| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán thiếu nhân công, thất thoát sau thu hoạch

Thứ Sáu 02/03/2012 , 10:25 (GMT+7)

Trong những điều bất cập, chưa bền vững về SX lúa ở ĐBSCL, dễ nhận ra nhất là năng suất lao động còn thấp do chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa.

PGS.TS Mai Thành Phụng
Trong những điều bất cập, chưa bền vững về SX lúa ở ĐBSCL, PGS.TS Mai Thành Phụng, phụ trách Bộ phận thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam nhấn mạnh đến năng suất lao động còn thấp do chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa.

Trao đổi với ông về việc sử dụng máy gặt đập liên hợp máy (GĐLH) trong việc thu hoạch, ông cho biết thêm một số tính ưu việt của máy và những điều nông dân cần lưu ý khi áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng.

Thưa PGS.TS Mai Thành Phụng, ông đã từng là thành viên của Ban tổ chức hội thi máy thu hoạch lúa, xin ông cho biết những hội thi này nhằm đạt được mục đích gì?

Bộ NN- PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì cùng phối hợp với các Cục, Vụ, Viện, Trường và các Sở NN- PTNT tổ chức 5 lần liên tiếp hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam từ năm 2007- 2011. Mục đích của hội thi:

- Bình tuyển các loại máy GĐLH có khả năng vận hành tốt nhất trên thực tế đồng ruộng ở các tỉnh phía Nam.

- Phổ biến việc ứng dụng máy GĐLH vào việc cơ giới hoá nông nghiệp phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân.

- Giải quyết bài toán thiếu nhân công trong thu hoạch, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, nâng cao hiệu quả SX lúa và thu nhập cho nông dân.

Xin ông cho biết, điểm mạnh và yếu của từng loại máy và nước SX để nông dân biết chọn mua và sử dụng cho thích hợp trên đồng ruộng của mình?

Nông dân có thể chọn mua các máy đạt giải cao qua các lần hội thi hoặc qua thực tế đã sử dụng trên đồng ruộng của mình thấy thích hợp và cho hiệu quả cao. Danh sách các máy gặt đập liên hợp đạt giải cao qua các lần hội thi như sau:

- Máy GĐLH của DNTN Tư Sang 2.

- Máy GĐLH của Cty TNHH Hoàng Thắng.

- Máy GĐLH của Cty TNHH XNK Minh Phát.

- Máy GĐLH của Cty cổ phần cơ khí An Giang.

- Máy GĐLH của Cty TNHH MTV SX-TM-DV Nhựt Thành.

- Máy GĐLH của DNTN thương mại Vinh Thái.

Các máy GĐLH nêu trên có công suất gặt 0,3- 0,7 ha/giờ, làm việc được ở nhiều dạng địa hình, gặt được lúa đổ, nền đất yếu, hao phí tổng cộng thấp (dưới 3%, đa số khoảng 1- 2%), có phụ tùng thay thế, có chế độ hậu mãi khá tốt, kết cấu của máy và độ bền đạt yêu cầu. Trở ngại lớn nhất là công nghệ chế tạo chưa cao, chưa thể SX hàng loạt với số lượng lớn như của các công ty nước ngoài.

Từ cuối năm 2010 đến nay, máy GĐLH lúa KUBOTA lắp ráp tại Việt Nam đã và đang chiếm thị trường nhất là ở ĐBSCL do nhãn hàng của Nhật, máy có năng suất gặt cao, có độ bền, ít hỏng hóc; dẫu giá tiền rất cao (trên 500 triệu đồng/máy) nhưng được nông dân tín nhiệm. Tuy nhiên, độ hao hụt chưa được công bố, cần phải đánh giá chính xác chỉ tiêu này và khả năng gặt lúa đổ của máy.

Còn những điều nông dân cần lưu ý về tính an toàn và hiệu quả khi thuê hoặc tự sử dụng máy trên đồng ruộng?

- Những điều cần lưu ý khi thuê máy:

+ Cần chọn lựa loại máy thích hợp, có hiệu quả cao để thuê.

+ Phải có hợp đồng xác định diện tích thuê gặt máy, ngày cụ thể, giá cả (chi phí gặt, vận chuyển lúa nếu có), các điều khoản bổ sung nếu có như gặt lúa đổ... (cần nêu các điều khoản càng chi tiết càng tốt).

+ Người thợ lái máy phải đảm bảo tuyệt đối tính an toàn khi vận hành máy và hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm cao, đạt hiệu quả cao, đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng.

- Những điều cần lưu ý khi tự sử dụng máy:

+ Người lái máy nhất thiết phải qua lớp đào tạo và thực hành. Khi thấy thành thạo thì mới làm lái chính để lái máy làm việc trên đồng ruộng.

+ Người lái máy cần phải đảm bảo tuyệt đối tính an toàn khi vận hành máy và hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm cao, đạt hiệu quả cao.

Đến nay, lượng máy đáp ứng cho nhu cầu SX ở ĐBSCL như thế nào, ông cho thể cho biết những con số thống kê?

Hiện ĐBSCL có 6.609 máy GĐLH lúa. Tính bình quân công suất gặt 100 ha/máy/vụ thì diện tích thu hoạch là 660.900 ha tương đương 42% diện tích gieo trồng của vụ ĐX (1,56 triệu ha). Ngoài ra ở ĐBSCL còn có 4.815 máy gặt rải hàng: Tính bình quân công suất gặt 50 ha/máy/vụ thì diện tích thu hoạch là 240.750 ha tương đương 15% diện tích lúa ĐX.

Sử dụng máy là có lợi, nhưng ông có thể nêu những cái lợi cụ thể để bà con nông dân nắm được không?

Tôi nghĩ là có một số cái lợi sau:

 - Giải qu‎yết bài toán thiếu nhân công, nhất là trong tình hình nông dân phải tuân thủ việc gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy hiện nay.

- Thu hoạch đúng độ chín (đảm bảo ruộng lúa cho năng suất, chất lượng cao nhất)

- Giảm tỷ lệ hao hụt so với cắt tay khoảng 5% (cắt máy hao hụt 3%, cắt tay hao hụt 8%)

- Giảm chi phí so với thu hoạch thủ công khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng/ha và về lâu dài giá nhân công ngày càng tăng, việc thu hoạch bằng máy là tất yếu.

- Nếu thu hoạch bằng máy kết hợp với dịch vụ phơi, sấy sẽ nâng cao chấtlượng lúa gạo Việt Nam, tăng sức cạnh tranh và có thể bán giá cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.