| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp đánh bắt và XK cá ngừ bền vững?

Thứ Ba 02/07/2013 , 10:02 (GMT+7)

Muốn nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển bền vững, cần phải thâm nhập được vào thị trường các nước châu Âu và Nhật Bản.

Hiện nay, cá ngừ đại dương của ta chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là thị trường không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về giá cả. Muốn nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển bền vững, cần phải thâm nhập được vào thị trường các nước châu Âu và Nhật Bản.

Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu cá ngừ đại dương các nước châu Âu và Nhật Bản là những thị trường cực kỳ khó tính. Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, kể lại: “Mới đây, UBND tỉnh Bình Định tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản. Trong chuyến này, chúng tôi giới thiệu đến các nhà nhập khẩu thủy sản bên ấy sản phẩm cá ngừ đại dương. Nhận được sự đồng thuận, sau khi về nước chúng tôi tuyển mua 3 con cá ngừ đạt tiêu chuẩn cao nhất, gửi ngay sang bên ấy bằng đường máy bay. Thế nhưng họ chỉ chấm “được” có 1 con, 2 con kia bị loại do chất lượng không đạt chuẩn”.


Ngư dân Bình Định sơ chế cá ngừ trước khi tiêu thụ

Bà Thi cho biết thêm, không chỉ yêu cầu phải đảm bảo về chất lượng, nếu sản phẩm cá ngừ của ta được cấp chứng nhận sinh thái cho nghề khai thác thủy sản của Hội đồng Biển Quốc tế (MSC) thì thị trường nhập khẩu của các nước nói trên mới mở rộng vòng tay chào đón. Theo bà Thi, để được cấp chứng nhận này, nghề khai thác cá ngừ phải thực hiện theo quy trình đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân thông qua quản lý bền vững nguồn lợi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.

Trên thực tế, trong mấy năm vừa qua, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương phát triển rất mạnh, nhất là tại 3 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, với khoảng 2.200 tàu (chưa kể những tàu đánh bắt kết hợp). Trong đó làm nghề câu vàng 700 chiếc, làm nghề câu tay 1.500 chiếc. Lực lượng tàu đánh bắt cá ngừ đều có công suất từ 90 CV trở lên và hiện đang dần dần hiện đại hóa công nghệ. Song vẫn còn quá nhỏ và không có trang bị tốt theo đúng tiêu chuẩn của tàu thuyền đang đánh bắt tại vùng biển Trung Tây Thái Bình Dương. Tàu cá khai thác cá ngừ của ta tuy đã được cấp phép nhưng mới chỉ ở cấp tỉnh, chưa có cơ chế quản lý theo cấp quốc gia, ví như quản lý về cường lực, hạn chế khai thác…Thêm vào đó, trong hơn 2 năm gần đây, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương chuyển mạnh từ nghề câu vàng sang câu tay, 1 phương pháp đánh bắt có nguy cơ làm suy giảm nguồn lợi đáng kể.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết thêm: “Nếu nghề câu vàng mỗi năm nghỉ khai thác 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 9 thì nghề câu tay khai thác quanh năm. Đặc biệt, trong năm 2012, cá khai thác trong tháng 4 hầu hết là cá đang mang trứng và cá khai thác trong tháng 7 phần nhiều có kích cỡ dưới mức thương phẩm (dưới 30kg/con). Trước cường lực khai thác tăng gấp 3 lần như hiện nay của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi. Đây là một trong những vấn đề cần khắc phục trong tiến trình đưa sản phẩm cá ngừ đại dương đến với chứng chỉ MSC”.

Để từng bước đưa cá ngừ VN hội nhập thị trường quốc tế thông qua chứng chỉ MSC, ngành Thủy sản VN đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho nghề cá thực hiện trong thời gian đến. Trước mắt, sẽ thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu nghề cá ngừ để cung cấp dữ liệu khoa học cho các giải pháp quản lý nghề cá ngừ. Sửa đổi khung pháp lý như Luật Thủy sản, các nghị định để cung cấp giải pháp quản lý mạnh mẽ hơn. Tăng cường năng lực quản lý cán bộ thủy sản, tuyên truyền phổ biến luật pháp và khung chính sách theo quan điểm quản lý nghề cá ngừ cho ngư dân để họ hiểu và tuân thủ. Cải thiện chất lượng các cảng cá để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và VSATTP. Về lâu về dài, ngành Thủy sản VN sẽ thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá để ngăn chặn và loại bỏ hình thức khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Quản lý hiệu quả, bền vững và bảo đảm khả năng truy xuất điện tử các sản phẩm nghề cá ngừ…

Tại Hội thảo “Hợp tác để cải thiện nghề câu vàng và câu tay cá ngừ VN” được tổ chức tại Khánh Hòa vào tháng 9/2012 và tại Hội nghị “Bàn giải pháp tổ chức lại SX trong khai thác cá ngừ” được tổ chức tại Phú Yên vào ngày 21/6, nhiều DN chuyên thu mua cá ngừ đại dương và ngư dân thắc mắc: “Chứng chỉ MSC sẽ mang lại cho chúng tôi lợi ích gì?”. “Chứng chỉ MSC như là giấy thông hành đưa cá ngừ VN thong dong đi vào thị trường các nước châu Âu và Nhật Bản, đây là những thị trường ổn định và cá ngừ sẽ được bán giá cao hơn”, những nhà chuyên môn khẳng định.

“Trước nay ngư dân chỉ lo việc ra khơi đánh bắt rồi về bờ bán sản phẩm cho các chủ nậu chứ không nghĩ chuyện xa hơn. Trước tình hình giá cá ngừ ngày càng tuột thấp, những chuyến biển luôn bị lỗ tổn, đã đến lúc chính những người trực tiếp đánh bắt trên ngoài biển phải tính đến chuyện tuân thủ quy trình khai thác để mang lại sự bền vững cho nghề của mình”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng chi cục KT-BVNLTS Bình Định, nói.

“Bộ NN-PTNT đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về khai thác cá ngừ đại dương để làm tiền đề tiến tới chứng chỉ MSC. Trước mắt, ngành thủy sản sẽ tổ chức lại SX đối với nghề này gắn khai thác với chế biến và tiêu thụ, nhất là tăng cường khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác để đủ tiêu chuẩn chất lượng thâm nhập các thị trường XK ổn định”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank bổ sung 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế

Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.