình Định là nguồn cung cấp heo giống cho cả thị trường Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam. Trong thời gian khủng hoảng dịch bệnh, heo giống ở đây cũng trở nên ế ẩm, từ giá 50.000đ-60.000đ/kg của năm trước bỗng tụt xuống chỉ còn 20.000đ/kg nhưng mua bán không chạy. Nhưng nay, trước nhu cầu tái sản xuất của người nuôi heo ở những vùng vừa thoát dịch, giá heo giống đang tăng lên từng ngày.

Là một trong số ít địa phương thoát được cơn đại dịch tai xanh vừa qua, hiện Bình Định đã trở thành “vùng đất hứa” của cánh lái heo ở khắp nơi. Niềm vui của người nuôi heo ở đây cũng được tăng lên từng ngày theo giá heo cứ nhích dần, nhích dần.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm