| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa

Thứ Tư 06/05/2015 , 09:19 (GMT+7)

Đó là nội dung chính của diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp diễn ra sáng 5/5, tại TP Vị Thanh, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện, trường và hàng trăm nông dân trong vùng.

Khai mạc diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thẳng thắn nêu lên những thực trạng, thách thức mà người sản suất lúa đang gặp phải như: thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều, giá lúa giảm và việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân ở ĐBSCL. Vì vậy, cần phải có các giải pháp để tăng năng suất, giữ vững sản lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản suất nhằm góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho rằng, Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây lúa, với sản lượng hơn 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây giá lúa luôn có xu hướng giảm, trong khi nông dân lại tăng sử dụng vật tư, đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm trên nền đất lúa ngày càng tăng. Do đó, việc tìm các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sản xuất là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết, qua thực tế áp dụng gói kỹ thuật “1 phải, 6 giảm” (1 phải sử dụng giống xác nhận; 6 giảm gồm: giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch và phát thải khí nhà kính) ở các tỉnh ĐBSCL cho thấy, lượng giống giảm từ 30-50%, phân bón khoảng trên 30%, lượng nước tưới giảm từ 5.500 m3 (sản xuất truyền thống) xuống còn 3.000 m3/ha/vụ, khí thải nhà kính từ 5,32 tấn xuống 2,49 tấn/ha/vụ, nhưng năng suất lúa tăng thêm trên 10%, thu nhập tăng thêm bình quân 8 triệu đồng/ha/vụ (tỷ lệ tăng lợi nhuận 40%). Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này cũng đang gặp các trở ngại như mặt ruộng không được bằng phẳng, ảnh hưởng đến việc quản lý nước và cỏ dại phát triển; hệ thống tơm tưới cái thể, công suất nhỏ cũng là một trở ngại.

15-47-57_2-cc-nh-kho-hoc-khuyen-co-nong-dn-nen-bon-phn-cn-doi-khong-bon-thu-de-tiet-kiem-chi-phi-sn-xut
Bón phân cân đối, không bón thừa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất

Bế mạc diễn đàn, TS Phan Huy Thông nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ vào giá lúa hàng hóa sẽ tăng lên mà cách tốt nhất là tìm giải pháp hạ giá thành sản xuất để tăng thu nhập. Các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… đều hướng tới việc giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường. 
Tùy từng điều kiện cụ thể, nông dân có thể áp dụng toàn bộ gói kỹ thuật hoặc từng phần, trước hết là sử dụng giống xác nhận và áp dụng sạ thưa (giảm lượng giống) nhằm tạo điều kiện quản lý dịch hại được tốt hơn.

TS Chu Văn Hách, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, có nhiều nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa như đốt đồng hoặc trục vùi rơm rạ, hoạt động của máy móc nông nghiệp… Vì vậy, nên thu hồi rơm rạ sau thu hoạch chuyển thành than sinh học bón lại cho đồng ruộng sẽ tốt hơn.

Phụ phẩm như trấu ép thành củi làm chất đốt rất hiệu quả. Cũng theo TS Hách, trong quá trình sinh tưởng của cây lúa có 2 giai đoạn rất cần nước là: phân hóa đòng và trổ. Nếu thiếu nước ở giai đoạn quan trọng này sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Còn các giai đoạn khác có thể giảm lượng nước bằng cách tưới “ướt khô xen kẽ”.

Tưới “ướt khô xen kẽ” còn có tác dụng làm cho mặt đất thoáng khí, rễ lúa phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều ngang, làm tăng khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi như nắng hạn trong thời gian ngắn, ít bị đổ ngã khi bị mưa vào cuối vụ…

Trong tham luận của mình, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời kiến nghị các cơ quan chuyên môn nên nghiên cứu những chế phẩm phân hủy các chất hữu cơ nhằm giúp nông dân xử lý tốt mặt ruộng trong điều kiện thời gian cách ly giữa các vụ rất ngắn. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc làm phẳng mặt ruộng, máy cuộn rơm, băm rơm…

Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của bà con nông dân như về kỹ thuật “tưới ướt khô xen kẽ” và cách xử lý rơm rạ sao cho hiệu quả. Theo các nhà khoa học, “tưới ướt khô xen kẽ” là tưới nước tiết kiệm chứ không nên để cây lúa bị thiếu nước và chủ yếu xiết nước trong giai đoạn cây lúa dưới 40 ngày. Còn thu gom rơm rạ để xử lý cho hoai mục, sau đó nên bón lại cho đồng ruộng để tăng cường chất hữu cơ hoặc sử dụng nấm trichoderma để phun lên rơm rạ trước khi cày vùi…

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.