| Hotline: 0983.970.780

Gian nan canh giữ khu bảo tồn thiên nhiên có những cây gỗ nghiến trăm tuổi

Thứ Ba 13/12/2016 , 14:30 (GMT+7)

Là khu bảo tồn rộng gần 8.500 ha, lại giáp ranh với Trung Quốc, trữ lượng gỗ nghiến được xác định lớn nhất nhì khu vực miền núi phía Bắc. 

Vì thế công tác bảo vệ và gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh với cán bộ, kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang (Hà Giang) luôn thường trực hiểm nguy.
 

Máu đổ

Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang có diện tích trên 8.500ha, trải dài trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Vị Xuyên và 1 xã thuộc thành phố Hà Giang. Đây là khu vực rộng lớn, địa bàn núi đá hiểm trở lại có khoảng 7,5km đường rừng là biên giới giáp ranh với Trung Quốc nên công việc của người kiểm lâm nơi đây không chỉ có giữ rừng mà còn góp phần vào việc đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên giới.

10-59-20_vn-chuyen-go-khoi-rung
Vận chuyển gỗ ra khỏi rừng
 

Đi tuần rừng cùng các cán bộ kiểm lâm, tôi được giới thiệu về những cây gỗ nghiến có tuổi đời lên tới cả trăm năm. Chính vì vậy, gỗ nghiến tại Phong Quang từ lâu đã nổi tiếng như những “mỏ vàng lộ thiên” luôn bị lâm tặc nhòm ngó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ những “mỏ vàng” này gặp rất nhiều gian nan.

17 cán bộ bảo vệ địa bàn rộng hơn 8.500ha, có nghĩa mỗi người sẽ phải bảo vệ một khu vực rộng tầm 500ha. Trên đường đi tuần rừng, chúng tôi có nghe thấy tiếng rìu chặt gỗ tưởng như gần lắm nhưng âm thanh cứ văng vẳng từ vách núi nọ đến ngọn đồi kia, vọng cả vào không trung.

Tôi tò mò hỏi làm sao biết họ đang chặt gỗ ở đâu, thì nhận được câu trả lời: Tất cả phải dựa vào kinh nghiệm và sự tập trung phán đoán mới có thể phát hiện ra vị trí. Tuy nhiên, có những lúc phát hiện ra vị trí cây đang bị chặt nhưng đi đến đó mất cả ngày nên đến nơi tang vật đã được lâm tặc tuồn đi các ngả khác nhau, chẳng để lại dấu tích.

Anh Trần Văn Khiên đã có gần chục năm làm kiểm lâm tại Ban quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang đã tâm sự với tôi về những vất vả, khó khăn, thiếu thốn của mình và đồng đội với tinh thần hết sức lạc quan. Anh coi đó như lẽ đương nhiên của đời người kiểm lâm. Nhưng đến khi tôi nhận thấy đôi bàn tay có vẻ không bình thường của anh thì lúc đó, mắt anh ngấn lệ…

Anh kể, cách đây 3 năm, trong một lần đuổi theo đối tượng vận chuyển gỗ nghiến sang bên kia biên giới, anh và 2 đồng đội nữa đã bị lâm tặc tổ chức bao vây và tấn công. Lúc đó, cả 3 đồng chí đều bị thương, riêng anh Khiên vừa bị gãy chân, vừa bị đứt lìa một ngón tay. Cho đến bây giờ, khi mọi thứ đã đi qua, anh vẫn không hiểu sức mạnh nào đã khiến đồng đội di chuyển được mình từ núi đá về đến bệnh viện kịp thời, để anh có thể nối lại ngón tay đã đứt lìa.

Câu chuyện của anh Khiên cũng chẳng phải là chuyện hi hữu ở chốn này. Theo ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang thì chuyện kiểm lâm bị ngã gãy chân trên đường đi tuần tra hay bị lâm tặc đe dọa đến tính mạng… là “chuyện thường ngày”.
 

"Lâm tặc" bất đắc dĩ

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Quang với địa hình hiểm trở, chỉ có duy nhất con đường độc đạo để dẫn vào địa phận rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên việc người dân từ nơi khác đến khai thác gỗ là rất khó. Tôi đặt câu hỏi, lâm tặc đến đây bằng cách nào? Thì nhận được câu trả lời: "Lâm tặc" ở ngay trong rừng… Đó chính là hơn 500 hộ dân sinh sống lâu đời ở vùng lõi của khu bảo tồn.

10-59-20_go-nghien-bi-tich-thu
Gỗ nghiến bị tịch thu
 

Tìm đến vùng này, tôi mới hiểu được hoàn cảnh của những “lâm tặc" bất đắc dĩ. Theo đó, mỗi hộ nằm trong vùng lõi khu bảo tồn chỉ được phân chia khoảng 2.000m2 đất để trồng cây nông nghiệp. Vì rừng đã có chính sách đóng cửa nên bà con không thể khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, cũng không thể vào rừng khai thác gỗ, củi hay lâm sản ngoài gỗ một cách “đàng hoàng” như trước kia.

Cứ như vậy, năm này qua năm khác, người người sinh sôi, nhà nhà tách hộ… nhưng diện tích đất bất biến. Hệ lụy, trung bình mỗi hộ dân tại đây sẽ phải gồng mình với 2-3 tháng thiếu đói/năm. Không có cái ăn, thanh niên trai tráng trong làng lại vào rừng chặt nghiến. Mỗi khoanh gỗ nghiến có đường kính trên 50cm, dày khoảng 20-25cm được người phía bên kia biên giới mua với giá 1,2 - 1,8 triệu đồng tùy từng thời điểm. Thử hỏi người dân nghèo nơi đây làm gì để ra ngần ấy tiền?

Hơn nữa, nếu như trước đây, những cây nghiến to quá chắc chắn đến độ không thể chặt được bằng rìu, búa hay cưa tay. Nhưng ngày nay, cưa máy xăng ra đời đã giải quyết mọi vấn đề, trung bình mỗi hộ dân tại đây đều trang bị cho mình một cái cưa xăng sản xuất từ Trung Quốc với giá chưa tới 1 triệu đồng. Thế là gỗ cứ ầm ầm đổ xuống rồi được xẻ nhỏ ra, phụ nữ gùi được 1-2 khoanh, đàn ông xốc gỗ vắt vẻo bằng xe máy tự chế không biển số, sau đó tất cả cùng băng rừng qua biên giới để bán cho đầu nậu phía bên kia biên giới.

Năm 2014, kể từ khi Ban Quản lý Rừng đặc dụng Phong Quang vào cuộc quyết liệt, số vụ phá rừng đã giảm được 60-70%, nhưng để giảm hoàn toàn là rất khó. Bởi, chỉ khi dân làng ấm cái bụng, có của ăn của để, có sinh kế bền vững thì mới hi vọng họ không phải vào rừng khai thác gỗ. Còn đối với chốt kiểm lâm địa bàn, hàng năm các anh có thể bắt tới gần 20 vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán các loại gỗ quý như nghiến, đinh, lát hoa… nhưng việc xử phạt cũng gặp muôn vàn khó khăn để rạch ròi giữa lý và tình.

10-59-20_tun-rung-2
Tuần rừng
 

“Với xử phạt hành chính, có những hộ quá nghèo, tài sản chỉ có vài cái nồi để nấu ăn có gì để mà nộp phạt. Vậy là biên bản lập ra xong, chữ ký đôi bên có cả… nhưng tiền nộp phạt đành bỏ trống. Hoặc với những đối tượng là thanh niên có vợ và con nhỏ, nếu xử lý hình sự vợ con họ nheo nhóc, bố mẹ già không nơi nương tựa… không đành lòng mà xử theo đúng luật. Lại còn có đối tượng ngày hôm trước mình bắt được đi bán gỗ, nó đánh mình chảy máu, ngày hôm sau gặp nó trong làng lại nhìn mình cười hì hì, thế thì bảo phải làm sao?”, anh Hải, một cán bộ kiểm lâm chia sẻ.

Ngay sau đó, tôi có đến thăm hỏi một số người dân sinh sống ở các thôn khác nhau trong vùng lõi khu bảo tồn, trong đó có cả những đối tượng đã từng phải đi tù vì tấn công kiểm lâm… để hỏi về tâm nguyện của họ. Hầu hết, mọi người đều trả lời là muốn có một con đường thật to, dẫn từ thành phố về tận thôn, bản để họ có thể giao thương, buôn bán và phát triển kinh tế…

Tuy nhiên, hàng loạt câu hỏi được đặt ra khiến tôi cứ đau đáu trong lòng: Có một con đường lớn cuộc sống của người dân có thể sẽ khấm khá hơn nhưng con đường đó liệu có quá thuận lợi cho việc lâm tặc xâm nhập địa bàn và khai thác, vận chuyển gỗ? Còn việc di dân ra khỏi khu bảo tồn cũng không phải là phương án tối ưu khi đây lại là vùng biên giới, cần có người sinh sống để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc? Rồi những người bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản quốc gia đã bất chấp hiểm nguy, hi sinh hạnh phúc cá nhân… rốt cuộc, ai sẽ bảo vệ họ? Những câu hỏi ấy xin chuyển cho các nhà làm chính sách.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm