| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/03/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 23/03/2017

Giải pháp 'quá độ', để ấn tượng lâu dài cho nhân dân

TP.HCM vừa cho phép vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (cạnh Nhà văn hóa Thanh Niên) và Công viên Bách Tùng Diệp - của quận 1 - được thí điểm mô hình Phố bán hàng rong, có quản lý.

Và coi đây là một hình thức "quá độ" trong bối cảnh hiện nay.

Sự việc này, động thái này của chính quyền thành phố, có thể được xem như một ví dụ thực tế tích cực của một chính quyền có cố gắng để nghe dân, và hiểu đời sống của dân, có giải pháp để giải quyết những mặt còn tồn tại của chính sách.

Sau chừng 2 tháng tích cực và quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ - chức năng chủ yếu của vỉa hè - mang lại thành công ban đầu, thì cũng đã xuất hiện tình trạng mất nguồn thu nuôi sống gia đình của một số người, đa số là nghèo, xưa nay vẫn hoạt động, buôn bán và có thu nhập chủ yếu từ chính những sự vi phạm trong sử dụng trái phép vỉa hè.

Chiều 20/3, báo cáo với UBND TP.HCM về đề án kinh doanh vỉa hè, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết: "Quận đang bước vào giai đoạn duy trì trật tự vỉa hè một cách bền vững, trong đó quan trọng nhất là tổ chức lại cuộc sống cho người lao động". 

Và ông nói "Trăn trở nhất là đối với những người bán hàng rong, nguồn thu từ việc buôn bán trên vỉa hè là cuộc sống của họ. Do đó quận phối hợp với sở ngành đề xuất xây dựng mô hình Phố hàng rong".

Quận 1 đề xuất 3 khu vực thí điểm gồm: đường Nguyễn Văn Chiêm (dài 40 m, dành cho 20 hộ kinh doanh từ 6 đến 9h và 11-13h ); Công viên Bách Tùng Diệp (dài 30 m, bố trí cho 15 hộ với thời gian kinh doanh từ 6 đến 9h) và đường Chu Mạnh Trinh (dài 120 m, bố trí cho 35 hộ kinh doanh).

Quận sẽ không thu phí, đồng thời tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, tập huấn kỹ năng buôn bán, phân loại rác tại nguồn cho các hộ kinh doanh. Các hộ chủ yếu bán thực phẩm, khuyến khích đồ ăn được sơ chế tại nhà. Ngoài ra, quận đang rà soát các tuyến đường khác có chiều rộng vỉa hè trên 3 m để bố trí khu kinh doanh trên cho người nghèo.

Bàn ghế sẽ được đơn vị tài trợ trang bị theo mẫu thống nhất đảm bảo mỹ quan, để tập trung một khu vực để khách dùng chung nhằm khai thác tối đa diện tích.

"Bán hàng vỉa hè" là khái niệm để chỉ loại hình buôn bán của những người mua, bán cố định, tức là họ ngồi một chỗ trên vỉa hè (như cửa hàng, quán xá) và những người bán rong, họ mang hàng hóa đi di động qua rất nhiều con phố.

Giải pháp "quá độ" vừa rồi của chính quyền quận 1, của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, dù chỉ đáp ứng cho nhu cầu của một số người nghèo bán vỉa hè cố định, nhưng rất đáng xem trọng. Vì nó giải quyết được một phần nào cho những tác động gây bất ổn xã hội của chính sách "giành lại vỉa hè" đã gây ra như một "phản ứng phụ" của chính sách. 

Nó phản ánh một tư duy hành động, luôn cố gắng tìm ra và có giải pháp cụ thể, linh hoạt cho tính hai mặt của một chính sách.

Quyết định dù là mang tính "quá độ" cho những người sống bằng việc bán hàng vỉa hè, của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã để lại một ấn tượng tích cực lâu dài cho nhân dân.