| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ Hoành Vinh

Thứ Ba 15/06/2010 , 14:30 (GMT+7)

Có độc giả nhắn tin hoài nghi: Chẳng lẽ nông dân tất cả đều lười, ỷ lại Nhà nước? Xin thưa ngay là không. Có rất nhiều nông dân, vùng quê đang đêm ngày thao thức để làm giầu. Câu chuyện thôn Hoành Vinh ở vùng đất khó Quảng Bình là một ví dụ. Có thể Hoành Vinh chưa thật điển hình nhưng chắc một điều, những nông dân ở đây đang ấp ủ giấc mơ lớn…

Đường vào thôn Hoành Vinh
Đọc loạt bài, có độc giả nhắn tin hoài nghi: Chẳng lẽ nông dân tất cả đều lười, ỷ lại Nhà nước? Xin thưa ngay là không. Có rất nhiều nông dân, vùng quê đang đêm ngày thao thức để làm giầu. Câu chuyện thôn Hoành Vinh ở vùng đất khó Quảng Bình là một ví dụ. Có thể Hoành Vinh chưa thật điển hình nhưng chắc một điều, những nông dân ở đây đang ấp ủ giấc mơ lớn… 

>> Đối lập trên cùng vùng đất
>> Chán học nông nghiệp
>> Bán cả... ''cần câu''
>> Khoa học kỹ thuật ư? Kệ!
>> Đất bỏ hoang vẫn phải đi... mua rau
>> Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp?

Doanh nghiệp nông dân 

Năm 2000, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh tan rã vì làm ăn không có hiệu quả nên việc điều hành sản xuất và các dịch vụ được giao  cho thôn Hoành Vinh (xã An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình).

Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng dưới tán cây xanh mướt, trưởng thôn Hoành Vinh Võ Doãn Dực nhớ lại: Lúc đó, tỷ lệ đói nghèo ở Hoành Vinh cao lắm. Vùng đất thuần nông mà mùa màng luôn thất bát thì làm sao thoát khỏi đói nghèo? Nhưng làm gì để thoát khỏi đói nghèo thì không dễ trả lời. Những chiều đi ra cánh đồng rộng mênh mông cỏ dại và đất phèn đã khiến ông Dực nghĩ đến phương án phải kiến thiết lại đồng ruộng. Họp dân nhiều lần, bàn cãi nhiều lần thì cũng sáng ra. Trước hết phải be bờ, đắp đập. Sức đâu, tiền đâu? Bao câu hỏi đặt ra. Chờ Nhà nước đầu tư thì đến bao giờ? Rứa thì phải làm cách khác. Đồng lòng sức dân là có hết.

Trước hết, thôn bắt tay vào việc đòi nợ sản phẩm còn tồn đọng trong dân. Tổng dư nợ có đến 220 tấn thóc chứ chả chơi. Nhưng bàn rồi. Không thu hết mà chỉ thu 2/3 số nợ. Còn lại 1/3 thì miễn giảm cho hộ nghèo, đói, hoặc xóa nợ cho trường hợp rủi ro, tai nạn... Dân đồng lòng nên không ai còn dây dưa. Thắng lợi bước đầu gây niềm hứng khởi cho trên 740 hộ dân Hoành Vinh. Kế đó, khi bắt tay vào dồn điền đổi thửa, bàn ra hội nghị toàn thể nông dân khi dồn điền thì trích diện tích lại, cứ 2 sào, người dân tự nguyện bỏ ra 3 thước cho tập thể. Tổng số diện tích đất góp được khoảng 18 ha và đó là diện tích được thôn tính toán “chi” cho việc mở rộng, quy hoạch các tuyến đê bao, ngang, dọc... Nói cách khác là dân không mất đất và làm công trình tập thể mà không phải tốn một xu nào cho việc “giải phóng mặt bằng”.

Cánh đồng của Hoành Vinh rộng gần 365 ha, bây giờ có cả hệ thống đê bao, 7 tuyến đê dọc (mỗi tuyến dài 2,7 km); 14 tuyến đê ngang (mỗi tuyến 2 km). Vậy là tổng cộng có gần 50 km đê được đắp rộng từ 4 - 6m từ việc huy động sức dân. Khoản đầu tư này do đâu? Xin thưa, dân góp tất. Mỗi năm, Hoành Vinh bỏ gần 1 tỷ đồng cho hệ thống đê. Qua 10 năm, gần 10 tỷ đồng “đổ” xuống nên bây giờ mới được đường ngang, đường dọc ô tô, máy cày cứ chạy như trên quốc lộ. Bây giờ nói rằng có mưa lũ, người dân Hoàng Vinh cứ việc an dạ cũng chẳng ngoa. Nhờ tuyến đê, lũ tiểu mãn năm 2008, ở đâu cũng bị ngập, riêng cánh đồng hơn 360 ha của Hoành Vinh vẫn trụ vững trong mưa lũ nhờ hệ thống đê và trạm bơm “tạt” nước ngược ra sông.

Cung cách quản lý các tuyến đê cũng khoa học. Toàn bộ được đấu thầu và do cá nhân bảo quản để phát triển đàn trâu bò. Theo đó, những người được “quản” đê thì nhận luôn bảo vệ lúa trong khoảng đê bao. Nếu quản lý không chặt mà đê bị trẻ em đào bới để bắt chuột thì phải tự bỏ công ra tu bổ... Sắp tới, thôn sẽ cho đấu thầu trồng cây phân tán lên toàn bộ hệ thống đê này.

Vụ đông xuân vừa rồi năng suất bình quân trên đồng cũng đạt gần 70 tạ/ha. Ông Dực nhướng mắt lên: “Rứa cũng khá đó. Không nói nhất thì cũng nhì trong vùng rồi”.

- Ăn thua gì. Ngoài tỉnh Thái Bình người ta còn làm lên năng suất trên 80 tạ/ha cơ mà?

- Nếu làm mô hình trình diễn thì ở đây cũng làm được. Chứ anh coi, toàn bộ 365 ha của Hoành Vinh thì đã có gần 100 ha đạt trên 74 tạ/ha rồi, diện tích còn lại thấp nhất cũng đạt gần 60 tạ/ha. Cả vùng rộng lớn như vậy mà năng suất đồng đều cũng phải nơi nào cũng làm được - ông Dực “vặn” ngược lại tôi - Nói thật cho chú nghe, gần 10 năm nay Hoành Vinh chưa thất bát vụ nào. Đó là chưa kể đến toàn bộ số giống lúa là do bà con tự sản xuất. Rồi mô hình lúa cá ra đời. Nông dân đấu giá thêm diện tích để đưa vào lúa cá. Thu nhập 100 triệu đồng/ha là chuyện không có gì ngạc nhiên ở đây.

Cơ giới hóa làm đất ở Hoành Vinh
Ngừng một lát, ông trưởng thôn lại tâm sự: “Sắp tới, thôn Hoành Vinh sẽ tổng kết 10 năm mô hình thôn quản lý điều hành thay HTX. Nhiều thắng lợi đó nhưng tôi vẫn thấy chưa đáp ứng được. Trong dịp tổng kết mô hình này tôi sẽ đề nghị cho thành lập Doanh nghiệp nông dân. Có như vậy mới đáp ứng được với nhu cầu phát triển của bà con trong việc vay, hỗ trợ vốn, vật tư phân bón và nói chung là vô cùng thuận tiện và đáp ứng được cho nông dân trong giai đoạn tự chủ mạnh”.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển, thôn đã cử một số thanh niên có năng lực đi đào tạo chuyên nghiệp để mai kia quay về đảm nhận việc của tập thể. Hiện cả thôn được chia làm 4 cụm dân cư (mỗi cụm có 1 cụm trưởng), mỗi cụm dân cư được bố trí 6 tổ tự quản. Bốn cụm trưởng được dân đồng ý mua cấp điện thoại di động tiện cho việc điều hành công việc chung. 

Không có chỗ cho lười, ỷ lại 

"Thôn đã mua 22 máy cày D8 cho 22 hộ dân trong thôn vay để phục vụ sản xuất; mỗi hộ buôn bán nhỏ được vay 3 triệu đồng, hộ nuôi thỏ được vay 1,5 triệu đồng... trong thời hạn 2 năm. Ngoài ra, thôn còn đầu tư làm các tuyến đường bê tông, khu chợ, đường vào khu nghĩa địa, hệ thống truyền thanh để phục vụ dân sinh. Việc ma chay ở đây đã bài trừ được những phong tục lạc hậu. Cứ mỗi người mất, thôn hỗ trợ 600 ngàn đồng và gia đình lo thêm 500 ngàn đồng để chi phí cho việc ma chay theo nêp sống mới” - Trưởng thôn Võ Doãn Dực.

Ở xã An Ninh, mọi người còn biết đến “vua lúa” Nguyễn Đại Ơn, một trong những nông dân giàu lúa nhất xã, với mức khoảng 50 tấn lúa/năm.

Nguyễn Đại Ơn kể rằng, khi lập gia đình, anh được chia vài mảnh ruộng nhưng cuối vụ thu hoạch cũng chẳng nhiều nhặn gì, vài ba tấn lúa không đắp đổi đủ cho cuộc sống của gia đình 5 miệng ăn. Vợ chồng anh đã suy nghĩ nhiều trước khi đi đến quyết định đấu thầu thêm một số diện tích đất 5% của xã để làm lúa và chăn nuôi. Sau ngày nhận thầu 4 mẫu ruộng (tương đương 2 ha) ở vùng bãi, vợ chồng trằn lưng ra cải tạo, đắp đập be bờ để nuôi thêm cá và vịt. Cùng với diện tích ruộng được chia theo nhân khẩu, gia đình anh có tới 3 ha đất, trở thành một trong ba nhà làm ruộng với diện tích lớn nhất ở An Ninh.

Để quán xuyến tất cả việc sản xuất, anh dựng lều ngay ở bờ đê. Anh nói: 10 tháng/năm tôi ngủ ngoài đê, 2 tháng còn lại là mùa mưa lụt thì vào “ở tạm” trong nhà. Muốn phát triển thì không thể lười và ỷ lại được.

Phần ruộng đấu anh làm một vụ lúa, rồi thả thêm các loại cá chép, cá mè, cá rô phi và một phần đê được quây lại để nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Như vậy, từ diện tích ruộng của mình, năm nào anh cũng thu khoảng 1.000 thúng lúa (1 thúng tương đương 12,5 kg) nhưng năm nay thì con số đã trở thành kỷ lục, 1.500 thúng. 

 Làm nhiều ruộng và nhiều công việc khác nhau nhưng Ơn đã lo chu tất: “Này nhé, làm đất: đã có máy và tự tay làm; gieo giống: thuê 3 nhân công cùng làm với mình; đến mùa gặt: thuê 20 lao động thu hoạch dứt điểm từng vùng để làm lúa tái sinh (năng suất cũng trên 25 tạ/ha). Gặt xong, phơi khô quạt sạch ngay trên bờ đê rồi chở lúa thành phẩm về nhà, ở đó đã có người thu mua đợi sẵn. Thóc thật, tiền tươi. Ngoài lúa, sau khi trừ các chi phí, gia đình thu trên 50 triệu đồng từ việc nuôi cá và vịt. Tổng thu nhập của gia đình trong năm trên 100 triệu đồng”. (Còn nữa) 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.