| Hotline: 0983.970.780

Giai điệu dạt dào sóng vỗ

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Nằm cong cong như hình chữ S dọc biển Đông, đất nước và con người Việt Nam gắn liền với những bãi cát vàng và những con sóng ngàn năm hát ru những con thuyền ra khơi.

Nằm cong cong như hình chữ S dọc biển Đông, đất nước và con người Việt Nam gắn liền với những bãi cát vàng và những con sóng ngàn năm hát ru những con thuyền ra khơi.

Biển trở thành một phần không thể thiếu vắng trong đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta. Thiên nhiên và tổ tiên trao biển cho chúng ta, và chúng ta từng ngày học cách yêu thương biển, ngợi ca biển. Như một nét đẹp trong tâm hồn, chúng ta hát về biển dù biển đang bình yên hay biển đang giông tố!

Nền tân nhạc Việt Nam hình thành ngót nghét 100 năm. Một thế kỷ nhiều biến cố cam go, mất mát, chia ly và trùng phùng, chúng ta vẫn kiêu hãnh hướng về biển bằng những giai điệu khác nhau. Dẫu không có ý định tổng kết, nhưng thử đôi lần ngồi xuống lắng nghe những âm thanh hòa cùng tiếng sóng để hiểu thêm rằng, biển đã trở thành một phần không thể tách rời trong chúng ta!


“Vẽ sóng”, tác phẩm của Vũ Anh Tuấn

Từ  những bài dân ca kéo lưới đồng hành cùng ngư dân, âm nhạc Việt Nam nảy nở những ca khúc viết về biển. Gương mặt tiên phong của âm nhạc cách mạng – Đỗ Nhuận có thể xem như người đầu tiên đưa cảm hứng biển lên ngang tầm cảm hứng dân tộc.

Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” vẫn còn nguyên giá trị mỹ cảm: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/ Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/ Vút phi lao gió thổi bên bờ/ Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi/ Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời”.

 Cũng trên mạch nguồn sáng tạo như Đỗ Nhuận, ca khúc “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ sử dụng nhiều tiết tấu dồn dập hơn phản ánh cái đẹp rộn ràng và mê đắm của biển cả. Ca khúc “Xa khơi” gắn liền với tên tuổi ca sĩ Tân Nhân, mà nhiều ca sĩ thế hệ sau vẫn chưa theo kịp sức lay động khi hát: “Ôi mênh mông sóng xô đưa thuyền ta xa bờ/Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ/ Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền/ Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi bờ”.

Xếp sau “Việt Nam quê hương tôi” và “Xa khơi”  được xem như tiêu biểu nhất khơi gợi tình yêu biển của người Việt, phải kể đến bốn ca khúc có  khả năng bổ sung cho nhau, bồi đắp cho nhau, đó là “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng, “Sao biển” của Phạm Minh Tuấn, “Bài thơ biển”  của Văn Thành Nho và “Hò biển” của Nguyễn Cường.

Tuy nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng thì công chúng nhớ ngay “Hoa sữa”, nhưng “Biển hát chiều nay”  lại chứng minh được sự vạm vỡ trong dòng ca khúc của Hồng Đăng: “Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/ Chân trời vẫn xanh, màu nắng vẫn ngọt ngào… Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sau dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.

Cũng chọn không gian rộng lớn như Hồng Đăng, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn viết “Sao biển” để kiếm tìm sự kết nối giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và tương lai: “Tôi yêu biển, và tôi yêu em/ Một mái chèo rẽ sóng trong đêm/ Một con tàu mang khát vọng trong tim/ Về quê hương, về quê hương thuở còn bom đạn/ Một tấm lòng đẹp ánh trăng soi/ Một con người tung lưới ngang trời/ Về quê hương, về quê hương hôm nay và mai sau”.

Còn nhạc sĩ Văn Thành Nho viết “Bài thơ biển” được ca sĩ Hồng Nhung thu âm lần đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói VN năm 1985 để sẻ chia sự chan hòa giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu biển cả: “Sóng ru bao lời của mẹ, để anh vượt qua bão tố/ Những khi yên trời biển lặng, sóng gọi kìa em nghe chăng/ Thương ai như trời với biển, trông ai chân trời góc biển/ Dạt dào con sóng vỗ, bồi hồi con sóng vỗ…”.

Chọn góc nhìn hẹp hơn, nhạc sĩ Nguyễn Cường dùng chất liệu âm nhạc dân gian để mô tả nhịp sống vùng biển Hạ Long: “ Hò ơ...Mênh mông triều lên/ Hò ơ...Bên này biển bạc, bên kia than vàng/ Hò hơ...Đẩy thuyền ta ra khơi cá về nặng lưới/ Hò ơ...Thuyền nghe biển gọi, nghe bến đợi chờ”.

 Những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng biển Hải Phòng như  một cửa ngõ quan trọng nhất của Việt Nam. Nơi đây, không khí vừa lao động vừa chiến đấu đã kích hoạt nhiều giai điệu say sưa ra đời. Nếu như nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có ca khúc “Chiều trên bến cảng” nồng nàn thương nhớ:  “Một chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng/ Ta gần nhau hơn sau bao ngày xa cách/ Qua mỗi chuyến đi xa, lại thấy yêu quê mình đất cảng/ Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con tàu và nhà máy mà ta yêu, mà ta quý/ Nghe đất nước đang gọi mình đi theo cánh chim của đồng quê”, thì nhạc sĩ Hồ Bắc có ca khúc “Bến cảng quê hương tôi” rạo rực dựng xây: “Ơi cô gái lái xe trên cảng, xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương/ Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép, như dũng sĩ biển Đông vai sắt chân đồng/ Cảng thân yêu ơi, miền quê hương ta ơi/ Tổ quốc đã cho ta cuộc đời hôm nay, và sức sống tin yêu vì một ngày mai”.

Cũng phải nói thêm, Hải Phòng cũng là nơi đầu tiên mà âm nhạc viết trực diện về biển và viết trực diện về đảo. Riêng huyện đảo Bạch Long Vỹ có diện tích khoảng 2,5 km2 khi thủy triều lên và có diện tích khoảng 4 km2 khi thủy triều xuống đã có quyền tự hào về hai bài hát nổi tiếng: “Bạch Long Vỹ đảo quê hương”  của Hoàng Vân và “Bài ca trên đảo Bạch Long Vỹ” của Vũ Ngọc Quang.

Và  khi đã đề cập đến biển và đảo, thì  không thể quên hình ảnh người lính ngày đêm canh giữ biên giới ngoài khơi của Tổ quốc. Trong ba năm mặc áo bộ đội hải quân, nhà thơ  thần đồng Trần Đăng Khoa có khá nhiều tác phẩm hay về biển đảo và lính đảo. Riêng bài thơ “Chút thơ tình lính biển”  của Trần Đăng Khoa đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành ca khúc cùng tên: “Khi chia tay anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên/ Biển ồn ào, em lại dịu êm/ Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía/ Biển một bên và em một bên… Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/ Anh đứng gác trời khuya đảo vắng/ Biển một bên và em một bên”.

Không hoa mỹ như “Chút thơ tình lính biển”, ca khúc “Đàn ghi ta một dây” của nhạc sĩ Minh Quang chinh phục công chúng ở tính chân thật về sự chịu đựng và sự lạc quan của những người lính bám trụ đầu sóng ngọn gió: “Chỉ lính đảo xa mới có cây đàn guitar một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát với đàn guitar một dây/ Gió, trăm ngàn cơn gió mới hát được một lời/ Sóng, trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ/ Mà đàn guitar một dây của lính đảo xa chúng tôi cứ hát mãi/ Hát cho hoàng hôn xuống, hát cho mặt trời lên”.

Chính vì sinh ra và lớn lên bên bờ biển dài hơn 3.000 km mà mỗi vui buồn của người Việt Nam đều có những liên hệ mật thiết nhất định với biển. Trong ca khúc, nhiều lúc biển như cơn cớ của tình yêu, hò hẹn và giận hờn. Đứng kế bản tình ca quen thuộc “Thuyền và biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh, là cả danh sách dài những ca khúc như “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn, “Biển khát” của Trương Ngọc Ninh, “Biển cạn” của Kim Tuấn, “Bên em là biển rộng” của Bảo Chấn, “Phố biển” của Thanh Tùng, “Biển, nỗi nhớ và em” của Phú Quang – Hữu Thỉnh…

Thế nhưng, cao hơn tình yêu nam nữ, biển được nhạc sĩ Y Vân ví như “Lòng mẹ” độ lượng ôm ấp và vỗ về: “ Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/ Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào/ Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào/ Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu”.

Với tâm thế hướng ra biển Đông, người Việt càng ngày càng nâng cao ý thức gìn giữ biển đảo quê hương. Quần đảo Hoàng Sa và quần  đảo Trường Sa luôn bùng lên những khát khao cộng đồng thiêng liêng.

Nhạc sĩ Hình Phước Liên viết “Gần lắm Trường Sa” nhẹ nhàng và sâu lắng: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng: Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô/ Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật”.

 Còn nhạc sĩ Đoàn Bổng viết “Khúc quân ca Trường Sa” bằng nhịp điệu hào hùng:  “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ, ta vẫn vượt qua”.

Thời gian gần đây, biển Đông chịu nhiều thử  thách. Biển đảo trở thành mối bận tâm của mọi giới, mọi ngành trong xã hội. Nhiều cuộc vận  động sáng tác về biển đảo đã được tổ  chức, thu hút nhiều nhạc sĩ tham gia. Có vài sáng tác mới đã dần dần tiếp cận khán giả như “Tổ quốc nhìn từ biển” hoặc “Tổ  quốc gọi tên mình”.

Tuy nhiên, biển mênh mông thế, muốn viết về biển một cách thuyết phục có lẽ  phải cần sự bồi đắp liên tục và bền bỉ. Bởi lẽ dạt dào sóng vỗ làm sao kết tinh thành giai điệu, cũng tùy duyên mỗi người.

Nhạc sĩ  Thế Song có ca khúc “Nơi đảo xa”  đã rất quen thuộc mấy chục năm qua: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua/ Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi” từng tâm sự rằng: “Tôi viết bài hát này xuất phát từ những tình cảm mộc mạc của những người lính đảo, và cả tình yêu của họ với biển đảo thân yêu. Bây giờ có đơn đặt hàng, có viết tiếp nữa cũng sẽ không thể viết được bài nào hay như bài này, mặc dù mình đã trải nghiệm nhiều hơn!”.

Sài Gòn, 8/2012

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm