| Hotline: 0983.970.780

Giang hồ thao túng

Thứ Sáu 05/08/2011 , 11:01 (GMT+7)

Nhiều băng nhóm buôn lậu tranh giành lãnh địa làm ăn, thậm chí tấn công lực lượng chức năng để cướp lại hàng lậu khi bị bắt. Cơ quan chức năng biết rõ đối tượng cầm đầu nhưng vẫn... bó tay.

Nhiều băng nhóm buôn lậu tranh giành lãnh địa làm ăn, thậm chí tấn công lực lượng chức năng để cướp lại hàng lậu khi bị bắt. Cơ quan chức năng biết rõ đối tượng cầm đầu nhưng vẫn... bó tay.

>> Đột nhập ''thánh địa'' hàng lậu

Băng nhóm bao sân

Ngược theo QL91 từ Châu Đốc, chúng tôi đến cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của hàng buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam. Tịnh Biên là cửa khẩu lớn nhất, chiếm trên 70% hàng mậu dịch, tiếp giáp với xã Nam Đưl, huyện Kinivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Ngoài T. đồng hành cùng chúng tôi còn có thêm anh Q., một người dân bản địa trong vùng. Theo Q., ở Tịnh Biên muốn mua gì cũng có, kể cả các loại hàng nóng (súng ngắn, AK, dao găm sát thủ) có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc.

Con đường đá lởm chởm dẫn vào xã An Nông, huyện Tịnh Biên nằm sát biên giới Campuchia, hàng ngày phải oằn mình gánh đỡ từng đoàn xe ba gác chất đầy đường, thuốc lá, bánh kẹo, rượu, hàng điện máy, điện thoại di động, phụ tùng ô tô… lao về chợ Tịnh Biên hoặc theo xe đò về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đứng trên cầu Xuân Tô (cách Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên 200 mét) nhìn xuống cánh đồng, chúng tôi dễ dàng nhận ra đoàn người đang cõng hàng lậu nối nhau thành hàng dài từ bên kia biên giới đổ về các bãi nơi ghe xuồng chờ sẵn trên kênh Vĩnh Tế. “Đó là đám cửu vạn của trùm N., đang chuyển hàng. Bình thường đám này đi vào chập tối, nhưng hôm nay chắc có động nên đổi giờ rồi”- Q. cho biết.

Trùm N. vốn là một tay anh chị dân Hải Phòng vào vùng cửa khẩu này làm ăn từ giữa năm 1995. Nhờ bản lý lịch trích ngang đầy “chiến tích” với 3 tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, cố ý gây thương tích, cướp của, trùm N. đã nhanh chóng leo lên cái ghế đại ca, chuyên bảo kê cho các băng buôn lậu trong vùng. Dưới trướng của N. có gần chục tên chuyên thu mua và vận chuyện hàng lậu. “Các mối hàng muốn lên đây làm ăn đều phải qua tay N., nếu N. không nhận thì không có đầu nậu nào dám qua mặt. N. từng dẫn đàn em qua Campuchia thanh toán những đầu nậu dám chống đối, nên ai cũng ngán cả”- Q. cho biết.

Sau nhiều lần nhờ Q. điện thoại dọn đường, chúng tôi mới có dịp tiếp kiến trùm N., tại một quán cà phê nhỏ nằm ở trung tâm xã An Nông. Đúng dịp N. lên đây để chỉ đạo đàn em “đánh” một chuyến hàng lớn từ khu vực "vành đai trắng" vào nội địa. Theo N., bản hợp đồng với chủ hàng có trị giá trên 2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đường và rượu ngoại từ Thái Lan về. “Mỗi chuyến hàng đi như vậy, muốn trót lọt thì phải chi rất nhiều “cửa”. Sau khi hàng qua biên giới, chúng tôi sẽ vận chuyển về địa điểm giao hẹn trước, thông thường hàng tập kết về thị xã Châu Đốc”, N. cho hay. Để chắc ăn, N. đích thân lên giám sát việc vận chuyển hàng và bảo lãnh cho đám đàn em qua mặt các đầu nậu trong vùng. Hiện tại khu vực biên giới thuộc xã An Nông tồn tại 3 thế lực ngầm phân khúc “thị trường hàng lậu”.

Hai M., một đàn em của trùm N., chuyên vận chuyển hàng ở khu vực này cho biết: “Mặt hàng chính mà tôi cho bọn đàn em đưa về chủ yếu là đường sản xuất  tại Thái Lan. Ngày nào xuôi gió, không có công an, lực lượng biên phòng tuần tra thì có thể đi trót lọt ba bốn chuyến, lãi khoảng vài chục triệu. Ngày nào “có biến” thì đi một chuyến vào lúc giữa đêm”.

Nhờ sự “bảo lãnh” Q., chúng tôi được Hai M. đồng ý cho đi đến điểm tập kết hàng mà dân buôn lậu vùng Tịnh Biên vẫn thường gọi đó là “vành đai trắng” như nói trên. Trước khi đi, Hai M. không quên dặn dò: “Anh đi theo chỉ nên nhìn, đừng tò mò lắm chuyện kẻo rắc rối”. Hai M. cử một đàn em dẫn tôi và Q. xuống chiếc ghe đậu sẵn ở kênh Vĩnh Tế để đến điểm tập kết hàng. Sau khi vượt qua một đoạn đường đồng khá trống trải, chúng tôi tiến đến điểm hẹn. Ở đây có hơn chục cửu vạn đang ngồi chờ bốc hàng. “Những người này sẽ gánh hàng từ đây vượt sông đến sát chân cầu An Nông. Hàng về đến đó là coi như đã về tới nhà”, Hai M. cho hay.

Hơn 30 phút sau, hai chiếc xe tải (loại 2,5 tấn) từ Campuchia ì ạch bò qua đoạn đường lầy lội tiếp cận đám cửu vạn. Xe vừa dừng, Hai M. lập tức huy động người tháo hàng lậu (đường) từ xe xuống và xếp thành từng gùi. Gần 45 phút, đám cửu vạn mới hoàn thành việc đóng gùi và chuyển hàng qua Việt Nam. Qua quãng đường vắng, đám người gùi hàng tăng tốc khiến chúng tôi phải mệt hơi bám theo. Q. cho biết, đây là khu vực lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nên đám cửu vạn phải di chuyển nhanh để vượt qua.

Đến gần khu vực cầu An Nông, chúng tôi phát hiện một đám cửu vạn nữa đang gấp rút dỡ hàng. Hai M. cho hay, đó là đám cửu vạn làm việc cho trùm K, một đầu nậu nổi tiếng trong vùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, K. là một tay anh chị đất Sài Gòn phiêu dạt lên đây làm ăn rồi trở thành một đầu nậu, chuyên cung cấp đường lậu giá sỉ cho các chợ ở TP. HCM. “Ngoài mặt hàng đường, K., còn vận chuyển thêm các mặt hàng đắt tiền khác như rượu ngoại, thậm chí cả gỗ loại 1. Do là hàng đắt tiền nên việc thông trạm phải do K. đích thân làm mới được”, một cửu vạn nói.

Thửa "hàng nóng" để đối phó

“Chúng sẵn sàng dùng “hàng nóng” tấn công lực lượng tuần tra, kiểm soát để cướp lại hàng tẩu thoát. Hiện nay, chúng hoạt động từng băng nhóm hỗ trợ cho nhau khi chạm trán với lực lượng kiểm tra. Mặc dù biết rõ đối tượng cầm đầu đứng phía sau chỉ huy đám cửu vạn nhưng do chưa có bằng chứng nên chúng tôi bó tay, không thể làm gì hơn”, ông Lập nói.

Chuyện buôn lậu đường ở đây gần như công khai nên ông Lê Tấn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, khi tiếp xúc với NNVN cũng không giấu giếm và kể lại: “Vừa qua, chúng tôi nhận được thông tin có hai chiếc vỏ lãi (thuyền máy) chở hơn 2,5 tấn đường nhập lậu tại khu vực kênh Vĩnh Tế. Lực lượng hải quan phối hợp với biên phòng triển khai bắt giữ. Lúc phát hiện, các đối tượng buôn lậu tháo chạy, bỏ lại hai thuyền máy cùng toàn bộ số đường lậu. Trên đường đưa số hàng lậu trên về trụ sở, thuyền máy của chúng tôi bị hàng chục người mang theo gậy gộc đi trên hai chiếc ghe máy tấn công, đòi cướp lại số hàng vừa tịch thu”.

Cũng theo ông Lập, chuyện kẻ buôn lậu rượt đuổi, tấn công lực lượng chức năng để cướp lại hàng xảy ra như cơm bữa ở khu vực cửa khẩu Tịnh Biên này. Trước đó, T.V.C, một trùm buôn lậu đường khét tiếng vùng cửa khẩu Tịnh Biên đã huy động đàn em đến tấn công lực lượng chức năng để cướp hàng. Mặc dù lực lượng chức năng đã nổ súng cảnh cáo nhưng T.V.C và đàn em vẫn tiếp tục dùng hung khí lao tới tấn công, khiến một chiến sĩ hải quan bị thương nặng. T.V.C từng có tiền án, tiền sự về tội chống người thi hành công vụ và lãnh ba năm tù. Sau khi ra tù, T.V.C tiếp tục tập hợp đàn em chuyên đi cướp hàng thuê cho các đầu nậu bị bắt hàng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất