| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp căn cơ SX vải thiều

Thứ Hai 07/07/2014 , 08:14 (GMT+7)

Theo Bộ Công thương, dự kiến năm 2014 tổng sản lượng vải thiều của cả nước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 13,6% so với niên vụ 2013.

Việc tiêu thụ tuy có gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung vẫn thuận lợi. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa đạt trên 60% sản lượng.

Bằng sự nỗ lực của các địa phương vùng trồng vải và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, năm nay cả nước đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam đã được thưởng thức vải thiều. Thị trường XK vải tươi chủ yếu qua các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia... (khoảng 40% tổng lượng XK), trong đó lượng XK sang Trung Quốc trên 90%.

Các sản phẩm chế biến cũng là những mặt hàng cạnh tranh như vải sấy khô, nước ép quả, vải đông lạnh, vải đóng hộp (khoảng 15% tổng lượng XK) được xuất sang các thị trường xa và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, EU...

Tuy nhiên, do cơ cấu giống vải còn nghèo nàn, bố trí chưa hợp lý, phần lớn diện tích trồng chủ yếu bằng giống vải thiều Thanh Hà, chiếm trên 95% là giống chính vụ, chín tập trung từ tháng 6 - 7 (là các tháng nóng nhất, có nhiệt độ cao nhất trong năm) nên chín nhanh, chín đồng loạt, có thời gian thu hoạch ngắn (20 - 25 ngày) gây trở ngại rất lớn cho việc thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà nhiều năm người trồng vải đã phải chịu thiệt thòi, thua lỗ nặng, thậm chí phải ngậm ngùi chặt bỏ loại “cây bạc, cây vàng” để trồng các loại cây khác vì tình trạng “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại.

Vào mùa thu hoạch hằng năm các nhà khoa học, cán bộ quản lý đã tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, bàn bạc, liên doanh, liên kết nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ vải tươi nhưng xem ra hiệu quả chưa được cao và thiếu tính bền vững. Để làm được điều này cần có một chiến lược, chính sách căn cơ và đồng bộ. Trong phạm vi bài viết ngắn xin đề xuất một số giải pháp:

Xây dựng vùng quy hoạch ổn định

Căn cứ các yêu cầu sinh lý, sinh thái của cây vải, điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác và kinh nghiệm trồng vải lâu đời của nông dân, các thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận, bảo hộ để quy hoạch tổng thể, chi tiết về quy mô diện tích, sản lượng, cơ cấu giống, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến đồng bộ ổn định lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và XK.

Các vùng trồng tập trung theo hướng SX hàng hóa vẫn giữ nguyên quy hoạch chủ yếu ở 3 tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh với tổng diện tích từ 90.000 - 100.000 ha như hiện nay để có điều kiện cải tạo, thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng vải quả. Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có thể bố trí trồng thêm một số diện tích nhỏ trong cơ cấu các giống cây ăn quả của địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm.

Bố trí lại cơ cấu giống

Cần tăng cường đầu tư cho các NM chế biến góp phần giải quyết khâu tiêu thụ vải tươi một cách nhanh nhất, xây dựng thêm các nhà máy bảo quản, đóng gói, chế biến mới tại các vùng trồng vải có diện tích, sản lượng lớn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thu mua vải tươi để sấy khô vào những thời kỳ vải “được mùa, rớt giá” làm mặt hàng dự trữ XK vừa hạn chế tổn thất, vừa giúp người trồng vải đỡ thiệt thòi.

Với mục tiêu rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người trồng vải, bằng các biện pháp chọn lọc tự nhiên kết hợp xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm so sánh trong nhiều năm liền, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với địa phương chọn tạo thành công nhiều giống vải thiều chín sớm, có thời gian thu hoạch sớm hơn giống vải thiều chính vụ như Hùng Long (sớm hơn 15 ngày), Bình Khê (sớm hơn 20 - 25 ngày), Yên Hưng, Yên Phú (15 - 18 ngày), Phúc Hòa (20 - 22 ngày)...

Đây là các giống vải có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, mã quả đẹp được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia, cho phép đưa vào SX đại trà. Ngoài các giống vải chín sớm đã được công nhận nói trên, nhiều địa phương trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh còn trồng thêm các giống vải chín sớm khác như U hồng, U trứng, U thâm, lai Thanh Hà... cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Để chứng minh cho tính hiệu quả của việc trồng xen các giống vải sớm, chúng tôi lên Lục Ngạn, thủ phủ vải thiều Bắc Giang. Toàn huyện hiện có 1.750 ha trồng các giống vải chín sớm như U hồng, U trứng, U thâm, lai Thanh Hà, Bình Khê, Hùng Long... ở các xã Tân Mộc, Quý Sơn, Mỹ An và Phượng Sơn cho sản lượng khoảng 7.000 tấn, tương đương năm 2013. Các xã đã tiêu thụ hết với giá bán khá cao, đạt từ 15.000 - 29.000 đ/kg, tùy loại và chất lượng quả.

Viện Nghiên cứu rau quả đã phối hợp với các địa phương tuyển chọn, khảo nghiệm và chuyển giao cho SX nhiều giống vải chín sớm nhằm rải vụ thu hoạch.
Trong những năm tới viện tập trung nghiên cứu, tuyển chọn để đưa ra một số giống vải chín muộn bổ sung vào cơ cấu giống cho SX đại trà. Cụ thể phục vụ SX 10 - 15% giống chín sớm, 70 - 75% giống chính vụ, 10 - 15% giống chín muộn để có thời gian thu hoạch vải từ 40 - 60 ngày.

Chúng tôi sang huyện Tân Yên, ông Trần Đức Hạnh, Phó Chủ tịch xã Phúc Hòa, nơi có trên 70% diện tích vải sớm của huyện cho biết, sản lượng vải năm nay ước đạt trên 6.000 tấn, trong đó vải sớm 3.200 tấn, chủ yếu là giống Phúc Hòa. Loại vải đầu vụ quả to, mã đẹp, bán được từ 28.000 - 30.000 đ/kg, sau đó giảm dần những vẫn cao hơn giá vải chính vụ, đạt bình quân 13.000 -15.000 đ/kg.

Việc trồng bổ sung các giống vải có thời gian chín lệch với giống vải chín chính vụ hiện nay (giống chín sớm, chín muộn), rải vụ kéo dài thời gian thu hoạch đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Theo GS.TS Trần Thế Tục, giống vải Yên Phú nên phát triển ở các chân đất vườn tại đồng bằng sông Hồng thích hợp với khí hậu vùng thấp; giống Bình Khê thích hợp cả vùng đồng bằng và trung du, có thể trồng cả trên đất lúa nhưng phải đắp ụ để tránh mực nước ngầm và úng ngập dễ gây thối rễ; các giống Yên Hưng, Hùng Long, Phúc Hòa có khả năng chịu hạn tốt, ít bị tác động bởi thời tiết bất thuận, hầu như không bị mất mùa nên có thể phát triển tốt ở các tỉnh trung du và miền núi.

Có thể trồng mới bằng cây giống được nhân ươm theo tỷ lệ cơ cấu giống hoặc đốn, ghép cải tạo lại những vườn vải chính vụ lâu năm, già cỗi bằng các giống chín sớm, chín muộn để kéo dài thời gian thu hoạch; đồng thời tiết kiệm được chi phí và thời gian chăm sóc so với trồng mới ngay từ đầu.

Áp dụng VietGAP

Theo Sở KH-CN Hải Dương, năm nay huyện Thanh Hà có 100 hộ gia đình đầu tiên trong tổng số 361 hộ tham gia SX vải theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận. Nhiều hộ cho hay, vải VietGAP quả to, đều, mẫu mã đẹp, ăn ngon, dễ bán, chủ yếu dùng để bán vào các tỉnh miền Nam và XK quả tươi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... với giá bán từ 15.000 - 16.000 đ/kg, cao hơn vải thường từ 2.500 - 3.000 đ/kg.

Năm 2014 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có diện tích trồng vải theo quy trình VietGAP lớn nhất nước với 8.500/16.000 ha vải thiều. Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Trại 3, xã Quý Sơn tâm sự: “SX theo quy trình VietGAP tốn nhiều công sức hơn, khâu tỉa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu… đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, áp dụng VietGAP sản lượng vải tăng lên khoảng 10 -20%, chất lượng quả rất tốt, không bị bệnh sâu đục cuống. Đặc biệt là giá bán thường cao hơn vải SX thông thường. Nhà tôi có vườn vải VietGAP 3 tuổi, thu được 10 tấn, bán với giá bình quân 20.000 đ/kg, thu nhập từ gấp rưỡi đến gấp 2 so với trước đây”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm