| Hotline: 0983.970.780

"Giải cứu" hộ chăn nuôi nhỏ

Thứ Tư 07/11/2012 , 10:00 (GMT+7)

Nhiều Bộ, ngành từng phản bác đề án hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, Bộ NN-PTNT đã nỗ lực suốt 1 năm qua để thuyết phục, kết quả đã được các Bộ, ngành “xuôi lòng”.

* 6,5 triệu hộ sẽ được hỗ trợ

* Công ty CP, JAPFA cũng bán gà thải loại?

Nhiều Bộ, ngành từng phản bác đề án hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, Bộ NN-PTNT đã nỗ lực suốt 1 năm qua để thuyết phục, kết quả đã được các Bộ, ngành “xuôi lòng”.

Hiện dự thảo hỗ trợ đã được Bộ NN-PTNT xây dựng trình Chính phủ xem xét ký duyệt để chính thức thực hiện từ năm 2013. Đây có thể coi là “chiến dịch” giải cứu người chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nhất từ trước đến nay.

VÌ SINH KẾ CỦA HÀNG TRIỆU NÔNG DÂN

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngay từ năm 2011 khi người chăn nuôi trong nước rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, Bộ NN-PTNT đã đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này, trong đó có nhiều Bộ, ngành phản đối vì cho rằng chăn nuôi nhỏ lẻ không bền vững, dịch bệnh liên miên, tính cạnh tranh thấp và không đảm bảo VSATTP.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT vẫn kiên định giữ quan điểm của mình bởi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi và tác động trực tiếp tới khoảng 6,5 triệu hộ nông dân VN. Chỉ tính riêng chăn nuôi gia cầm tại hộ vẫn chiếm 70% về đầu con và 60% về sản lượng; còn đàn heo là 65% về đầu con và 57% về sản lượng. Chính vì thế mà những khó khăn chồng chất của ngành chăn nuôi, đặc biệt là trong 3 quý đầu năm 2012 đã khiến người nông dân gần như kiệt quệ.

Hội Chăn nuôi VN cũng từng tính toán ngành chăn nuôi thiệt hại tới 2.000 tỷ đồng/tháng (thời điểm tháng 6, 7, 8 và 9/2012), trong đó chủ yếu rủi ro rơi vào hàng triệu nông dân. Theo ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cả nước chỉ có trên 6.200 trang trại, còn lại toàn chăn nuôi nhỏ lẻ (số liệu riêng của Hội Chăn nuôi là 7,5 triệu hộ). Việc giảm nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ để chuyển sang quy mô lớn đang bị nhiều rào cản, như trình độ hiểu biết về công nghệ, về quản lý trang trại, về tiếp cận nguồn vốn với thủ tục phức tạp, điều kiện vay ngặt nghèo…

Xuất phát từ thực tế riêng của ngành chăn nuôi VN, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong dự thảo chính sách hỗ trợ, Bộ NN-PTNT đã quyết liệt yêu cầu nông hộ thực hiện đổi mới chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và chỉ những ai thực hiện theo đúng nguyên tắc này mới được hưởng. Các nội dung chính hướng đến cho người chăn nuôi nhỏ lẻ bao gồm hỗ trợ về lãi suất tiền vay, hỗ trợ nâng tầm vóc đàn trâu bò, nạc hóa đàn lợn, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường.


Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay vốn cho nông hộ chăn nuôi 
theo hướng an toàn sinh học

Một trong những ưu đãi quan trọng nhất là ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay vốn để hộ gia đình, cá nhân đổi mới chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, bền vững (thời gian hỗ trợ trong 5 năm). Các nông hộ cũng sẽ được hỗ trợ 1 lần mua trâu, bò đực giống với mức 8 triệu đồng/con bò lai Zebu và 10 triệu đồng/con trâu. Ai nuôi trâu bò (còn thả rông) tại các huyện miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên cũng sẽ được hỗ trợ cải tạo, xây dựng chuồng trại với mức 1 triệu đồng/hộ. Về heo, nông hộ sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/heo đực ngoại (mỗi hộ không quá 3 con). Đồng thời, để đảm bảo xử lý môi trường, hộ chăn nuôi nào xây dựng công trình khí sinh học sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình.

Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến vấn đề tiêm phòng vacxin (như tụ huyết trùng, LMLM, dịch tả, cúm gia cầm…) các nông hộ cũng được hỗ trợ một phần hoặc hoàn toàn (tại những vùng nguy cơ cao). “Đặc biệt, hàng triệu hộ chăn nuôi cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đào tạo nghề hàng năm của Chính phủ” - ông Sơn nói.

CÔNG TY LỚN CŨNG BÁN GÀ THẢI LOẠI?

Theo nguồn tin của NNVN, gà đẻ loại thải buôn bán tại chợ Hà Vỹ (Hà Nội) không chỉ có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc mà còn được cung cấp bởi hàng loạt các công ty lớn như CP Việt Nam, Japfa… và các trang trại chăn nuôi tập trung. Thông tin này đã gây bất ngờ cho người tiêu dùng, bởi hầu hết đều tưởng nhầm gà loại thải 100% có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Phải đến khi cơ quan chức vào cuộc, tìm hiểu đường đi nước bước mới “té ngửa” chợ Hà Vỹ hỗn độn đủ loại gà thải, từ biên giới phía Bắc cho đến các trang trại và các công ty “đại gia” chăn nuôi trong nước cũng… xí phần nhảy vào kinh doanh!

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, chợ Hà Vỹ hiện có 147 hộ kinh doanh, khoảng 40 - 50 tấn/ngày, lượng gà thịt chiếm khoảng 70%. Trong quá trình kiểm tra, giám sát tình hình buôn bán gia cầm mới đây, các cơ quan chức năng đã xử lý 9 vụ vi phạm, bắt giữ và tiêu hủy trên 23 tấn gà thải loại không rõ nguồn gốc, xử phạt gần 100 triệu đồng. Ông Đông cũng bức xúc cho biết, đã xảy ra nhiều vụ tập trung đông người để chống đối, ngăn các lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý gia cầm không rõ nguồn gốc; thậm chí họ còn tổ chức cướp, tẩu tán hàng bị bắt giữ.

Trong khi đó tại địa bàn kinh doanh gia cầm giống huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Cục Thú y cũng cho biết, hiện có tổng cộng 133 cơ sở ấp trứng nhưng chỉ có 72 cơ sở được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y. Theo đánh giá, lượng trứng giống cung cấp cho các cơ sở ấp nở 50% trong huyện, 20% từ các huyện khác của Hà Nội, 30% từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và không rõ nguồn gốc. Vì thế, ngành chức năng chỉ kiểm soát được khoảng 80% lượng trứng giống nhập về. Đặc biệt, việc thực hiện kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chỉ đạt khoảng 50% lượng gia cầm giống xuất ra (lý do là chỉ khi vận chuyển đi các tỉnh xa thì chủ cơ sở mới đăng ký kiểm dịch).

Trước tình hình này, ông Đông cho biết, Cục Thú y đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hệ thống trạm kiểm dịch động vật. Đồng thời hướng dẫn địa phương thành lập các chốt kiểm dịch động vật tại các tuyến giao thông chính, thành lập các đội kiểm dịch lưu động để kiểm soát triệt để các hoạt động vận chuyển động vật trái phép. “Hiện các địa phương cũng đã thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, triệt phá các đầu nậu, các điểm tập kết, thu gom gia cầm” - ông Đông nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất