| Hotline: 0983.970.780

Giải thích với dân thế nào?

Thứ Hai 06/08/2012 , 10:33 (GMT+7)

Ngay sau bài phản ánh về giá viện phí tăng khủng tại một số bệnh viện, NNVN đã nhận được sự giải thích để làm rõ những vướng mắc, bất cập...

Ngay sau bài phản ánh về giá viện phí tăng khủng tại một số bệnh viện, NNVN đã nhận được sự giải thích để làm rõ những vướng mắc, bất cập trên của đại diện một số bộ, ngành có liên quan.

>> Viện phí tăng khủng, oằn lưng bệnh nhân nghèo!
>> Áp dụng giá viện phí mới: Năm 2013 bội chi 1.000 tỷ đồng
>> Bệnh nhân ngơ ngác vì giá viện phí mới
>> Bộ Y tế khẳng định tăng viện phí là cần thiết

Tăng giá phải hợp lý

Trao đổi với NNVN chiều ngày 5/8, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN) cho biết, BHXH vừa có đề nghị một số địa phương đề xuất viện phí cao hơn 90% phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình địa phương. Cơ quan này cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội ở các tỉnh giám định lại những khoản chi phí, yêu cầu bệnh viện không được thu thêm của người bệnh ngoài các khoản mà bảo hiểm y tế đã chi trả. Dự kiến cuối năm, sẽ có 21 tỉnh nữa áp dụng giá viện phí mới.

Nhiều người dân băn khoăn bởi làm thế nào để các BV áp dụng khung giá phù hợp với tình hình địa phương? Đại diện cho ngành BHXH VN giải thích: Khi xây dựng khung giá viện phí này, chúng tôi yêu cầu địa phương phải quan tâm chi tiết: giá viện phí đó đã tính đúng, tính đủ và phù hợp với chất lượng dịch vụ hay chưa? Ở mức giá dịch vụ này, người dân có quyền được hưởng những kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh.


Tại Bệnh viện K Hà Nội, nhiều người dân không để ý đến Bảng giá viện phí mới hay cũ, được dán ngay nơi thanh toán viện phí

Bên cạnh đó, giá viện phí phải tương xứng với điều kiện kinh tế cùng vùng và thu nhập trung bình của người dân tại địa phương đó. Ngoài ra, khung giá phù hợp cũng dựa theo tỷ lệ bao phủ BHYT tại vùng ấy. Ví dụ địa phương có 60% dân số tham gia BHYT, 40% dân số còn lại, vì lý do nào đó chưa thể tham gia mua BHYT nên viện phí sẽ là gánh nặng đối với họ. Vì vậy, khi xây dựng khung giá mới, người làm chính sách phải quan tâm đến nhóm đối tượng chưa được tham gia BHYT này. Đồng thời gửi kèm kế hoạch hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng cho họ mỗi lần vào viện.

Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, thực tế, khi kiểm tra thì một số bệnh viện đã nâng mức giá cao hơn so với thực tế những gì bệnh nhân được hưởng. Ví dụ đơn giá cho thuốc gây mê, mực in, giấy in, băng gạc… cao gấp nhiều lần so với giá ban đầu và bắt người bệnh phải chi trả. Không chỉ lấy tiền từ người bệnh, có BV còn kê khai thời gian mổ nội soi lên tới hàng giờ để tính toán với cơ quan bảo hiểm.

 Cũng theo ông Sơn, BV có quyền xây dựng và đề xuất giá nhưng phải tính đúng, tính đủ phù hợp với Thông tư 04, nếu chệch cần phải uốn nắn ngay. Và nhiệm vụ của BHXH là thẩm định giá đó đã phù hợp hay chưa. Nếu không đáp ứng với chất lượng dịch vụ cho người dân, BHXH sẽ yêu cầu kiểm tra, giám sát lại và thu hồi số tiền thu chênh lệch đó.

Phải can thiệp

Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia soạn thảo xây dựng khung giá viện phí mới này, khi đề cập đến việc tăng viện phí cao đối với những người dân không có BHYT, trong đó có rất đông người nghèo, người lao động thu nhập thấp, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Người nghèo, khi đi khám chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí theo quy định. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ nhất trí nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng là người cận nghèo từ 50% lên 70% và cũng đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng là người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên khoảng 50-60% để khuyến khích các đối tượng này tham gia.

Để tăng tính thuyết phục, ông Liên làm bài toán nhanh với phóng viên: một ca khám chữa bệnh hiện nay (khi giá viện phí chưa tăng) hết 1 triệu đồng. Giả sử các tỉnh điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này, cũng người bệnh ấy, ở tỉnh vừa điều chỉnh tăng giá có thể lên đến 1,3 triệu đồng, chênh lệch 300 nghìn đồng giữa các giá cũ và giá mới thì các đối tượng trên chỉ phải đóng 5% của số tăng thêm (khoảng 15.000 đồng).

Thậm chí, có dịch vụ tăng thêm 1 triệu đồng thì những đối tượng được ưu tiên như trên cũng chỉ phải đóng thêm 50.000 đồng nữa. “Như vậy, có thể thấy mức tăng viện phí tác động không nhiều lắm” – ông Liên nói.

+ Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành và bệnh viện tuyến Trung ương yêu cầu phải niêm yết bảng giá mới cho người bệnh được rõ. Theo đó, bảng giá viện phí mới phải được niêm yết tại khu vực người bệnh dễ quan sát, đồng thời giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ khám - chữa bệnh.

+ “Giữ được mạng người là quan trọng. Tôi không quan tâm đến bảng giá viện phí dán ở BV bởi vẫn phải thanh toán nhiều khoản không nằm trong danh mục lắm” - bác Hoàng Yến, nhà tổ 14, phường Hồng Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Thêm vào đó, người có thẻ BHYT sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để mua thuốc, vật tư hóa chất... BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ bảo hiểm không thanh toán. “Người bệnh tham gia BHYT sẽ được hưởng và tăng quyền lợi khi khám và điều trị bệnh”, ông Liên nói chắc.

Để giảm tối thiểu tác động đến người dân khi viện phí tăng, Bộ Y tế đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định để các tỉnh tái lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo. Quỹ này hoạt động dựa trên nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa để hỗ trợ cho một số đối tượng có khó khăn, kể cả người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim.

Bổ sung cho những thông tin có liên quan đến việc điều chỉnh mức viện phí lần này, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, lần điều chỉnh mức viện phí môi trường chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ được cải thiện, BV có thêm nguồn thu để trả lương cao cho y, bác sĩ, góp phần hạn chế nạn “phong bì” gây ảnh hưởng xấu hình ảnh y bác sỹ thời gian qua. Thế nhưng đại diện của Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên lại khẳng định: Việc điều chỉnh giá viện phí lần này không nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ y tế.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất