| Hotline: 0983.970.780

Giải mã khủng hoảng Qatar và 'phần còn lại của thế giới Ả rập'

Thứ Hai 12/06/2017 , 14:30 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước trong khối Ả rập nổ ra đầy bất ngờ và leo thang rất nhanh. Các mối quan hệ đan xen giữa các bên là rất phức tạp và không dễ giải mã.

Có vẻ như cuộc phong tỏa chống lại quốc gia giàu có nhất thế giới là một chiến dịch được Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Mỹ tính toán kỹ lưỡng, theo chuyên gia.

10-04-15_170606113004-02-qtr-diplomtic-crisis-0606-exlrge-169
Hành khách của các chuyến bay bị hủy bỏ vạ vật tại sân bay Hamad, Doha, Qatar (CNN/Inquirer)

Nhà báo Shannon Ebrahim, Trưởng ban Quốc tế của Hãng Thông tấn Independent Media (Nam Phi) cho rằng Qatar, nước giàu nhất thế giới tính theo thu nhập đầu người, đã bị biến thành “ác quỷ” trong mắt một số quốc gia. Liên minh do Ả rập Xe út đứng đầu đã phong tỏa đường hàng không, đường bộ và đường biển dẫn tới Qatar.
 

Con cừu đen

Ả rập Xê út, UAE, Bharain, Ai Cập và Yemen và một số nước khác đồng loạt hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Qatar, yêu cầu công dân Qatar trên đất nước họ phải hồi hương trong vòng 14 ngày. Lý do chính được đưa ra: Qatar bị cho là nhà tài trợ cho một số tổ chức bị các nước nói trên xếp vào hàng khủng bố. Nhưng theo Ebrahim, lý do thực sự không phải thế mà liên quan nhiều đến việc gây sức ép để Doha thay đổi vị thế ngoại giao độc lập.

Chính sách ngoại giao của Qatar được xem là một đe dọa đến các chính thể quân chủ ở Vùng Vịnh, Ebrahim phân tích. Nước này không chỉ có quan hệ tốt với Iran, quốc gia được coi là kẻ thù của các chính thể ở Vùng Vịnh theo dòng hồi giáo Sunni, mà còn tham gia mở rộng nhân quyền ở khu vực Trung Đông có truyền thống áp dụng luật pháp “từ dưới lên trên”.

Một trong những mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với các chính thể quân chủ ở Vùng Vịnh là tổ chức Anh em Hồi giáo ngày càng gia tăng uy danh. Đây được coi là một trong các tổ chức dân sự lớn nhất trong thế giới Hồi giáo.

Trong khi Qatar từ lâu hỗ trợ Anh em Hồi giáo, các hoàng triều ở Vùng Vịnh đã cấm tổ chức này hoạt động và có những nỗ lực xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Anh em Hồi giáo.

Các chính thể quân chủ ở Vùng Vịnh không thể nhân nhượng với những kẻ mà họ cho là “hoạt động vô tổ chức”, vào thời điểm nhiều thành viên của Anh em Hồi giáo có quan hệ với các tộc người thiểu số Hồi giáo Shia (ở Bharain là 60%) và ngày càng thường xuyên kêu gọi người ở các nước Vùng Vịnh xuống đường đòi dân chủ. Qatar cũng bị cáo buộc hỗ trợ các dân quân Shia ở đông Ả rập Xê út và Bahrain.

Để duy trì vị thế kiểm soát quyền lực, các gia đình hoàng tộc ở Vùng Vịnh cần, hoặc kìm giữ các nhà lãnh đạo của Qatar, hoặc thúc đẩy một cuộc thay đổi chế độ.

Kế hoạch A là “vẽ móng vuốt ác quỷ” lên chân dung các lãnh đạo Qatar, biến họ thành các nhà tài trợ cho khủng bố, làm chao đảo nền kinh tế nước này trừ phi “con cừu đen” chịu đi theo bầy cừu toàn màu lông trắng, tức là tuân theo “ý chí tập thể”. Các đòi hỏi của thế giới Ả rập thực ra ít có liên quan đến khủng bố, mà được thiết kế để làm giảm ảnh hưởng của Qatar đối với khu vực.
 

Chống khủng bố chỉ là cái cớ

Một trong các đòi hỏi của thế giới Ả rập là đóng cửa đài truyền hình danh tiếng Al Jazeera của Qatar. Đài này vốn được coi là công cụ ngoại giao của các tiểu vương Qatar. Nhưng ít ai chứng minh được các bài báo hay phóng sự truyền hình của Al Jazeera hỗ trợ mạng lưới khủng bố. Nhưng Ả rập Xê út vẫn chặn sóng của đài Al Jazeera, đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới với Qatar. 40% lương thực, thực phẩm của Qatar được nhập khẩu từ Ả rập Xê út, nhưng Iran đã hứa sẽ bổ khuyết khoản thiếu hụt.

Một đòi hỏi khác từ các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) là trục xuất lãnh đạo chính trị của tổ chức Hamas khỏi Doha. Nhưng theo hãng tin Independent Media, các lãnh đạo Hamas đã lặng lẽ rời khỏi Qatar từ đầu tuần trước, đích đến là Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Lebanon, khi nhận thấy tình hình trở nên căng thẳng với các vị chủ nhà.

Nếu kế hoạch A thất bại, còn đó kế hoạch B: thay đổi chế độ lãnh đạo ở Qatar. Nhận định này có lý, nếu căn cứ vào tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Quan hệ ngoại giao Ả rập Xê út-Mỹ. Ông Salman al-Ansari viết trên trang nhắn tin Twitter: "Gửi các tiểu vương Qatar, liên quan đến sự liên kết của các người với chính phủ Iran cực đoan và việc các ngươi phong tỏa hai ngôi đền thiêng của người Hồi giáo, ta muốn nhắc các người rằng Mohammed Mursi (cựu Tổng thống Ai Cập) đã làm y như vậy và bị lật đổ, tống vào ngục”.

Tính đến nay, quốc gia thuộc khu vực Vùng Vịnh chưa tham gia “bản đồng ca” kết tội chính quyền Qatar là Kuwait. Nước này đang cố gắng làm trung gian hòa giải cuộc đối đầu đang làm chia rẽ tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng vịnh. Trong lịch sử, Kuwait có vị thế khác biệt so với các đồng minh trong vùng khi là quốc gia đầu tiên có quốc hội, thường xuyên tổ chức bầu cử và là một xã hội cởi mở và khoan dung hơn.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.