| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nào để triệt tận gốc vấn nạn tôm tạp chất?

Thứ Sáu 31/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Bơm chích tạp chất vào tôm đang trở thành vấn nạn nhức nhối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh con tôm Việt Nam. 

Điều đáng nói là, tình trạng trên ngày càng phức tạp. Phương thức, thủ đoạn đưa tạp chất vào tôm ngày càng tinh vi, thậm chí những đối tượng này còn giở nhiều chiêu trò, chống đối lực lượng kiểm tra. Vậy giải pháp nào để khắc phục?
 

Tôm tạp chất từ cơ sở trung gian

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn bơm chích tạp chất vào tôm phổ biến nhất tại “rốn tôm” vùng ĐBSCL, đặc biệt các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau.

17-31-03_1
Bơm chích tạp chất vào tôm đang là vấn nạn khó chữa tại vùng Bán đảo Cà Mau

Thời gian vừa qua, ngành chức năng các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đã ra quân càn quét vấn nạn trên và phát hiện hàng chục vụ sai phạm. Điều đáng nói là tất cả các vụ sai phạm trên đều do các cơ sở thu mua tôm trung gian và doanh nghiệp hám lợi thực hiện, chứ không phải người dân.

Người dân rất bất bình với những hành vi trên, họ cũng lo ngại về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người nuôi tôm nhưng chẳng thể làm gì.

Ông Lữ Văn Rê (xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau), người đã nhiều năm làm mô hình lúa tôm tại xã Tân Lộc Đông cho biết: Việc đưa tạp chất vào tôm đã xảy ra tại địa phương nhiều năm rồi. Những người nuôi tôm không bao giờ làm việc này. Cứ bắt về là chúng tôi cân tôm bán. Nếu người dân mà bơm tạp chất vào, thương lái nhìn thấy sẽ phát hiện ngay và không bao giờ mua các loại tôm đó.

Theo nhìn nhận của ông Rê, đây là hành vi gian dối nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Mặc dù rất bức xúc, con tôm mình làm ra sạch, khi bán đi lại mang tiếng bẩn, nhưng việc này chỉ có chính quyền hoặc cơ quan chức năng mới dám xử lý, chứ người dân thấy cũng chẳng dám nói gì. “Nếu không ngăn chặn được, chúng tôi sợ sẽ làm mất hình ảnh con tôm sú sạch, ảnh hưởng đến giá tôm cũng là ảnh hưởng đến đời sống người nuôi tôm”, ông Rê nói.

Tại Bạc Liêu, chỉ riêng đợt ra quân cao điểm vào cuối năm 2016, công an tỉnh này đã phát hiện 9 cơ sở bơm tạp chất vào tôm. Còn tại Cà Mau, chỉ trong năm 2016, ngành Nông nghiệp tỉnh này tiến hành 64 đợt kiểm tra và phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm tạp chất. Ngoài ra, các đoàn công tác liên ngành của tỉnh này còn phát hiện và xử lý thêm 36 vụ sai phạm, với số lượng tôm trên 9 tấn.

17-31-03_2
Nạn đưa tạp chất vào tôm do một bộ phận khâu trung gian và doanh nghiệp thực hiện (Trong ảnh: Lực lượng chức năng bắt quả tang tôm tạp chất tại Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Quốc Ái)

Cũng vào giai đoạn cuối năm 2016, Cục An ninh Kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an) đã phối hợp với một số đơn vị liên quan và cơ quan chức năng Cà Mau, Bạc Liêu tiến hành đợt kiểm tra tình trạng bơm tạp chất trên địa bàn 2 tỉnh này.

Đợt kiểm tra đã bắt 3 cơ sở, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sai phạm trong hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Điều đáng nói, có những doanh nghiệp đã dùng đủ chiêu trò chống đối, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Trong đó, vụ việc phát hiện tại Công ty TNHH Chế biến Xuất nhật khẩu Thủy sản Quốc Ái (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ và hành vi gian dối ngày càng nghiêm trọng.

Chỉ trong một thời gian ngắn vào cuối tháng 8/2016, cơ quan chức năng đã hai lần bắt quả tang doanh nghiệp này có hành vi bơm tạp chất vào tôm. Đặc biệt, Công ty TNHH Chế biến Xuất nhật khẩu Thủy sản Quốc Ái đã có những chiêu trò chống đối lực lượng chứng năng như: không mở của tiếp đoàn kiểm tra; cúp điện, xì hơi ga để mang tạp chất và tôm chứa tạp chất đi tẩu tán...
 

Giải pháp nào khắc phục?

Theo ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, đây là việc làm gây tổn hại rất lớn đối với việc chế biến, xuất khẩu mặt hàng tôm. Một vài “con sâu” hám lợi đã làm ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống doanh nghiệp làm ăn chân chính.

17-31-03_3-2
Để loại bỏ bơm chích tạp chất vào tôm, cần liên kết lại sản xuất theo chuỗi giá trị

Ông Tân cho rằng, phải xử lý nghiêm hơn nữa đối với các cá nhân, tập thể, khâu trung gian góp phần làm mất uy tín của ngành hàng sản xuất có thế mạnh của quốc gia. “Nếu chính sách pháp luật nghiêm và cả hệ thống đồng lòng, quyết tâm làm sẽ làm được. Việc bơm tạp chất vào tôm không chỉ 1 người làm được, phải có sự tham gia của rất nhiều người nên địa phương không thể không biết. Khi phát hiện cần có hình thức xử lý nặng hơn. Tới mức độ nào đó, cần phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe”, ông Tân nói.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Thực tế, thời gian qua, Cà Mau đã có rất nhiều lần mở đợt ra quân kiểm tra nên việc làm này giảm xuống. Có lúc tưởng chừng như chấm dứt được. Nhưng một thời gian thì tình trạng bơm chích tạp chất lại quay lại. Việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu phát sinh thì rất dễ nhưng ngăn chặn lại rất khó.

“Để chấm dứt căn cơ tình trạng bơm tạp chất vào tôm thì phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị thật sự. Nhưng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đó là mong muốn từ rất lâu rồi, nhưng tổ chức thực hiện thì rất khó. Hay nói khác hơn, con đường để đạt được mục tiêu này còn dài. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở một phạm vi, ở một địa phương có thể dễ. Nhưng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cho toàn bộ ngành hàng tôm thật sự là vấn đề khó, cần có thời gian mới thực hiện được”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

 

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.