| Hotline: 0983.970.780

Gian nan sau thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và FARC

Thứ Sáu 26/08/2016 , 10:11 (GMT+7)

Sau hơn 2 tháng thảo luận sâu về nội dung cơ bản của thỏa thuận đình chiến giữa chính phủ Colombia và lực lượng phiến quân nổi dậy cánh tả FARC, một thỏa thuận hòa bình đã chính thức được thông qua vào 24/8 theo giờ địa phương. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày mùng 2/10 tới nhưng nó được cho không phải...

Cuộc nội chiến ở Colombia mặc dù không lớn tính theo mức thương vong (220 ngàn người trong hơn 50 năm) nhưng lại là một cuộc chiến đặc biệt vì nó tác động đến nhóm dân thường rất lớn.

Sau hơn 2 tháng thảo luận sâu về nội dung cơ bản của thỏa thuận đình chiến giữa chính phủ Colombia và lực lượng phiến quân nổi dậy cánh tả FARC, một thỏa thuận hòa bình đã chính thức được thông qua vào 24/8 theo giờ địa phương. Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào ngày mùng 2/10 tới nhưng nó được cho không phải là một rào cản của thỏa thuận hòa bình này. Nếu như thành công thì đây sẽ là một cột mốc lịch sử cho Colombia khi cuộc nội chiến kéo dài 52 năm sẽ được đưa đến hồi kết.

Theo thống kê, cuộc chiến làm hơn 177 nghìn người dân thường thiệt mạng. Thống kê cũng chỉ ra rằng có khoảng hơn 16% dân thường ở Colombia là nạn nhân trực tiếp của bạo lực từ cuộc chiến này, một phần lớn trong số đó bị mất một hoặc nhiều phần cơ thể vì mìn được FARC cài ở khắp những vùng hoạt động của mình.

Mặc dù số đông người Colombia đồng ý rằng cuộc nội chiến dai dẳng suốt 52 năm này đã đến hồi kết nhưng vẫn có những bất đồng về việc kết thúc nó như thế nào.

Một trong số đó là cựu tổng thống Alvaro Uribe, người mà khi cầm quyền từ năm 2002 - 2010 đã tuyên chiến toàn diện với FARC và mở ra thời kì đẫm máu nhất trong lịch sử cuộc nội chiến.

Ông Uribe đang vận động cho một chiến dịch nhằm kêu gọi người dân Colombia không kí vào hiệp định hòa bình này. Lí do mà ông Uribe đưa ra là FARC và những thành viên của tổ chức này đã "có được một thỏa thuận quá dễ dàng".

Trong hiệp định này có mục ghi là những thành viên của tổ chức FARC nếu như đã tham gia vào thực hiện những hành vi tội ác vi phạm nhân quyền trong quá khứ thì chỉ cần thành khẩn khai báo sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và thay vào đó chỉ phải trả án bằng những công việc lao động cộng đồng.

Một nạn nhân bị mất chân cho tờ New York Times biết là cô sẽ bỏ phiếu không đồng ý vào ngày trưng cầu dân ý tháng 10 tới đây với lí do là cô muốn những kẻ gây ra thương tật cho cô phải chịu trách nhiệm. Cần nói thêm là FARC không nhận được thiện cảm trên toàn lãnh thổ Colombia vì những vụ đánh bom, gài mìn, bắt cóc và dính líu đến nạn buôn ma túy.

Tuy thế, những người phản đối sẽ không phải là rào cản để hiệp định hòa bình này thành công. Như mọi thỏa thuận khác thì con đường dài nhất là từ văn bản đến thực tế. Khó khăn đầu tiên đó là câu hỏi về việc liệu FARC và chính phủ Colombia có đủ khả năng để thực hiện đúng theo cam kết hay không.

Về phía chính phủ Colombia, đất nước thuộc hạng khá giả ở Mỹ Latinh này từ lâu đã bị cho là lơ là về việc đầu tư cho nông thôn. Đây cũng là lí do chính đẩy nhiều thanh niên cả nam lẫn nữ ở những vùng nông thôn nghèo vào con đường gia nhập hàng ngũ những phiến quân như FARC (FARC chỉ là nhóm phiến quân lớn nhất chứ không phải duy nhất đang hoạt động tại Colombia).

Về mặt này thì Colombia chịu chung cảnh với nhiều nước Mỹ Latinh khác như Brazil, Mexico khi đầu tư chính phủ ở nông thôn và thành thị tồn tại một khoảng cách quá xa. Điều này dẫn đến cơ hội việc làm gần như không tồn tại và kéo theo nó là những hệ lụy từ xã hội. FARC có thể bắt đầu là một cuộc chiến tranh tư tưởng nhưng điều giúp nó kéo dài đến tận bây giờ là sự thiếu việc làm và cơ hội ở những vùng nông thôn.

Về phía FARC, những lãnh đạo của họ có thể hùng hồn tuyên bố về việc giải giáp và tái hòa nhập cộng đồng nhưng không chắc là bao nhiêu phần trăm tay súng của tổ chức này sẽ nghe theo lời kêu gọi đó. Daniela, một thành viên kì cựu của FARC gia nhập tổ chức này năm 15 tuổi vào 10 năm trước buồn bã trả lời phỏng vấn tờ Guardian, rằng "không có khẩu AK-47 thì chúng tôi chẳng là gì cả". Việc giải giáp hơn 10.000 thành viên của FARC là việc không đơn giản trong bối cảnh một số nhóm phiến quân đã tuyên bố sẽ đi theo những tổ chức nổi dậy khác.

16-59-09_3145
Tổng thống Manuel Santos và lãnh đạo FARC Timoleon Jimenez trong lễ kí kết thỏa thuận sơ bộ (Ảnh: the Guardian)

 

Bên cạnh đó thì chính phủ Colombia cũng phải chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho những thành viên cao cấp của FARC khỏi ám sát. Một cuộc ám sát thành công một thành viên cao cấp của FARC cũng sẽ đồng nghĩa với khả năng lớn nhóm này sẽ rút lại vào rừng sâu tổ chức chiến tranh du kích dưới danh nghĩa tự vệ.

Thách thức cuối cùng cũng là thách thức lớn nhất. Ai sẽ thay thế FARC trong việc "tiếp quản" 70% lượng cây trồng cocoa, nguyên liệu chính để sản xuất cocaine.

Nếu như FARC bắt đầu là một tổ chức cánh tả cực đoan, nhận viện trợ của Cuba, Liên Xô và những nhà nước cánh tả trong khu vực thì FARC ngày nay mang nhiều điểm tương đồng của một tổ chức buôn ma túy đa quốc gia hơn là một nhóm khởi nghĩa. Một nghiên cứu của viện hòa bình Stockholm Thụy Điển chỉ ra rằng các hoạt động buôn bán ma túy chịu trách nhiệm chi trả cho khoảng gần 90% mọi chi phí hoạt động của FARC.

Trong thỏa thuận hòa bình có ghi rõ là FARC sẽ phải từ bỏ những hoạt động liên quan đến ma túy của mình. Chính phủ Colombia sẽ thành lập 23 vùng đệm và 8 trại cải tạo giải giáp vũ khí để những thành viên của FARC có thể trao trả vũ khí tái hòa nhập cộng đồng. Tuy vậy thì liệu họ có chấp nhận từ bỏ hoàn toàn nguồn lợi nhuận khổng lồ từ ma túy hay không là chuyện khác. Giả định họ có thực sự từ bỏ thì liệu Colombia có bị đẩy lại đỉnh điểm cuộc chiến ma túy những năm 1980 khi mà những băng nhóm thanh trừng đẫm máu nhau để giành địa bàn còn là câu hỏi lớn.

Không có gì bàn cãi đây là một thỏa thuận lịch sử cho người dân Colombia. Vào tháng 6 năm nay khi thỏa thuận sơ bộ được thông qua, tất cả những nhà lãnh đạo Colombia từ Tổng thống đến quan chức nhỏ hơn đều đeo một cánh bồ câu trắng trên áo biểu trưng cho khát vọng hòa bình của đất nước này. Nhưng thỏa thuận này mới chỉ là điểm mở đầu cho tiến trình đến hòa bình được dự báo còn rất nhiều gian nan của Colombia.

(Nghiên cứu sinh đại học Manchester, Anh)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất