| Hotline: 0983.970.780

Giảm thầy, thêm thợ

Thứ Ba 09/12/2014 , 08:44 (GMT+7)

Từ năm 2011, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về việc phân luồng học sinh từ sau trung học cơ sở.

Phân luồng

Trong một lần trao đổi với Báo NNVN, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự, cái khó nhất của người làm lãnh đạo là phải tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động. Việc này hoàn toàn không đơn giản.

Ví như Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, nếu thu hút DN nước ngoài đầu tư một nhà máy như Samsung, Honda, Toyota… có thể tạo công ăn việc làm cho cả nghìn người. Nhưng trên thực tế tỉ lệ người lao động thất nghiệp hay lao động nông nghiệp ở Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều trong khi các khu công nghiệp trên địa bàn lại luôn thiếu công nhân.

Đây chính là “nút thắt” khó gỡ mà hầu hết các địa phương trên cả nước đều mắc phải. Dư luận cũng đã phản ánh nhiều về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” bởi một lớp thanh niên trong độ tuổi lao động suy nghĩ viển vông, thích bằng cấp, thích nhàn hạ.

Học lực kém nhưng vẫn cố kiếm cho bằng được tấm bằng đại học để rồi “thất nghiệp” nằm dài ở nhà, trở thành người lông bông, vô tích sự và bỏ lỡ đi cơ hội kiếm được việc làm chính đáng, thu nhập ổn định ở các khu công nghiệp.

Xuất phát từ quan điểm đó nên từ năm 2011, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 37 của HĐND về việc phân luồng học sinh từ sau trung học cơ sở.

Theo đó, ngay từ lớp 9, các em được nhà trường định hướng để lựa chọn sự học phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình: Học sinh có năng lực tốt sẽ học tiếp lên trung học phổ thông; Học sinh có năng lực trung bình, có thiên hướng kỹ thuật, thực hành thì học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề, vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên hoặc trực tiếp đi làm kiếm sống.

Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường nghề không chỉ là trách nhiệm, mà nó còn thể hiện tính nhân văn, đạo đức của các cơ sở giáo dục.

Đối với những học sinh có học lực trung bình, việc học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề là sự lựa chọn đúng đắn. Bởi 3 năm học tại đây, các em vừa được học chương trình hoàn thiện văn hóa phổ thông, vừa có kỹ năng nghề đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Không những vậy, sự lựa chọn này còn giúp giảm chi phí cho bản thân học sinh, gia đình và xã hội.

Theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, học sinh có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc từ 6 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ: Học cao đẳng nghề là 400.000 đồng/tháng; trung cấp nghề là 350.000 đồng/tháng; bổ túc văn hóa và nghề là 350.000 đồng/tháng (hỗ trợ thêm 100.000 đồng/tháng để mua sách vở, đồ dùng học tập với các đối tượng).

Đây thực sự là nguồn động viên lớn cho người học, hơn nữa, khi tốt nghiệp các trường nghề, học sinh đồng thời có trong tay 2 tấm bằng (bằng phổ thông trung học và bằng nghề).

Sau này, khi tốt nghiệp trường nghề nếu học sinh muốn học lên cao hơn nữa ở bậc đại học, sau đại học thì vẫn có thể đăng kí dự thi như những học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học.

Định hướng tương lai

Tuy nhiên, để phân luồng học sinh vào các trường nghề không đơn giản chỉ cần chính sách hỗ trợ học phí mà điều quan trọng là phải thuyết phục học sinh cùng gia đình hiểu và lựa chọn đúng con đường đi đến tương lai.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo 100% các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở phải thành lập Ban công tác hướng nghiệp và bố trí phòng riêng hoặc ghép với phòng đoàn đội để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh cuối cấp.

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, cho biết từ thực tế của địa phương là xã nằm trong khu công nghiệp của huyện, nên cơ hội để con em trong xã sau khi tốt nghiệp các trường nghề vào làm việc tại các nhà máy, Cty trong khu công nghiệp là rất lớn nên những năm qua trường luôn xác định việc tổ chức phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường căn cứ vào kết quả năm học cũ, tiến hành tổ chức khảo sát chất lượng cho học sinh khối 9 để phân loại học sinh theo trình độ; tổ chức phát phiếu điều tra hướng nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Qua 3 năm thực hiện, công tác phân luồng học sinh trung học, đào tạo chuyên nghiệp - dạy nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hiệu quả rõ rệt, tỉ lệ học sinh vào trung học phổ thông giảm dần từ 84,24% vào năm 2011 xuống còn 70,8% năm 2014 và tỉ lệ học sinh đăng kí vào hệ trường nghề cũng tăng dần từ 11,43% năm 2011 lên tới 23,15% năm 2012.

Vào mỗi kỳ học, nhà trường tiếp tục tổ chức thi khảo sát chất lượng để có hướng tư vấn cho học sinh, phụ huynh cách thức lựa chọn việc học và định hướng nghề trong tương lai theo trình độ học lực của các em.

Nhà trường còn liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bình Xuyên; Trường Cao đẳng nghề cơ khí Nông nghiệp; Trường Trung cấp xây dựng số 4; Trường Cao đẳng nghề Việt Đức… hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, hướng học và phân luồng học sinh cuối cấp; đồng thời tổ chức đào tạo học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Đối với học sinh có điều kiện kinh tế và học lực từ trung bình khá trở lên, nhà trường định hướng cho các em thi tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập, hoặc thi lên đại học từ con đường học trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức đào tạo liên thông.

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Sơn Lôi đã thông qua UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương phân luồng học sinh sau trung học phổ thông.

Nhờ làm tốt công tác tư vấn, những năm qua, chất lượng thi vào trung học phổ thông của trường luôn đứng ở tốp đầu của huyện. Tỷ lệ học sinh đăng ký và học trong các trường nghề tăng hằng năm.

Năm học 2012-2013, số học sinh khối 9 có 117 em thì có 58 em đăng ký thi vào các trường nghề; 48 em thi vào trung học phổ thông; năm học 2013-2014, trường có 76/131 học sinh thi vào các trường nghề (chiếm gần 60% số học sinh trong khối).

Ngay từ đầu năm học 2014-2015, qua khảo sát lần đầu và được các thầy, cô giáo trong trường tư vấn, hướng nghiệp nghề thì đã có 72/124 học sinh khối 9 đăng ký thi vào các trường nghề trong tỉnh.

Cùng với trường Sơn Lôi, nhiều trường trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện khá tốt công tác phân luồng học sinh như trường trung học phổ thông Bá Hiến, Bình Xuyên: Năm học vừa qua, trường có 239 em tốt nghiệp lớp 9, trong đó 113 em thi vào trung học phổ thông, còn lại 108 em đã tự nguyện viết đơn theo học trường bổ túc văn hóa và học nghề.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất