| Hotline: 0983.970.780

Giải cứu người Chứt: Cuộc chiến chống… bó củi

Thứ Năm 28/05/2015 , 09:50 (GMT+7)

Người Chứt ở Rào Tre có phong tục, trai gái thấy ưng nhau, người con trai chỉ cần lên rừng đẵn bó củi khô, ban đêm mang đến để trước cổng nhà cô gái./ Nơi tuổi thọ trung bình thấp nhất nước

Chỉ cần gia đình cô gái lấy bó củi vào đun, chàng trai có thể tự do đi lại, ăn nằm như thể vợ chồng.

Đầy rẫy bi kịch

Hiếm có nơi nào mà anh em, họ hàng lại lấy nhau nhiều như ở Rào Tre. Cậu lấy cháu, con anh lấy con em, con cô, cháu cô, lấy con cậu, cháu cậu… Tất cả giống như một vòng xoáy tội lỗi, mịt mù không lối thoát.

Cuốn sổ công tác của đại úy Nguyễn Giang Nam (Trạm quân dân y Rào Tre, Đồn biên phòng Bản Giàng), ngoài một danh sách nối dài những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống còn có thêm phần phụ lục ghi chép các trường hợp có biểu hiện yêu đương cần ngăn chặn kịp thời.

"Phải tìm đủ mọi cách để ngăn cản anh em người Chứt không lấy nhau", cuối bản danh sách, Nam viết dòng chữ chẳng khác gì mệnh lệnh.

Quyết tâm có thừa, nhưng bằng cách nào? Bộ đội biên phòng cắm bản nói với tôi, bao nhiêu năm nay, họ cùng với các cấp ban ngành ở đây đã tìm đủ mọi cách chỉ để chống lại một bó củi thôi mà gian nan vô kể.

Phải. Chỉ một bó củi mà Hồ Gio có thể lấy Hồ Thị Hoa dù cha của ông Gio và mẹ của bà Hoa là anh em ruột. Hồ Hải lấy chị Hồ Tương dù Tương là cháu gọi Hải bằng cậu. Hồ Nhỏ lấy Hồ Hùng dù Nhỏ là con cậu, Hùng là con cô. Hồ Bình lấy Hồ Bốn nhưng bố Bình và bố của Bốn là hai anh em ruột...

Rồi những Hồ Cương, Hồ Văn Hà, Hồ Thị Sâm… Và còn nhiều, rất nhiều.

Hôn nhân cận huyết giống như bóng đêm bao phủ Rào Tre mà những người muốn ngăn ngừa lại ngồi ngoài sáng. Hệ lụy đau lòng cứ tiếp diễn mỗi ngày.

Đại úy Nam cùng trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Nam dẫn tôi đến gia đình vợ chồng Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Gọi là vợ chồng nhưng cũng giống như bao gia đình khác trong bản, Hà và Sâm về ở với nhau mà chả cần cưới hỏi hay đăng ký kết hôn gì.

Hà gọi bố của Sâm bằng cậu ruột. 8 năm trước, dù không biết tuổi của mình bao nhiêu, nhưng khi thấy trong bụng thinh thích, Hà lên rừng đẵn củi về đặt cổng nhà ông cậu, dạm gả đứa em gái cho mình. Họ về ở với nhau rồi đẻ một lèo 3 đứa con.

Nom qua thì cũng như những gia đình bình thường khác, duy một nỗi, 3 đứa con của Hà, đứa nào đứa nấy ốm đau quặt quẹo, suy dinh dưỡng rất nặng.

Tội nhất là đứa con gái thứ hai, 5 tuổi, tên là Hồ Thị Trang. Từ lúc sinh ra con bé đã không có bàn chân bên trái, từ phần cẳng chân trở xuống trông như chân voi, một khối u to đùng.

Còn bàn chân bên phải thì các ngón tết vào nhau, trồi lên một cục thịt thừa giống như ngón chân thứ 6.

Đau đớn nhất có lẽ là trường hợp gia đình Hồ Cương và Hồ Thị Thành. Thành gọi Cương bằng cậu ruột. Về ở với nhau sinh được 3 đứa con nhưng hai đứa mất khi vừa đẻ ra được thời gian ngắn. Đứa còn lại cũng nay ốm mai đau, không thể đến trường.

Trưởng bản Hồ Thị Nam rầu rĩ: Từ ngày xưa, khi còn ở trong rừng, do không có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nên người Chứt đã quen với việc anh em lấy nhau. Bây giờ về bản rồi nhưng vì thấp bé, ốm đau nhiều nên không lấy được người ngoài, phải lấy người trong bản.

Đại úy Nam nói thêm, trong nỗ lực ngăn chặn hôn nhân cận huyết ở Rào Tre, người ta đã thống kê cả bản hiện có 14 thanh niên. Tỉ lệ rất chênh lệch, 12 nam, 2 nữ. Đã có những phương án giải cứu tập trung vào các đối tượng tiên tiến này, nhưng thất bại.

Mấy năm trước về thăm bản Rào Tre, chứng kiến những bi kịch mà người Chứt nơi này đang phải gánh chịu, nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội đứng ra giúp đỡ bằng cách chọn một số thanh niên ưu tú của bản cho đi học.

Hồ Xuân Kham và Hồ Thị Đình Xuân là những người được chọn đi theo vị nhạc sĩ ra Hà Nội. Hồ Xuân Kham học họa, còn Hồ Thị Đình Xuân học bên âm nhạc.

Được đâu chừng 3-4 năm, cả Kham và Xuân đều đòi về. Xuân lấy lý do về học nốt cấp 3 còn Kham phải về để lấy vợ.

Thì ra, dù học hành ở xa nhưng trong bụng Kham lúc nào cũng nghĩ về đứa em gái con cậu tên là Hồ Thị Xanh. Mấy lần nghỉ tết, nghỉ hè Kham đã đặt củi ở nhà ông cậu, hai đứa ăn nằm với nhau và có thai. Kham bỏ học luôn.

Bây giờ “niềm hi vọng của bản” Rào Tre đã 2 lần làm bố. Một lần không giữ được, còn đứa bé hiện tại không biết thế nào.

Năm ngoái, GS Lê Đức Hinh từ trường Đại học Y Hà Nội vào khám bệnh ở Rào Tre, khi trông thấy đứa con trai của Kham đã nhất quyết vận động các cấp chính quyền đưa thằng bé đi mổ gấp nhưng Kham chưa chịu vì không có tiền.

Nghe kể, cũng chuyến ấy, Trường ĐH Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu về nhân trắc học đối với 35 hộ gia đình người Chứt ở Rào Tre.

Kết quả cho thấy, nguy cơ suy thoái giống nòi ngày càng lớn bởi hôn nhân cận huyết thống, trẻ con mắc nhiều bệnh tật và dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng…

Những cuộc khảo sát tiếp theo đều có chung kết luận: Rào Tre đang đứng trước nguy cơ diệt vong.


Một góc bản Rào Tre

Trăm phương nghìn kế nhưng... thiếu tiền

Đường sá đi lại chưa có, anh em bộ đội ở Trạm biên phòng cắm bản “chữa cháy” bằng cách, bất cứ lúc nào rảnh rỗi cánh bộ đội lại lấy xe máy chở thanh niên trai tráng đi sang các bản “tìm người yêu”.
Đường rừng khó khăn thì đi đường vòng. Từ Rào Tre đến vùng Ra Mai (Quảng Bình) xa gần cả trăm cây số, nhưng vì tình thế cấp bách họ vẫn cứ phải đi.

Nhất định phải tìm được cách. Từ bộ đội biên phòng đến các cấp chính quyền huyện Hương Khê đều nhận được mệnh lệnh từ cấp trên với nội dung như thế.

Sau nhiều cuộc khảo sát thực tế, phương án đầu tiên được các cấp ban ngành tính đến là mở đường.

Phải có một con đường xuyên rừng nối từ bản Rào Tre sang các bản làng vùng miền núi tỉnh Quảng Bình để người Chứt có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và kết duyên với các dân tộc khác.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Rào Tre, người đầu tiên đề xuất phương án mở đường kể, từ nhiều năm trước, trai gái người Chứt đã băng rừng hò hẹn với trai gái ở những bản làng người Rục, người Mã Liềng, người Chứt ở những vùng biên giới tỉnh Quảng Bình.

Cũng đã có người Rục bên ấy theo người Chứt về bên này và người Chứt ở Rào Tre đi về làm dâu bên ấy, nhưng họ đến với nhau âm thầm, không ai biết vì đi lại chủ yếu bằng đường rừng.

Cung đường khoảng chừng 15 km mới đến được bản kia. Nhanh thì mất một ngày, chậm phải một ngày một đêm.

Cũng được đôi ba cặp về ăn ở với nhau nhưng rồi tan đàn xẻ nghé hết vì xa xôi, vì các bản nảy sinh mâu thuẫn, trai bản chặn đường đánh nhau để bảo vệ con gái bản mình.

“Sau khi phát hiện con đường xuyên núi Kà Đay mà thanh niên các bản vẫn thường đi lại, chúng tôi đã đề xuất lên trên xin mở ngay “con đường tình yêu” để cứu người Chứt khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết.

Năm 2014, đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất tỉnh Hà Tĩnh lập dự án trình Chính phủ xin mở đường nối bản Rào Tre sang Quảng Bình để thanh niên giao lưu, tìm hiểu đi đến hôn nhân nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng.

Hình như thiếu vốn. Rào Tre vẫn nguyên trạng một thung lũng khép kín, không có lối đi lại tìm hiểu, giao lưu”, trung tá Dương Thanh Tịnh phàn nàn.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm