| Hotline: 0983.970.780

Giám sát Đề án tái cơ cấu kinh tế: Trách nhiệm còn bỏ ngỏ?

Thứ Năm 02/10/2014 , 09:06 (GMT+7)

Giám sát Đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, nhiều thành viên UBTVQH tỏ ra chưa hài lòng với thực tế. 

Mặc dù, theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế đang có những tiến triển và dần đi vào ổn định nhưng mục tiêu của đề án tái cơ cấu cũng như phương thức triển khai còn nhiều bất cập…

Những khúc mắc của nền kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP trong nước giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra so với yêu cầu Nghị quyết QH, tỉ trọng đóng góp nông nghiệp trong cơ cấu GDP không thay đổi nhiều, việc phát triển ngành công nghiệp dịch vụ còn chưa rõ ràng, công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, tỉ lệ bội chi ngân sách ở mức cao, tỉ lệ nợ công so với GDP vẫn tăng và ở mức cao, thị trường vốn chưa phát triển.

Vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào ngân hàng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có xu hướng giảm… là những tồn tại cơ bản của nền kinh tế được UBTVQH thảo luận và cho ý kiến.

Theo Đoàn Giám sát của UBTVQH thì những hạn chế của hoạt động tái cơ cấu kinh tế bộc lộ ngay trong tiến độ chậm cải tổ các doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến đột phá nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực và phương thức quản trị doanh nghiệp, cũng như tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về không đáp ứng được so với yêu cầu.

Đề cập cụ thể vào vấn đề tái cơ cấu DNNN, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH nêu ví dụ về những bất cập của các tập đoàn kinh tế Vinashin và Vinalines và cho rằng đến nay hành lang pháp lý cho các tập đoàn chỉ là văn bản thực hiện thí điểm. Như vậy thì quá chậm.

"Các tập đoàn là xương sống của DNNN trong tái cơ cấu thì chúng ta đổi mới, chuyển dịch cơ cấu được đánh giá như thế nào?... Quả thực báo cáo giám sát phản ánh rất sinh động. Nhưng được gì, thiếu gì và trách nhiệm các cấp như thế nào thì tôi chưa thấy”, ông Quyền nói.

Chia sẻ quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng khẳng định một báo cáo giám sát phải khác với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phải làm nổi bật kết quả giám sát.

Báo cáo giám sát phải chỉ ra được các điểm mạnh, yếu của đề án tái cơ cấu kinh tế, phải phân tích, dự báo và chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành trong việc thực hiện đề án. “Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm nên báo cáo giám sát chưa cụ thể được chỗ này”, ông nói.

Những điều chưa rõ

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, báo cáo giám sát phải làm rõ hơn nữa việc “có do dự trong việc tái cơ cấu DNNN hay không? Tại sao chỉ tiêu về lao động lại nhiều năm không đạt, cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực? Nếu do lỗi chủ quan thì cũng phải nói rõ”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo giám sát sẽ là cơ sở để QH ra Nghị quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Cần nêu rõ vào đây từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào? Chủ trương, giải pháp gì để thực hiện? Tái cơ cấu, đó là một quá trình dài nhưng phải hình dung được kết quả năm 2015 đạt cái gì và đến 2020 thế nào?”.

Cụ thể như tái cơ cấu đầu tư công, hạn chế lớn nhất đầu tư chưa hiệu quả. Chất lượng công trình còn nhiều vấn đề. Chủ tịch QH chỉ rõ chúng ta xây nhà máy nhưng chưa phát huy được khoa học kĩ thuật, công nghiệp phụ trợ không có, phải nhập khẩu. Rồi những vấn đề tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

“Doanh nghiệp vẫn lệ thuộc vào ngân hàng mà không huy động vốn được từ thị trường chứng khoán nên dẫn đến tính rủi ro cao cho cả hệ thống. Cần phải tạo cơ chế để doanh nghiệp huy động vốn từ xã hội: 1 đồng vốn doanh nghiệp, 1 đồng vốn cổ phần, 1 đồng vốn ngân hàng… thì hoạt động kinh doanh mới hiệu quả mà rủi ro ít”, Chủ tịch QH gợi ý.

Nhiều ủy viên UBTVQH cho rằng cả báo cáo giám sát và đề án tái cơ cấu kinh tế còn chưa rõ mục tiêu nên ngay từ khi bắt đầu triển khai đã lúng túng. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nên tham khảo cách làm của các nước. “Cũng bị ảnh hưởng của kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai... nhưng một số nước trong khu vực vẫn tăng trưởng khá, trên 7% và lạm phát thấp. Phải tìm hiểu xem tại sao, họ có tái cơ cấu không mà khá thế?".

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.