| Hotline: 0983.970.780

Giá thịt lao dốc là do nhập khẩu?

Thứ Sáu 07/10/2011 , 15:40 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, bên cạnh yếu tố chu kỳ, giá thịt trong nước tụt thảm hại chỉ trong một thời gian ngắn là do lượng thịt nhập khẩu tràn vào quá nhiều trong một thời gian quá ngắn.

Bắt giữ thịt heo đông lạnh kém chất lượng
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, bên cạnh yếu tố chu kỳ, giá thịt trong nước tụt thảm hại chỉ trong một thời gian ngắn là do lượng thịt nhập khẩu tràn vào quá nhiều trong một thời gian quá ngắn. 

Thưa ông, ông nhận định vì sao chỉ trong thời gian rất ngắn, giá thịt từ chỗ phải “hạ sốt khẩn cấp” lại rơi xuống đáy như thế? 

Việc giá thịt lên xuống theo chu kỳ trong một năm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, giá từ chỗ quá sốt như hồi giữa năm, bỗng dưng tụt một mạch xuống tới mức nông dân lỗ nặng như hiện tại thì đúng là có vấn đề. Ở đây có một nguyên nhân cố hữu, và cũng là bài học đắt giá cho nông dân nuôi nhỏ lẻ manh mún, đó là lúc thấy giá lên cao như hồi tháng 6 tháng 7/2011 thì ào ào vào giống nuôi. Hiện tại chính là thời điểm “bán tháo” ra thị trường của lứa vào nuôi thời điểm đó, khiến “cầu” bị quá tải.  

Tuy nhiên, tôi cho rằng với tổng đàn gia súc – gia cầm cả nước có tăng lên vào lúc cao điểm như vừa qua, thì với nhu cầu cân đối của thị trường trong nước như hiện tại, giá thịt cũng không thể giảm mạnh đột ngột như vậy. Giá giảm có lý do khác. 

Vậy nguyên nhân chính là gì thưa ông? 

Tôi nhận định việc giá thịt tụt mạnh như thế chủ yếu do lượng thịt NK tràn vào quá nhiều. Hiện tại, chúng tôi chưa được cung cấp số liệu thống kê cụ thể từ Cục Thú y cũng như cơ quan Hải quan về lượng thịt và các sản phẩm thịt NK trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo như thông tin mà tôi nắm được thì kể từ thời điểm giá thịt lên cơn “sốt” vào giữa năm 2011 đến nay, lượng thịt, đặc biệt là thịt đông lạnh, mà nhiều nhất là vẫn là cổ, cánh, đùi gà… đông lạnh NK về nước đã tăng một cách đột ngột.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng để giữ giá cho sản phẩm chăn nuôi trong nước, trong điều kiện chúng ta không được tăng thuế NK, thì giải pháp siết chặt kiểm soát kiểm dịch thú y, hạn chế việc cho phép các DNNK thịt nhằm giữ ổn định “cung – cầu” trong nước là kế sách tối ưu. Thế nhưng trong chuyện này, có vẻ như các cơ quan quản lý việc cho phép NK thịt đã quá dễ dãi, thậm chí quá tay trong việc cho phép NK, dẫn tới mức “thịt ngoại”, mà đặc biệt là thịt gia cầm tràn lan trên thị trường. Người chăn nuôi sẽ phải gánh chịu những điều tệ hại hơn nữa trong thời gian tới, nếu cứ thả lỏng cho việc NK thịt. 

Tệ hại thế nào thưa ông? 

Trong khoảng qúy III năm 2011 vừa qua, khi thịt gia cầm ngoại tràn vào như thác, chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy một điều rất đáng lo ngại, đó là phần đa các khách hàng tiêu thụ sản phẩm gia cầm rất lớn như các bếp ăn tập thể, nhà ăn cho công nhân, trường học… đã chuyển hết sang dùng gia cầm đông lạnh NK. Nếu tình trạng này kéo dài, một thị trường tiêu thụ thịt khổng lồ trong nước sẽ chuyển hẳn thói quen tiêu dùng sang dùng “thịt ngoại”. 

Các chủ trang trại hiện đang “tố” Bộ Công thương rất gay gắt, vì họ nghe tin hồi giữa năm 2011, Bộ này đã kiến nghị cho giảm thuế để mở cửa cho thịt NK, khiến giá thịt hạ như hiện nay, thưa ông? 

Đầu tháng 6/2011, trước tình hình giá thịt leo thang căng thẳng, Bộ Công thương đã có đề xuất giảm thuế và cho NK khoảng 100 nghìn tấn thịt để hạ sốt giá thịt. Tuy nhiên sau đó, Bộ NN-PTNT, mà cụ thể là Cục Chăn nuôi đã kịch liệt phản đối quyết định này, bởi chúng tôi dự báo “cung” thịt trong nước sẽ đủ hạ sốt cho nhu cầu, chứ không cần phải tính chuyện NK.  

Về sau, Bộ Công thương cũng đã hủy bỏ đề xuất này, và trên thực tế thì không có chuyện giảm thuế NK thịt trong thời gian qua. Mặc dù vậy, tôi cũng khẳng định là ở một phương diện nào đó, đề xuất của Bộ Công thương vào thời điểm đó cũng là nguyên nhân tạo ra một “tín hiệu” khiến các DN tăng cường việc NK thịt.

Căn cứ nào mà ông nhận định việc hạ sốt giá thịt vào giữa năm 2011 không cần thiết phải tính đến việc NK? 

Vào thời điểm đó, mặc dù giá thịt đang điên đảo nhưng chúng tôi được biết trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có khoảng hơn 2 triệu con gà giống siêu thịt được NK về Việt Nam. Số lượng này là quá nhiều so với mức bình quân các năm. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng khá ổn định. Vì thế chúng tôi nhận định theo lũy tiến, “cung” chăn nuôi trong nước sẽ kịp thời đáp ứng đủ “cầu” chỉ trong một thời gian ngắn, mà muộn nhất là tới cuối tháng 7/2011 giá thịt sẽ dần hạ nhiệt. 

Vậy từ nay đến cuối năm, ông nhận định giá thịt có tăng trở lại không? 

Nếu không siết chặt NK thịt, thì tôi nhận định giá thịt gia cầm sẽ khó tăng trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ tiếp tục lỗ. Riêng dự báo thịt lợn, có thể sẽ tăng nhẹ trở lại từ nay đến cuối năm. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm