| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất lúa thu đông bền vững

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:39 (GMT+7)

Diễn biến lũ lụt ở ĐBSCL vừa qua làm một số vùng làm lúa vụ thu đông (TĐ) 2011 bị thiệt hại...

Nông dân xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) canh nước lũ, giữ lúa TĐ

Diễn biến lũ lụt ở ĐBSCL vừa qua làm một số vùng làm lúa vụ thu đông (TĐ) 2011 bị thiệt hại. Mới đây, tại Viện lúa ĐBSCL, cán bộ khoa học Đại học Cần Thơ và lãnh đạo Sở NN-PTNT của 7 tỉnh, thành bị ảnh hưởng lũ: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang đã tham dự hội thảo “Thực trạng và giải pháp cho sản xuất lúa thu đông vùng lũ ở ĐBSCL trong thời gian tới”.

Lúa vụ 3 có lợi

Trong những ngày lúa vụ 3 vị vỡ đê, ngập lụt, TS Chu Văn Hách, Trưởng bộ môn Kỹ thuật canh tác và các cán bộ của Viện lúa ĐBSCL đã đến các địa phương khảo sát, nắm rõ tình hình thực tế để tìm cách hỗ trợ nông dân địa phương. Về thuận lợi, phần lớn nông dân cho rằng: Nếu có hệ thống đê bao tốt, giá lúa cao, chi phí ít, chất lượng gạo TĐ lại tốt hơn so với HT thì làm lúa vụ này trúng lớn, vả lại có điều kiện cung cấp giống tốt cho vụ ĐX.

Kết quả điều tra hộ nông dân tại 4 tỉnh/thành có diện tích canh tác lúa vụ 3 cho thấy: 91% hộ làm lúa vụ 3 có lời, chỉ có 1% bị lỗ và 8% hòa vốn. Tính hiệu quả lúa vụ 3, năng suất bình quân đạt 4,22 tấn/ha (lúa khô), với giá lúa cao như hiện nay thì nông dân có lời trung bình khoảng 11 triệu đồng/ha/vụ.

Mức lời như vậy là hấp dẫn người dân, vì nếu không làm lúa vụ này thì khó có thể tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn bất lợi mà nông dân thường gặp là giá công lao động, giá vật tư cao và không ổn định. Lũ về sớm nếu không có đê bao chắc chắn sẽ bị mất mùa.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích lúa TĐ 2011 toàn vùng đạt 635.385ha, cao hơn năm trước khoảng 100.000ha. Trong 10 năm qua nông dân trong vùng đê bao đã an tâm sản xuất lúa vụ 3. Thế nhưng vụ TĐ năm nay gặp lũ lớn bất ngờ. Do sau nhiều năm không có lũ lớn nên nông dân chủ quan, không quan tâm việc gia cố đê bao. Tới khi lũ quá cao tràn bờ, xảy ra vỡ đê một số vùng lúa bị thiệt hại.

Các cán bộ nông nghiệp các tỉnh làm lúa TĐ nhận xét: Nông dân làm lúa vụ 3 năm nay bị thiệt hại cần được Nhà nước hỗ trợ. Nhưng nhìn toàn cục, lúa TĐ vẫn thắng lớn và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho vụ TĐ những năm sau. Nhất là lo củng cố đê bao, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, nhất là sử dụng các giống ngắn ngày.

Để lúa vụ 3 ăn chắc

Theo các địa phương có diện tích lúa TĐ trong vùng, nếu được đầu tư đê bao đảm bảo chắc chắn, 7 tỉnh trong vùng lũ sẽ giữ ổn định diện tích vụ TĐ như năm 2011. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới đê bao đảm bảo chất lượng, đủ cao trình, gia cố đê bao cũ và xây dựng các trạm bơm điện vừa và nhỏ để phục vụ cho tưới tiêu.

Ngành thủy lợi giúp tính toán lại cao trình của lũ, vì mỗi năm lũ một dâng cao hơn để có phương án nạo vét các hệ thống thoát lũ và gia cố đê điều cho phù hợp. Cần có liên kết vùng trong tránh lũ và ô nhiễm môi trường, liên kết giữa các tỉnh để tránh trường hợp tỉnh này xả lũ làm cho tỉnh khác bị ngập úng.

Về mặt khoa học, GS.TS Nguyễn Văn Luật cho rằng không thể phủ nhận việc sản xuất liên tục có thể làm giảm độ màu mỡ của đất nếu không có nước lũ vào ruộng như ở nơi có bờ đê bao khép kín ngăn lũ để tăng vụ. Tuy vậy thực tế trong gần chục năm qua bà con nông dân đã làm lúa 3 vụ năng suất vẫn tăng cao.

Các nhà khoa học Viện lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ góp ý: Nếu canh tác thuần 3 vụ lúa liên tiếp trong năm có thể làm xói mòn một số nguyên tố khoáng và hữu cơ, ảnh hưởng tới độ phì tự nhiên của đất. Tuy nhiên, hàng năm đất lúa vùng ĐBSCL đã được bù đắp lại một lượng phù sa rất lớn cộng với một lượng rơm rạ hoàn trả cho đất cũng khá lớn, nên khả năng thiếu các nguyên tố trung, vi lượng và hữu cơ không lớn lắm.

+ Trong 635.385ha lúa TĐ, đã thu hoạch 231.486ha, đạt gần 40%; chưa thu hoạch 396.334ha (trên 60%); diện tích lúa bị mất trắng do vỡ đê 7.565ha, chiếm 1,2%. Lúa bị thiệt hại tập trung ở 3 tỉnh An Giang 3.902ha; Đồng Tháp 2.073ha và Long An 481ha.

+ Năm 2010, ĐBSCL có hơn 520.000 ha lúa TĐ, góp phần làm tăng thêm sản lượng lúa cả năm lên 2 triệu tấn, trong đó riêng lúa vụ 3 (TĐ) toàn vùng có sản lượng 2 - 2,2 triệu tấn lúa/năm.

Về độ phì thực tế, kết quả cho thấy trên các vùng trồng từ 2-3 vụ lúa/năm, thậm chí là 7 vụ/2 năm thì năng suất lúa năm sau luôn bằng hoặc cao hơn so với năm trước, mặc dù lượng phân bón đa lượng không tăng. Các kết quả từ thí nghiệm dài hạn về N, P, K tại Viện lúa ĐBSCL từ 1986 tới nay cho thấy chỉ những ô không bón lân thì năng suất có xu hướng giảm dần theo thời gian, còn nếu bón đầy đủ N, P, K thì năng suất lúa không thay đổi theo thời gian. Do vậy việc khuyến cáo bón phân cân đối vẫn là giải pháp hữu hiệu để duy trì năng suất lúa.

Đề phòng dịch bệnh, trước hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu và canh tác lúa liên tục nếu áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại không hợp lý trên đồng ruộng có thể gây ra nhiều thay đổi về tính đa dạng và phong phú của côn trùng và bệnh hại, phân bố về địa lý của các loài dịch hại, biến động quần thể, kiểu sinh học (biotype) của loài dịch hại, mối tương quan giữa dịch hại và cây lúa, hoạt động và mức độ phổ biến của các loài thiên địch, khả năng thay đổi độc tính của một số loài, và nhất là khả năng phát sinh nhiều loài dịch hại mới.

Do vậy, cần bố trí gieo sạ đồng loạt trên một cánh đồng theo lịch né rầy của ngành BVTV; chọn những giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với từng địa phương, giảm thời gian cây lúa đứng trên đồng và bố trí thời vụ sao cho không làm ảnh hưởng tới vụ sau, đặc biệt là vụ ĐX.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất