| Hotline: 0983.970.780

Giải cơn khát vùng cao

Thứ Tư 14/12/2011 , 14:47 (GMT+7)

Là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, Bắc Kạn không chỉ thiếu đất trồng lúa, mà ngay cả nước sạch phục vụ sinh hoạt cũng rất thiếu.

Là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, Bắc Kạn không chỉ thiếu đất trồng lúa, mà ngay cả nước sạch phục vụ sinh hoạt cũng rất thiếu.

Từ quyết tâm giảm khát...

Khi tái lập tỉnh vào tháng 1/1997, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn gấp rút đưa ra các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế gắn với đời sống dân sinh tại 8 huyện, thị và 122 xã, phường; trong đó có sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng về việc "giảm gấp cơn khát ở vùng cao". Bởi vào thời điểm đó chỉ có 11% dân số tỉnh Bắc Kạn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Công việc thống kê tình trạng thiếu nước được diễn ra bài bản từ tỉnh, huyện đến cấp xã, thôn và từng hộ gia đình theo phân khúc cụm dân cư, có đánh giá các mặt chủ quan, khách quan và nguyên nhân của thực trạng thiếu nước sạch. Từ đó, ưu tiên đầu tư cho những nơi thiếu nước trầm trọng, chủ yếu ở thôn bản vùng cao, có địa hình núi đá vôi tại các huyện: Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới, Bạch Thông… với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bắc Kạn cũng từ đó mà hình thành và gấp rút tuyển dụng những cán bộ có chuyên môn, am hiểu về địa bàn cư dân vùng cao, cũng như tập tục sinh hoạt của người dân, từ đó xuống với dân bản theo phương châm “ba cùng”, nắm bắt nguyện vọng cũng như tìm kiếm nguồn nước; bàn với dân về cách làm thế nào tốn ít tiền nhất, hiệu quả cao nhất và công trình bền vững nhất.

Do địa hình phức tạp, các thôn bản vùng cao bị thiếu nước phần nhiều sống trên những núi đá vôi, địa tầng cát - tơ phức tạp, mùa hè có mưa nước chảy trên bề mặt đất, các giếng đầy ắp nước, nhưng chớm đông, mạch nước chảy ngầm, các giếng nước bị khô cạn, nước trở nên vô cùng quí hiếm. Rất nhiều hộ gia đình ở các xã: Vũ Muộn, Cao Sơn, Nguyên Phúc, Sỹ Bình… (huyện Bạch Thông); Liêm Thuỷ, Xuân Dương, Hữu Thác… (Na Rì); Lương Bằng, Nghĩ Tá, Phong Huân, Tân Lập, Xuân Lạc, Nam Cường, Bình Trung... (huyện Chợ Đồn) rất cần nước sạch.

Trong khi túi tiền của dân lại eo hẹp, nguồn vốn ngân sách hạn chế, nên việc phân bổ sao cho hợp lý đã được chính quyền các cấp tổ chức lấy ý kiến người dân một cách công khai, minh bạch tại từng thôn bản, với sự đồng thuận của mọi người thì cho dự án được phép triển khai.

Do làm đúng nên người dân đã ủng hộ và ngay từ số tiền đầu tư ban đầu của Nhà nước đã cứu hàng ngàn hộ dân thoát cơn khát, thông qua việc cấp cho mỗi hộ một chiếc lu tích nước sạch để sử dụng vào mùa đông giá. Suốt hơn 10 năm qua những chiếc lu đó vẫn được hầu hết các hộ gia đình gìn gữ, bảo quản nên sử dụng vẫn tốt.

...Đến giải quyết tận gốc

Với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trên cơ sở minh bạch và bàn bạc thống nhất giữa cơ quan quản lý với từng hộ dân, các chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được liên kết chặt chẽ giữa 3 ngành là: Sở NN -  PTNT, Sở Y tế, Sở GD - ĐT. Việc huy động các nguồn vốn cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Bắc Kạn được triển khai nhịp nhàng.

Tính đến hết năm 2011, Bắc Kạn đã huy động được 210 tỷ đồng cho nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó ngân sách Nhà nước là 113 tỷ, sức dân đóng góp bằng tiền và nhân công lao động gần 75 tỷ đồng và các nguồn vốn khác, để xây dựng 2.463 công trình cấp nước nhỏ lẻ, 247 công trình cấp nước tự chảy tập trung và hàng nghìn chiếc lu chứa nước..., đảm bảo cung cấp nước cho 64.309 người dân nông thôn ở vùng cao, vùng sâu có đủ nước sạch sinh hoạt quanh năm, giúp cho bộ mặt nông thôn Bắc Kạn khởi sắc.

 Như vậy, từ 11% dân số nông thôn Bắc Kạn được sử dụng nước sạch thời điểm năm 1997, lên 55% vào năm 2005 và đạt 80% dân số nông thôn dùng nước sạch vào cuối năm 2011, góp phần đổi thay nếp sinh hoạt lạc hậu tại một số thôn bản vùng sâu.

Sau khi giải quyết gấp vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại thôn, bản, hộ gia đình vùng cao, từ năm 2008, các ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã dần chuyển sang việc triệt tận gốc nguyên nhân thiếu nước sạch tại cấp xã, thông qua việc lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước sạch tại từng xã từ việc phát hiện, tìm kiếm và bảo vệ các nguồn nước sạch hiện có, xây dựng phương án đưa dẫn các nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi tại từng cụm dân cư, với phương châm sử dụng tiết kiệm, khai thác triệt để và bảo vệ an toàn các nguồn nước sạch.

Bước đầu đã giải quyết dứt điểm tại các xã, theo phương thức xã nào quy hoạch xong thì ưu tiên đầu tư trước. Năm 2010 tập trung cho 3 xã Kim Lư- huyện Na Rì, xã Mai Lạp (Chợ Mới), xã Phong Huân (Chợ Đồn); năm 2011 có các xã Thượng Giáo, Quảng Khê (huyện Ba Bể), xã Cao Tân (Pác Nặm)… Cách làm cuốn chiếu này sẽ giúp cho việc giải quyết tận gốc căn nguyên thiếu nước sinh hoạt, đồng thời góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả các nguồn nước tinh khiết mà thiên nhiên đã ban tặng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.