| Hotline: 0983.970.780

Giảm số lần phun thuốc nhiều hơn nữa

Thứ Sáu 27/06/2014 , 08:09 (GMT+7)

Ngành BVTV đã triển khai chương trình IPM, tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" cũng được ban hành.

Từ lâu nông dân có tập quán sử dụng thuốc hóa học quá nhiều cho cây trồng, đặc biệt là các loại rau, bao gồm cả rau ăn lá và ăn củ. Ngành BVTV đã triển khai chương trình IPM, tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" cũng được ban hành.

Trong chương trình triển khai cánh đồng lớn (CĐL) SX lúa được hướng dẫn và quản lý trực tiếp của Chi cục BVTV các tỉnh và Trạm BVTV các huyện. Vậy tình trạng sử dụng thuốc BVTV trên CĐL ra sao? Để tìm hiểu điều này xin lấy mô hình CĐL của huyện Thạnh Hóa, Long An làm tài liệu để tham khảo.

Năm 2013 huyện Thạnh Hóa tổ chức mô hình CĐL trên diện tích 1.000 ha với 300 hộ tham gia. Trong mô hình có so sánh sử dụng loại phân bón Đầu Trâu với loại phân do nông dân tự chọn. Ban chỉ đạo tổ chức khá tốt, trước khi thực hiện mô hình đã mở 24 cuộc họp triển khai, 22 cuộc tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn quy trình bón phân, quản lý dịch hại, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.

Ban chỉ đạo cũng phát cho mỗi hộ 1 cuốn sổ tay theo dõi, ghi chép các hoạt động trong quá trình canh tác để giúp người nông dân biết làm việc theo khoa học, biết tính toán cho hoạt động SXKD của mình.

Người nông dân tham gia CĐL sử dụng giống nếp IR 4625, gieo sạ 140 kg đã giảm lượng giống gieo xuống được 32 kg (tiết kiệm 432.000 đ) và được ngân sách huyện hỗ trợ giống 30% (tiết kiệm được 900.000 đ/ha).

Chương trình cũng đã giúp nông dân tiết kiệm lượng phân bón đáng kể so với những nông dân ngoài mô hình. Nền phân của nông dân bón là 103 kg N + 68 kg P205 + 51 kg K20/ha. Nông dân ngoài mô hình còn sử dụng lượng phân N quá cao.

Ví dụ, một số hộ bón 5 bao ure, 3 bao DAP với 3 bao NPK 16-16-8/ha, chưa kể phân bón lá và thuốc kích thích khác. So với tổng chi phí thì chi phí phân bón chiếm 31,2% (nông dân ngoài mô hình chi cho phân bón chiếm 38 -40%). Nhưng chi phí thuốc BVTV vẫn còn quá cao, chiếm 26%.

Theo tài liệu ghi trong báo cáo, nông dân trong mô hình, ngoài 4,2 lần phun thuốc cỏ, đã sử dụng 4,9 lần phun thuốc sâu và 8,3 lần phun thuốc bệnh. Tổng cộng có đến 13,2 lần phun thuốc, tính bình quân trên 300 hộ. Như vậy đã có hộ phun đến 15 - 16 lần thuốc hóa học cho 1 vụ lúa.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trước khi thực hiện mô hình đã có 22 cuộc tập huấn kỹ thuật, trong đó có việc sử dụng thuốc an toàn mà nông dân vẫn phun thuốc nhiều như vậy? Có lẽ hướng dẫn thì cứ làm nhưng thực hiện thì tùy bà con quyết định.

Ngay như trong mô hình bón phân Đầu Trâu, ở các vùng khác bà con chỉ phun thuốc bình quân 4 - 5 lần, ở đây cũng sử dụng đến 9,7 lần, làm tròn là 10 lần. Gần đây nhiều bà con hỏi làm sao để SX lúa có lời được 30%?

Trong mô hình trên, cây lúa nếp có thời gian sinh trưởng trên 100 ngày, như vậy tần suất số ngày phun thuốc khoảng 1 tuần có 1 lần phun. Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả thì chỉ có cách là các Cty lương thực từ chối thu mua thóc của những hộ có lần phun thuốc quá mức quy định.
Đó được coi như là biện pháp chế tài để giúp người nông dân giảm chi phí thuốc BVTV cho cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả SX lúa để nông sản an toàn, môi trường sinh thái được bền vững.

Câu trả lời là ở đây rồi. Bà con phun thuốc nhiều như vậy, giá lúa thấp như vậy (giá lúa nếp có 4.500 đ/kg) thế mà bà con làm CĐL còn thu lời được 38%. (tổng chi là 18.864.000 đ, tổng thu là 26.100.000 đ, tiền lời thu được là 7.236.000 đ/ha).

Còn bà con làm ruộng sử dụng phân Đầu Trâu vừa do lượng phân sử dụng ít hơn, vừa do hiệu quả của phân Đầu Trâu cao hơn nên tiền lời các hộ này thu được trên nền kỹ thuật do nông dân quản lý cũng đạt được 66%, cao hơn bà con dùng phân khác là 200 kg thóc và 3.507.000 đ/ha.

Theo số liệu trong báo cáo, tiền thuốc BVTV là 4.922.000 đ/ha (chiếm 26% tổng chi phí cho SX lúa). Tiền phân bón là 5.894.000 đ (chiếm 31,2% tổng chi phí). Nếu bà con chỉ cần giảm số lần phun thuốc xuống một nửa (6 - 7 lần phun cũng đã quá nhiều) thì số tiền chi cho thuốc sâu và bệnh đã giảm xuống một nửa (còn 2.460.000 đ), số tiền này sẽ coi như tiền lời.

Tiền phân, nếu áp dụng phương pháp của Cty CP Phân bón Bình Điền cũng sẽ tiết kiệm được 1.048.000 đ/ha. Chỉ cần giảm chi 2 khoản này, bà con đã tiết kiệm được 3.508.000 đ. Phần tiết kiệm này bổ sung vào phần tiền lời thu được là 7.236.000 đ thì bà con không những có mức lợi nhuận thu từ cây lúa là 38% mà còn cao hơn nhiều, mặc dù giá thóc nếp rất thấp (4.500 đ/kg).

Vấn đề là làm sao để bà con chịu giảm số lần phun thuốc xuống nhiều hơn nữa. Trước tiên là cần nâng cao kiến thức về bảo vệ mùa màng cho nông dân. Người SX do thiếu kiến thức về quy luật phá hại của sâu và bệnh cũng như các biện pháp phòng trừ có hiệu quả kinh tế nhất. Vì vậy, họ rất sợ thất mùa, năng suất thấp. Do đó họ nghĩ tốt nhất là phun để phòng, vì người ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhiều người do vậy cứ thấy cây lúa bị vàng lá là đem thuốc ra phun.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.