| Hotline: 0983.970.780

Giảm gánh nặng cho nông dân

Thứ Hai 20/07/2015 , 09:53 (GMT+7)

Trong khi, tại một số nơi, các khoản phí nội đồng, các loại quỹ duy trì bộ máy thực sự là gánh nặng với nông dân thì tại Thái Nguyên có phần khác. 

Chẳng hạn, nhờ sự sáng tạo, linh hoạt trong việc thực thi chính sách miễn giảm thủy lợi phí, Thái Nguyên đã tạo được hiệu ứng rất lớn, giúp nông dân có thêm động lực để gắn bó với đồng ruộng.

Bộ máy chuyên nghiệp

Ngay từ năm 2008, tỉnh Thái Nguyên đã hình thành tổ công tác liên ngành thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí. Chi cục Thủy lợi và PCLB (Sở NN-PTNT) được giao là tổ trưởng tổ công tác, cùng với sự tham gia của các đơn vị thuộc Sở Tài chính, Sở KH-ĐT…

Tổ công tác chịu trách nhiệm tổng hợp diện tích được miễn giảm, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch miễn thủy lợi phí. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên có trên 1.200 công trình thủy lợi đầu mối. Để phân cấp, tỉnh giao Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên trực tiếp quản lý khai thác 74 công trình có quy mô lớn. Các huyện quản lý 1.140 công trình hồ đập nhỏ và giao cho các xã trực tiếp vận hành, khai thác.

Ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB Thái Nguyên cho biết, đã qua rồi cái thời trống giục, cờ giong, loa đài thúc ép đóng thủy lợi phí. Mỗi năm 2 kỳ, một đội ngũ không nhỏ cán bộ phải xuống từng hộ dân ở từng xóm bản ăn chực nằm chờ để thu thủy lợi phí.

Vậy mà nguồn thu thường là không đạt kế hoạch. Thu thấp chẳng những không đảm bảo duy trì đội ngũ mà cũng không tạo được nguồn ổn định để duy tu, sửa chữa công trình xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Từ nguồn kinh phí miễn thủy lợi, một đội ngũ cán bộ chuyên môn được hình thành, củng cố vững chắc từ tỉnh đến xã, xóm. Bộ máy trên đã vận hành, nâng cao năng lực tưới tiêu của công trình thủy lợi, nâng cao diện tích chủ động thủy lợi.

Theo thống kê từ 9 huyện, thành, thị của Thái Nguyên, năm 2009, tổng diện tích canh tác được miễn thủy lợi phí là 27.000 ha. Con số trên được nâng lên 30.000 ha vào năm 2013.

Riêng nguồn kinh phí để hỗ trợ, chi trả phụ cấp cho cán bộ đoàn thể, cấp phó không chuyên trách tại các xóm và xã, ông Lỗ Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú, huyện Đại Từ khẳng định, đều do ngân sách của tỉnh và Trung ương hỗ trợ chứ không thu một đồng quỹ nào từ người dân. Chỉ có quỹ an ninh quốc phòng thu theo quy định của Nhà nước, còn các loại quỹ như khuyến học, ủng hộ người nghèo, đồng bào lũ lụt, chất độc da cam… đều trên tinh thần tự nguyện của người dân, ai đóng bao nhiêu là tùy tâm.

Trong khi đó, năm 2009, Cty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên thực hiện tưới tiêu theo hợp đồng với UBND tỉnh là 45.000 ha. Năm 2013, diện tích đã được nâng lên thành 61.000 ha. Về tổng nguồn kinh phí thực hiện miễn thủy lợi phí cũng được nâng từ 38 tỷ đồng (năm 2009) lên 91 tỷ (năm 2013).

Hiệu quả nhờ khoan thư sức dân

Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên phân tích, diện tích tưới chủ động tăng lên khẳng định kết quả phục vụ tưới tiêu của các công trình thủy lợi được nâng cao. Đối với công ty, chính sách miễn thủy lợi phí đã giúp đơn vị chủ động hoàn toàn về kế hoạch SX, lao động và tài chính. Qua đó, công ty đã đảm bảo chi kịp thời cho việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp và nối dài năng lực các công trình thủy lợi.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ, ông Lê Thanh Sơn cho biết, huyện hiện có 28 đội thủy nông cấp xã với tổng số 109 đội viên, quản lý 105 công trình thủy lợi tổng diện tích tưới trên 6.200 ha. Những đội viên này ở gần công trình thủy lợi, hiểu đời sống nhân dân, thói quen canh tác trong khu vực và có uy tín trong cộng đồng nên công tác quản lý được thực hiện rất thuận lợi.

Theo đó, các đội thủy nông có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối nước tưới; theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố; duy tu, bảo dưỡng, vận hành bảo đảm an toàn công trình; kiểm tra, sửa chữa công trình. Từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, các thành viên tổ đội thủy nông đã được địa phương linh hoạt thực hiện cơ chế phụ cấp, có nguồn trợ cấp ổn định, tương xứng, được tập huấn kỹ thuật.

Năm 2014, các đội thủy nông huyện Đại Từ đã đóng góp gần 4.000 ngày công để nạo vét, tu sửa kênh mương, duy tu bảo dưỡng, phát dọn hành lang và trên 6.700 ngày công trực ban bảo vệ các công trình thủy lợi. Các công trình không còn tình trạng bị xâm phạm, mất cắp vật tư, thiết bị, hạn chế được tranh chấp về tưới tiêu và đảm bảo chuẩn thời vụ.

14-24-02_nh-1
Hồ Gò Miếu (xã Ký Phú, Đại Từ) một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên

Ông Lỗ Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú, huyện Đại Từ, cho biết, từ bao nhiêu năm nay người nông dân quê ông làm ruộng không phải đóng bất cứ khoản phí, quỹ nào. Hệ thống kênh mương thủy lợi được Nhà nước đầu tư tận nơi. Công tác điều hành nước tưới, kiểm tra, giám sát hệ thống kênh mương có cán bộ thủy nông chuyên trách của Cty Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đóng tại địa bàn xã chịu trách nhiệm.

Được biết, nguồn kinh phí hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí chuyển về cấp huyện hàng năm sẽ được trích 80% để thực hiện việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình. Trong khi đó, qua 6 năm thực hiện hợp đồng tưới tiêu, phía Cty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cũng liên tục duy tu, xây dựng mới rất nhiều công trình. Thực tế trên đã làm xuất hiện những cánh đồng mới tại rất nhiều địa phương.

Với chủ trương xây dựng NTM hiện nay, ông Lỗ Văn Đường chia sẻ, khi tiến hành làm đường giao thông, đường nội đồng thì ngân sách tỉnh hỗ trợ miễn phí xi măng còn người dân đóng góp ngày công, đóng góp tiền của. Nhưng tất cả đều phải trên tinh thần dân chủ do các thôn, xóm tự công khai họp và thống nhất mức đóng góp chứ không có chuyện xã bắt ép theo khẩu, hộ hay theo đầu sào.

Còn ông Nguyễn Viết Đài, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, huyện Phú Bình, cho biết, trước đây Hà Châu là địa bàn cuối nguồn của kênh dẫn nước hồ Núi Cốc nên công tác thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, người dân không những không phải lo nộp thủy lợi phí mà còn được mở mang diện tích SX do có sự đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi. Diện tích canh tác chủ động tưới của địa phương đã tăng từ 130 ha (năm 2012) lên 240 ha (năm 2015).

“Như anh biết làm ruộng giờ gần như không có lãi. May nhờ Nhà nước lo cho phần tưới tiêu, không phải nộp tiền thủy lợi, giảm bớt gánh nặng cho nông dân nên bà con chúng tôi có thêm động lực để gắn bó với đồng ruộng hơn.

Bây giờ, tỉnh lại tiếp tục đầu tư xây kênh mương mới giúp cho cánh đồng Núi Định của xóm trước kia chỉ để trồng ngô mà còn không chắc ăn vì không có nước tưới thì nay lại chuyển sang trồng được lúa cả 2 vụ nên vô cùng phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Mơ, trưởng xóm Núi, xã Hà Châu bộc bạch.

Theo tổng kết của UBND tỉnh Thái Nguyên, chính sách miễn thủy lợi phí đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người nông dân trong SX, được người dân đồng tình ủng hộ, phấn khởi và có thêm động lực SX. Các địa phương, đơn vị cũng có điều kiện để tập trung hơn cho công tác quản lý, khai thác hệ thống các công trình thủy lợi hiện có, nâng cao năng lực điều hành, phát huy tối đa hiệu quả công trình. Đó cũng là cơ sở để đánh giá đúng tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế mang lại của các công trình thủy lợi.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.