| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán rải vụ trái cây

Thứ Sáu 05/10/2012 , 09:47 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị phát triển cây ăn trái rải vụ các tỉnh ĐBSCL.

Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị phát triển cây ăn trái rải vụ các tỉnh ĐBSCL. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị quan trọng này, ngày 4/10.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Bến Tre hiện có 32.000 ha cây ăn trái, sản lượng bình quân khoảng 322.000 tấn/năm, trong đó, diện tích chôm chôm 5.360 ha, nhãn 3.360 ha, bưởi da xanh 4.144 ha, măng cụt 3.230 ha, sầu riêng 1.848 ha. Tỉnh đã quy hoạch diện tích cây ăn trái đến năm 2020 là 33.000 ha, sản lượng 388.330 tấn.

Theo đó, bưởi da xanh là cây trồng chủ lực với 5.000 ha, nhãn 4.800 ha, chôm chôm 4.000 ha. Trong những năm qua cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã phát triển theo hướng chất lượng cao. Hiện tại, đã có 8 điểm sản xuất trái cây được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo GAP. Trong điều kiện mối liên kết và tiêu thụ trái cây chưa được phát triển mạnh thì việc sản xuất trái cây rải vụ đã được nhiều nhà vườn trong tỉnh làm khá thành công, tránh được tình trạng trúng mùa rớt giá. Cây nhãn, bưởi, sầu riêng, chôm chôm đã được nhà vườn áp dụng KHKT cho cây ra hoa rải vụ đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, ổn định diện tích sản xuất. Trên nền thành công này Bến Tre đang hướng cho nông dân nhân rộng mô hình rải vụ kết hợp với sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói: Trái chôm chôm Bến Tre và Tiền Giang được đi Mỹ là do sản xuất được nghịch vụ so với Thái Lan. Đây là một bước thành công của nhà vườn trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT. Muốn cho trái cây Việt Nam cạnh tranh ngang sức với trái cây Thái Lan thì Chính phủ nên can thiệp với Hàng không Việt Nam như Chính phủ Thái Lan đã làm. Hiện tại, giá cước Việt Nam khoảng 3-4 USD/kg trong khi đó Thái Lan chỉ 0,5-1 USD/kg. Để giảm bớt cảnh rớt giá vào mùa hè ngoài việc phải có quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất trái cây đặc sản, nông dân phải liên kết sản xuất theo cách hợp tác để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Muốn làm được điều này thì Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo các tỉnh thống nhất lịch thời vụ cho trái.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở thu mua trái cây Hương Miền Tây nêu quan điểm: Rải vụ trong sản xuất trái cây đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tuy nhiên cần phải cải thiện mối liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ. Ngành kinh doanh trái cây phải là ngành kinh doanh có điều kiện và theo đó doanh nghiệp phải có trách nhiệm, phải có nhà xưởng, thương hiệu và cần phải được Bộ, ngành Trung ương cùng địa phương hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại.

Thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái vùng Nam bộ khoảng 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn (chiếm 53,2% diện tích, 57% về sản lượng  cả nước). Tuy nhiên, tổng giá trị thu được từ trồng cây ăn trái vẫn chưa cao: do việc sản xuất theo mùa, sản lượng lớn tập trung, thường xuyên tạo nên sự mất cân đối cung cầu.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Hậu Giang nói: Để thị trường cây ăn trái không còn bị đọng như thời gian qua thì việc quy hoạch và tạo liên kết giữa các địa phương là quan trọng. Rải vụ như thế nào thì từng địa phương phải phối hợp, tránh bị trùng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Tỉnh Vĩnh Long đã quy hoạch cam sành, bưởi Năm Roi, nhãn, chôm chôm và sầu riêng là cây ăn trái chủ lực phát triển. Hiện tại, cây cam sành, bưởi Năm Roi đã được nông dân ứng dụng thành công giải pháp rải vụ. Đối với cây nhãn mặc dù bệnh chổi rồng hoành hành trong thời gian qua nhưng nhà vườn vẫn làm cho cây ra trái. Vĩnh Long đang hướng nông dân sản xuất trái cây theo hướng GAP. Trên cơ sở này, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ NN-PTNT cần sớm chủ trì việc liên kết quy hoạch và kiểm soát quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng kết luận: Bộ đã quy hoạch 9 loại cây trồng chủ lực gồm: xoài, nhãn, bưởi, cam sành, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, chuối và dứa. Trong 9 cây thì có 7 cây có nhu cầu rải vụ và định hướng sản xuất rải vụ được dựa trên cơ sở thị trường là hàng đầu. Sau hội nghị này, các tỉnh phải làm ngay là: Dựa vào cây trồng trên từng tỉnh lập ra lịch thời vụ nhưng phải dựa trên hai việc thị trường và sinh học. Cục Trồng trọt phối hợp với các tỉnh tiến hành nghiên cứu lịch thời vụ để đưa ra kế hoạch rải vụ thích hợp cho từng địa phương triển khai sản xuất sao cho hiệu quả và bền vững nhất.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm