| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cho những nông dân U50- U80: Người mua máy cấy già nhất Hà Nội

Thứ Năm 13/07/2017 , 08:01 (GMT+7)

Nếu ở HTX Vĩnh Ninh (Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) có “lão tướng” Giám đốc Nguyễn Phạm Loạn trên 70 tuổi dám vác sổ đỏ của nhà đi thế chấp ngân hàng mua máy cấy thì ở xã Tri Thủy ,huyện Phú Xuyên có lão nông Nguyễn Quốc Xế 76 tuổi dám mang hết tiền dưỡng già đi mua máy cấy.

Đời làm nông bới đất, lật cỏ cực nhọc kiếm ăn nên ông chỉ mong sao có một cái máy như thế lúc về già. Khi bày tỏ ý định này với người thân trong gia đình, thương ông tuổi cao, sức yếu, mắt kém, chân chậm nên con cháu hết mực ngăn cản, rất quyết liệt: “Bố già rồi đưa máy về làm mà không thành công thì cả làng cười chê”.

Ông Nguyễn Quốc Xế - người già nhất Thủ đô còn mua máy cấy để làm dịch vụ.

Để thuyết phục chúng, ông dẫn đám con trai, con rể, cháu nội, cháu ngoại sang xã bên để xem cái máy cấy mồm ngang, mũi dọc nó thế nào, hoạt động hiệu quả vượt trội hơn cấy tay truyền thống ra sao. Xem xét xong xuôi rồi chúng mới chấp nhận cho ông đem hơn 100 triệu đồng tiền dưỡng già để mua chiếc máy cấy 4 hàng đầu tiên trong vùng về làm dịch vụ cho bà con. Đó là năm 2012.

Lúc đầu bởi chưa quen nên ít người dám đem ruộng cho ông già ngót 80 tuổi làm thí nghiệm nên chỉ cấy được dăm bảy mẫu. Dần dà, chính những người chê bai máy cấy hết lời lại trở thành kẻ... nghiện máy vì nó quá nhàn hạ. Đông người đăng ký quá nên bốn bố con ông Xế phải xoay trần ra làm đủ hết các công đoạn từ gieo mạ khay đến cấy máy, mỗi vụ làm dịch vụ đến 40 mẫu.

Tính tất tật, trừ chi phí nhà ông cũng lãi được 50 triệu- đó là số tiền đáng mơ ước đối với những người trồng lúa bởi giá loại nông sản này rất rẻ. Vụ vừa rồi ruộng tập thể còn 2 mẫu không ai thầu, có nguy cơ bỏ hoang, ông Xế tiếc của nên nhận về nốt, nâng tổng số ruộng có trong tay thành ra 8 mẫu.

Trò chuyện cùng tôi, ông bảo, cái máy cấy 6 hàng này nó bảo vệ sức khỏe con người tốt hơn hẳn cái máy cấy 4 hàng thủa trước vì người được ngồi lên trên chứ không phải đi theo nó lẽo đẽo trong nắng lửa cũng như lúc rét căm căm. Ông chỉ tiếc rằng sức khỏe hiện thời khá yếu chứ không cũng muốn mở rộng sản xuất ra hơn nữa chứ không cam chịu cấy dịch vụ 40 mẫu, cấy của nhà 8 mẫu như hiện nay.

Ông Lê Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội nhận định, tuy cơ giới hóa đồng bộ là chủ trương lớn của thành phố nhưng nó đi vào cuộc sống khá chậm vì thủ tục hỗ trợ vay vốn còn rườm rà: “Cơ giới hóa đồng bộ giúp giảm thiểu được sức lao động nặng nhọc của nhà nông, đến như cụ Loạn, cụ Xế đều đã ngót nghét 80 tuổi cả rồi mà vẫn còn làm nông, vẫn còn mê máy móc thì những người khác không có gì là không làm được".

Cơ giới hóa đồng bộ tốt cho sản xuất lúa vì đầu tư thấp hơn mà lại cho năng suất cao hơn nên có thể tiết kiệm được nhân công, vật tư, tăng lãi thêm được 35%. Không chỉ tăng lãi cho người trồng lúa mà cơ giới hóa đồng bộ còn giúp củng cố cho hệ thống HTX nông nghiệp toàn xã vốn khá yếu ớt.

12-13-01_dsc_8924
Thử nghiệm máy bón phân ở HTX Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì.

Nếu như trước đây có nhiều sự ngờ vực về sự tồn tại hay không tồn tại của các HTX nông nghiệp toàn xã thì nay HTX làm dịch vụ cơ giới hóa, có ích cho bà con lại có thể hoàn toàn nuôi sống được chính bộ máy của mình. Dựa vào cách thức tổ chức dịch vụ tốt, Chủ nhiệm tiến lên thành Giám đốc, HTX kiểu cũ tiến lên thành HTX kiểu mới theo đúng luật là điều hoàn toàn có thể đạt được.

Cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy cho cơ giới hóa đồng bộ vì tỷ lệ đạt được vẫn còn khá thấp ở nhiều công đoạn. Nổi tiếng như như HTX Vĩnh Ninh của xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì mà cơ giới hóa chỉ có một số công đoạn đạt cao, cụ thể như làm đất đạt 100%, gặt đạt 100% còn cấy máy mới chỉ đạt 15-20%.

Vẫn còn nhiều công đoạn cần đến bàn tay người như chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu. Đó lại toàn là những công đoạn mà con người phải tiếp xúc với hóa chất hay chất độc nên rất cần thay thế bằng máy. “Đất diễn” vẫn còn nhiều nên sắp tới Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội- đơn vị sẽ cung ứng các bình phun thuốc trừ sâu công nghiệp hay các máy rải phân ra thị trường.

 

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất