| Hotline: 0983.970.780

Giá nước ngọt mặn chát

Thứ Năm 28/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cứ đến mùa khô, hàng ngàn hộ dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) lại thấp thỏm, lo lắng vì thiếu nước.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch xã Biển Bạch Đông, cho biết, tình hình hạn hán năm nay kéo dài bao nhiêu thì người dân khổ bấy nhiêu. Đã gần 4 tháng nay bà con phải mua nước dùng.

Tại địa phương, người dân không thể khoan giếng lấy nước hợp vệ sinh sử dụng như những vùng khác được.

Xã Biển Bạch Đông có tất cả 5 ấp, với hơn 2.000 hộ dân, trong đó hơn 1.400 hộ dân ở hai bên bờ Đông, bờ Tây sông Chẹm, hằng ngày phải mua nước sử dụng. 

Đặc biệt, ở ấp Thanh Tùng và ấp 18, toàn bộ các hộ dân không thể dùng nước giếng khoan do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn rất nặng.

Để đối phó với mùa khô, đã thành thông lệ bà con địa phương chẳng ai bảo ai, ngay trong mùa mưa họ chuẩn bị hàng chục lu nước cỡ lớn (mỗi lu đựng được 1 khối nước), dự trữ nước mưa.

Thế nhưng cũng chỉ đối phó được khoảng 1 tháng mùa khô, gia đình nào nhiều lu thì được 2 tháng là cùng. Đến qua Tết Nguyên đán, ai cũng phải bỏ tiền mua nước sử dụng.

Hỏi ra mới biết, nước mà bà con mua cũng đâu phải nước sạch, chỉ là nước giếng khoan ở các vùng bên chuyển về. Vậy mà giá lên tới năm bảy chục ngàn đồng mỗi khối, tùy vào chất lượng nước và đường vận chuyển xa hay gần.

Đối với xã có thu nhập trung bình chỉ 13 triệu đồng/người/năm như Biển Bạch Đông thì đúng là nước không sạch, chưa ngọt nhưng giá quá mắc, quá mặn.

Gia đình anh Lê Thành Vân, Trưởng ấp Thanh Tùng, có bốn khẩu. Hằng tháng gia đình phải bảo nhau xài nước hết sức tiết kiệm. Vậy mà 1 tháng gia đình cũng dùng hết 9 khối nước, với giá 70 ngàn đồng/khối.

Anh Vân chia sẻ: Nước mua dưới sông lên xài chỉ dùng tắm giặt, rửa rau và sinh hoạt lặt vặt. Nước để uống và nấu ăn, hằng tháng tôi phải lấy thêm khoảng 7 bình nước lọc, giá 12 ngàn đồng/bình để dùng.

“Lương Nhà nước trả cho tôi mỗi tháng được trên 900 ngàn đồng, tính ra cũng đủ hằng tháng mua nước cho vợ con dùng vào mùa khô", anh Vân nói.

Về vấn đề công trình nước trị giá hàng chục tỷ chưa được triển khai, ông Phúc nói: “Dự án xây dựng công trình nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân xã Biển Bạch Đông đã được UBND tỉnh đồng ý, với nguồn vốn khoảng 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn phải chờ Bộ NN-PTNT duyệt thì mới có thể triển khai”.

Theo phản ánh của người dân, tại xã Biển Bạch Đông hiện có 4 công trình cung cấp nước sạch được xây dựng tại các ấp Hào Hứng, Trương Thoại, Thanh Tùng để cung cấp nước cho khoảng 600 hộ dân. Nhưng các công trình này hoạt động không ổn định.

Công trình cấp nước kênh 12 được xây dựng vào năm 2009 - 2010 tại ấp Trương Thoại nằm nghỉ nhiều hơn thời gian hoạt động. Công trình trên được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, cấp nước cho 125 hộ dân trong ấp.

Sau khi thi công đưa vào sử dụng được khoảng 3 - 4 tháng thì liên tục hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu, phục vụ người dân.

Gần đây nhất, một công trình nước sạch được xây dựng vào năm 2012-2013 tại ấp Thanh Tùng, trên tuyến kênh 16, phục vụ cho 130 hộ dân. Sau thời gian thi công trục trặc, đến khi đưa vào sử dụng chưa được 2 tháng cũng bị hư hỏng.

Đến đầu năm 2015, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau mới cho người vào sửa chữa, sử dụng được khoảng 3 tháng, tiếp tục hư. Hiện đang nằm đó, không hoạt động. Hai công trình nước cấp nước sạch còn lại cũng không khá hơn là bao...

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, GĐ Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Đúng là các công trình cấp nước sạch trong Biển Bạch Đông hay bị hư hỏng, nhưng nguyên nhân là do nguồn điện quá yếu, không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động nên liên tục gây cháy bơm chìm và ổn áp.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.