| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Thủy lợi chờ... ruộng

Thứ Bảy 30/07/2011 , 15:54 (GMT+7)

Theo thiết kế, công trình thuỷ lợi Ia Mlah (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa – Gia Lai) có tổng mức đầu tư là hơn 724 tỷ đồng, đảm bảo tưới cho gần 5.200ha cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 36.000 hộ dân (hơn 70% là người DTTS) . Đây là công trình thuỷ lợi lớn thứ 2 của tỉnh Gia Lai, được thi công xây dựng từ tháng 5/2005, khánh thành vào trung tuần tháng 5/2010, thế nhưng đến nay (hơn 1 năm) nước ở tuyến kênh mương đầu mối đã chảy xối xả mà … ruộng vẫn đói nước.

Từ khi BQL thuỷ lợi 8 (Bộ NN-PTNT) ùn ùn đưa máy móc thiết bị vào khởi công thuỷ lợi Ia Mlah, niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa hiện rõ trên từng khuôn mặt. Không vui sao được, huyện Krông Pa anh hùng trong trận mạc ngày nào lại cứ bị đói nghèo cứ bủa vây mãi. Thực ra, đói nghèo cũng là chuyện dễ hiểu vì đây là huyện xa nhất của tỉnh Gia Lai (cách TP Pleiku 150km), lại là rốn “chảo lửa” quanh năm khí hậu nóng hầm hậm, lượng mưa trung bình chỉ đạt 800 - 1.000mm/năm, đất đai cằn cỗi, mà hễ mưa xuống là sình lầy.

Đến nay, cụm đầu mối hồ chứa Ia Mlah, hệ thống mương chính dài 48km và một số kênh cấp I đã hoàn thành là một cố gắng lớn của các cấp, các ngành. Thế nhưng, một nghịch lý là nước thuỷ lợi Ia Mlah đã chảy, nhưng cánh đồng Krông Pa vẫn chưa thoát khỏi cảnh khô khát.  Lý do một phần là do các tuyến kênh (cấp II, cấp III và kênh nội đồng) thi công rất chậm hoặc chưa được thi công vì thiếu vốn, hoặc không có vốn. Phần nữa là vì chưa có cơ chế phù hợp trong việc hỗ trợ cho dân tự khai hoang đồng ruộng một cách hiệu quả.

Ông Tô Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Công trình chính cơ bản hoàn thành, nhưng các kênh mương tiếp theo đang triển khai thì gặp khó khăn về kinh phí. Trong khi đó tuyến kênh nội đồng chưa được bố trí vốn đầu tư vì muốn làm được tuyến kênh nội đồng thì cần kêu gọi người dân đóng góp, nhưng đây là vùng đặc biệt khó khăn (hơn 70% là người dân tộc thiểu số) nên để thực hiện được như dự kiến là rất khó. Còn công tác khai hoang đồng ruộng đến nay hầu như vẫn chưa triển khai được".

Liên quan đến công tác khai hoang đồng ruộng, đến thời điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn do địa hình vùng tưới là những ngọn đồi bát úp liền nhau. Muốn san lấp các ngọn đồi này thành cánh đồng thì mất rất nhiều công sức, hơn nữa nếu san ủi thì sẽ mất lớp đất mặt mầu mỡ nên khi SX sẽ không đem lại hiệu quả. Theo kế hoạch, huyện Krông Pa tổ chức xây dựng 1.300ha đồng ruộng nhưng hiện nay vẫn chưa tổ chức triển khai được vì thiếu vốn nên chưa thể cấp đất cho dân. Trong khi đó, suất đầu tư của nhà nước thấp (chỉ khoảng 7 triệu đồng/ha) nhưng để khai hoang được 1ha trong thời bão giá hiện nay thì phải cần đến 30triệu đồng/ha.

Được biết, khi chưa có công trình thuỷ lợi thì tổng diện tích tưới toàn huyện Krông Pa chỉ đạt khoảng 1.000/35.000ha đất SX nông nghiệp (đạt gần 3%). Nếu căn cứ theo thiết kế, công trình thuỷ lợi Ia Mlah đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sẽ nâng tổng diện tích tưới lên 6.000/35.000ha (đạt 17,5%). Từ đó nâng hệ số sử dụng đất lên 2-3 vụ/năm (so với 1vụ/năm như lâu nay); hiệu quả sử dụng đất trên 1 đơn vị canh tác cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hiện hệ thống kênh cấp II, cấp III và kênh nội đồng chưa có, nên nhiều người dân nghèo khó vẫn dài cổ chờ nguồn nước mát  chảy về. Trong khi đó, diện tích dự kiến khai hoang, hưởng lợi của dự  án thì vẫn chưa được tiến hành. Vậy nên, công trình đã không phát huy được hết tác dụng. “Đã mua được trâu nhưng không sắm nổi dây thừng" là câu chuyện đang xảy ra ở công trình thủy lợi Ia Mlah.  

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất